Sử sách ghi lại những phút cuối cùng của Trần Bình Trọng rất ít ngoài câu nói bất hủ - Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc. Hãy cứ thử nghĩ xem nếu một nhà văn nào đó “hư cấu” hành vi của Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng trong khung thời gian từ lúc ông gần sa vào tay giặc đến lúc ông hy sinh theo cái kiểu Lê Đình Danh đã hư cấu về Trần Quang Diệu, phản ứng của công chúng sẽ ra sao?
Những chuyện lịch sử ở xa tài liệu ghi chép ít ỏi. Nhưng ngay cả những chuyện lịch sử ở gần, tỷ như chuyện liệt sĩ Vũ Bảo, anh hùng Ngô Mây mới trong kháng chiến chống Pháp đây, do chiến tranh thất tán nhiều nên chỉ còn ghi nhận được chủ yếu ở tình tiết hy sinh mà thôi. Liệu rằng có thể chấp nhận cho văn chương hư cấu kiểu như Lê Đình Danh đã hư cấu về Trần Quang Diệu không?
Lịch sử là thiêng liêng và phải được nhìn nhận với sự toàn vẹn của nó. Niềm vinh quang được ghi nhận, truyền lưu đã đành. Nhưng ngay cả những sự thật đau đớn cũng không vì thế mà người ta có quyền lấp liếm. Lịch sử có thể được điều chỉnh để chính xác hơn. Nhưng cũng chỉ có thể điều chỉnh bằng chính khoa học lịch sử khi người ta có đủ cứ liệu, bằng chứng, có lập luận và kết quả phân tích thận trọng. Trong một bài viết gần đây nhân bàn đến lịch sử nhà thơ Thanh Thảo có viết - hãy khiêm nhường khi động đến lịch sử. Tôi tâm đắc với cách nhìn nhận này.
Cách hư cấu của Lê Đình Danh tuy chỉ là một đoạn nhỏ nhưng với những ngôn từ hết sức oan nghiệt đẩy lệch tính chất nhân vật anh hùng Trần Quang Diệu, bóp méo lịch sử. Không thể chấp nhận được. Lại nhớ đến một câu nói lừng danh của Abutalip – nhà thơ dân tộc Daghestand: “Nếu anh bắn vào quá khứ một phát súng lục thì tương lai sẽ nã vào đầu anh một quả đại bác”.
Được biết, sắp tới đây, NXB Văn hóa thông tin sẽ tổ chức thẩm định chi tiết mà Lê Đình Danh hư cấu có làm ảnh hưởng đến hình ảnh danh nhân Trần Quang Diệu hay không để tiến đến sẽ ra quyết định thu hồi hay vẫn tiếp tục phát hành tác phẩm.
Hội đồng sẽ có quyết định như thế nào đi chăng nữa thì tiểu thuyết Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh, bằng chi tiết hư cấu vô lý trên đã làm tổn thương, đau đớn niềm tự hào của những người trân trọng lịch sử dân tộc. Chúng tôi không thể hiểu được vì sao khi biên tập những chi tiết ấy lại không bị lược bỏ.
|