* Tạp bút của Phước Lộc
Quê tôi là một tỉnh thuộc miền Trung, với khí hậu khắc nghiệt nắng gió, mưa nhiều. Những người nông dân ở vùng quê này thường đối mặt với thiên tai bão lụt, hạn hạn, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, nhất là những người đông con.
Cha mẹ tôi đều là nông dân, con lại đông, nên gia đình tôi thuộc loại khó khăn bậc nhất trong xóm. Nhiều lúc cha tôi nghĩ hay là rời quê nhà đến vùng đất trù phú nào đấy lập nghiệp, may ra làm có cái ăn để nuôi con, bởi cha tôi có tới 9 người con. Nghĩ thì vậy, nhưng vì cha tôi là con trai duy nhất của ông bà nội mà ông bà nội đã qua đời, đưa cả gia đình đi thì không ai trông coi mồ mả ông bà và cũng không thể bỏ quê nhà mà đi xứ khác được. Tính đi, tính lại cha tôi quyết định đến huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để lập nghiệp vào năm 1976. Cha tôi chia hai số con, dẫn đi 5 đứa lớn là các anh, chị tôi, còn tôi và các em tôi ở lại với mẹ để làm ruộng sinh sống tại Hoài Nhơn quê nhà.
Tôi nhớ như in ngày cha tôi cùng các anh, chị tôi đi. Gia tài cha tôi mang theo là một bó rựa cùng với một số áo quần cũ đựng trong cái rương cũ kỹ. Trước lúc xe khởi hành, cha tôi dặn: Con ở nhà với mẹ, ráng học hành, chăm chỉ, cha đi làm có tiền gởi về nuôi các con ăn học, thỉnh thoảng cha lại về thăm các con và mẹ. Tôi lúc đó mới hơn 10 tuổi, nghe cha nói vậy, tôi òa khóc, tôi nghĩ từ nay cha sẽ không ở cùng với mẹ con tôi trong nhà sẽ thiếu vắng bóng cha, càng nghĩ, tôi càng khóc. Mẹ dỗ mãi tôi mới thôi.
Mặc dù làm ăn ở xa, hàng năm cha tôi năm lần, bảy lượt khăn gói về quê nhà để lo việc ơn nghĩa, giỗ chạp, tết nhất. Có cha về, không khí trong nhà ấm cúng hẳn lên. Và thời gian thấm thoắt trôi qua, anh chị, em chúng tôi đã yên bề gia thất.
Tôi cũng đã có một gia đình nhỏ, chồng, con và bao nhiêu thứ phải lo. Với một suất lương của viên chức nhà nuớc (chồng tôi việc làm không ổn định) vào những năm 80 của thời bao cấp hết sức chật vật chỉ đủ vợ chồng tôi trang trải nuôi con, dưa mắm qua ngày. Thời đó phương tiện đi lại là cả một vấn đề, tôi lại có con nhỏ, tình hình kinh tế gia đình khó khăn, dù muốn lên thăm cha, cũng khó mà thực hiện được. Tôi cứ hẹn lần, hẹn lần có dịp thuận lợi sẽ lên thăm cha...
Nào ngờ, cha tôi đột ngột bị tai biến, đưa vào bệnh viện được 5 ngày thì qua đời. Trong cơn hôn mê, với lòng yêu thương vợ, con, nỗi nhớ về quê nhà cứ trỗi dậy, nước mắt cha tôi chảy dài trên hai gò má. Mãi đến khi cha tôi qua đời, tôi và các em tôi mới đặt chân đến nơi cha tôi lập nghiệp. Lúc sinh thời cha tôi nói: Vì đông con nên cha phải đi làm ăn xa, kiếm tiền nuôi các con ăn học. Khi các con lớn khôn thành người, cha sẽ quay về lại quê nhà, nơi có mồ mả ông bà tổ tiên, có bà con chòm xóm.
Duyên may, khu nghĩa địa nơi chôn ba tôi, lại ở sát đường. Mộ cha tôi được an táng trên một đồi cao, gần quốc lộ, hương hồn cha tôi cũng sẽ tiện đường về lại quê nhà, như lúc sinh thời cha tôi thường nói!
Cha tôi qua đời cách đây đã khá lâu, nhưng nỗi buồn trong tôi khó mà vơi đi. Bởi tôi chưa một lần rót cho cha ly nước, chưa một lần chăm sóc cha khi trái gió trở trời. Cuộc sống của tôi giờ đây tương đối ổn định, tôi được đi du lịch nhiều nơi trên đất nước này, giờ muốn đi thăm cha thì cha tôi không còn nữa…
Tôi viết những dòng này phần nào để giải tỏa nỗi buồn và phần nào mong bạn đọc xẻ chia. Hãy cố gắng làm tròn đạo con với cha mẹ để mai kia khi cha mẹ trăm tuổi, không phải ân hận, xót xa như tôi. Cái gì làm được trong hôm nay, xin chớ để lại ngày mai...
|