Mấy hôm nay trên Bình Định điện tử có nhiều bài viết phê phán về sự hư cấu thái quá, làm sai lệch hình ảnh anh hùng, nhân nghĩa của vợ chồng võ tướng Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu trong tiểu thuyết Tây Sơn bi hùng truyện của tác giả Lê Đình Danh. Bài viết dưới đây xin tóm lược lại tiểu sử của đôi vợ chồng võ tướng có một không hai này để bạn đọc nhớ lại và đánh giá về cái gọi là "hư cấu" của tác giả Lê Đình Danh.
Trần Quang Diệu (? - 1802) quê ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân (cũng có thuyết cho rằng Trần Quang Diệu quê ở Đà Nẵng). Theo Danh tướng Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần (NXB Giáo Dục), trước khi trở thành một trong những hổ tướng của Tây Sơn, Trần Quang Diệu đã từng có mối quan hệ khá thân tình với Nguyễn Nhạc. Khi Nguyễn Nhạc dựng cờ xướng nghĩa, Trần Quang Diệu là một trong những người nhiệt liệt hưởng ứng sớm nhất. Ông và vợ (nữ tướng Bùi Thị Xuân) được Bộ chỉ huy Tây Sơn tin cậy, giao phó những chức vụ ngày càng lớn.
Năm 1788, Trần Quang Diệu đã sát cánh với Quang Trung Nguyễn Huệ trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc để chuẩn bị cho trận quyết chiến với quân Mãn Thanh. Và trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa (Tết Kỷ Dậu - 1789), Trần Quang Diệu là một trong những vị tướng đã lập công xuất sắc.
Nhờ công lao trong cả quá trình tham gia khởi nghĩa, năm 1790, Trần Quang Diệu được vua Quang Trung bổ làm Đốc trấn Nghệ An. Với chức vụ này, Trần Quang Diệu là người đã có công thực hiện việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.
Dưới thời Quang Toản, Trần Quang Diệu được phong tới chức Thiếu phó. Trong cuộc đối đầu với quân Nguyễn Ánh, Trần Quang Diệu đã lập được rất nhiều công lao. Ông đã nhiều phen đánh cho quân của Nguyễn Ánh phải thất điên bát đảo. Trong đó trận đánh lớn nhất của Trần Quang Diệu đối với quân Nguyễn Ánh là trận hạ thành Quy Nhơn (1801), khiến Ngô Tùng Châu và Võ Tánh, hai tướng tài của Nguyễn Ánh, phải tự tử. Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu đã có một việc làm được người đời khen là nhân đức, đó là đem chôn cất Võ Tánh và Ngô Tùng Châu rất tử tế, đồng thời tha mạng cho tất cả tướng sĩ của Nguyễn Ánh còn sót lại trong thành.
Năm 1802, sau một trận ác chiến với Nguyễn Ánh ở Nghệ An, Trần Quang Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân bị bắt. Sau nhiều lần dụ hàng mà không được, Nguyễn Ánh đã xử tử cả gia đình ông một cách vô cùng dã man. Ông bị lột da (lăng trì) còn vợ ông thì bị voi giày.
Còn Bùi Thị Xuân (? - 1802) quê ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn. Năm 1771, khi ba anh em Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, cùng với Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân là một trong những người nhiệt liệt tham gia hưởng ứng đầu tiên. Theo Danh tướng Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần, trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh 30 năm trời, anh dũng chống cả thù trong giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng.
Trong sự nghiệp lẫy lừng của Bùi Thị Xuân, có hai sự kiện quan trọng liên quan trực tiếp tới bà và qua hai sự kiện đó, danh thơm của bà được truyền tụng mãi.
Sự kiện thứ nhất là thái độ của bà đối với thái sư Bùi Đắc Tuyên, cậu ruột của bà. Năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị Võ Văn Dũng giết. Bấy giờ, mọi người nghi ngại Bùi Thị Xuân sẽ mâu thuẫn với Võ Văn Dũng nhưng khác với suy nghĩ của nhiều người, bà đã có thái độ rất công minh, không thù oán những người đã giết cậu ruột mình và không vì sự rối ren của triều đình mà rời bỏ vị trí chiến đấu.
Sự kiện thứ hai là việc bà tham gia trận Trấn Ninh (1-1802) chống lại cuộc phản công của Nguyễn Ánh. Trong trận này, bà là người chỉ huy 5.000 quân hiên ngang tấn công quyết liệt vào hàng ngũ đối phương khiến cho Nguyễn Ánh rất khiếp sợ.
Nhà Tây Sơn tan, Nguyễn Ánh đã xử tội cả gia đình nữ tướng Bùi Thị Xuân rất tàn khốc nhưng bà và con gái rất hiên ngang, không một lời kêu than, cũng không một chút nao núng.
Về cái chết oanh liệt của vợ chồng Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu, có rất nhiều sách và tài liệu đề cập đến. Chẳng hạn Võ nhân Bình Định, Nhà Tây Sơn của Quách Tấn – Quách Giao (NXB Trẻ), Cách mạng Tây Sơn của Văn Tân (NXB Khoa học xã hội), Vua Quang Trung của Lam Giang Nguyễn Quang Trứ (NXB Thanh Niên), Danh tướng Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần (NXB Giáo Dục)…
Vua Quang Trung của Lam Giang Nguyễn Quang Trứ (NXB Thanh Niên) viết về sự kiện này như sau: "Địch thủ đáng sợ nhất của nhà Nguyễn Gia Miêu là Trần Quang Diệu. Diệu phải chịu tội lột da. Vợ là Bùi Thị Xuân chết với một sự can đảm quá mức phi thường, khiến cho ai cũng phải khâm phục. Con voi hành hình bà lại chính là con voi trận mà bà đã thường dùng. Bà phải tiến lên, khiêu khích nó, ra lệnh cho nó cuốn bà tung lên rồi lấy ngà hứng… Con gái bà, một thiếu nữ kiều diễm, cũng chết với một sự bình tĩnh ghê rợn khi nghe bà thét lên: Con nhà tướng không được khiếp nhược!".
Nhìn chung, tư liệu lịch sử về Nhà Tây Sơn nói chung, vợ chồng Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu nói riêng khá nhiều và khá dễ tìm. Nói cách khác, vợ chồng Bùi Thị Xuân - Trần Quang Diệu không xa lạ gì với người Bình Định nói riêng, cả nước nói chung.
Vậy mà "ngạc nhiên chưa?", trong một bộ tiểu thuyết được coi là hoành tráng viết về nhà Tây Sơn của một tác giả người Bình Định, lại có những chi tiết gượng ép, đi quá xa so với sự thật. Mặc dù rất khâm phục và quý trọng tác giả Lê Đình Danh, một người viết văn không chuyên, chỉ vì ngưỡng mộ Quang Trung mà cặm cụi suốt 5 năm trời để cho ra đời Tây Sơn bi hùng truyện; nhưng người viết bài này cũng phải "chê" rằng: Anh đã quá thiếu cẩn trọng trong việc hư cấu về những nhân vật lịch sử đã trở nên quá quen thuộc như Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Và đó thật sự là một điều đáng tiếc cho Tây Sơn bi hùng truyện - một tác phẩm hấp dẫn.
|