Chuyến đi dài vào thế giới Tưởng Tượng*
10:12', 24/10/ 2006 (GMT+7)

Một ngày mưa, Bastian Balthasar Bux - một thằng bé nhút nhát, “cúp cua” và “chôm” một cuốn sách được trang trí lạ mắt. Trốn vào nhà kho cũ trong trường, nó đọc nghiến ngấu và bị hút luôn vào cuốn sách lúc nào không hay. Bị hút thật sự vào đó, Bastian trở thành một nhân vật, một phần của cuốn sách kỳ lạ. Trong vương quốc Tưởng Tượng, Bastian buộc phải vượt qua những thử thách, gánh vác những trọng trách cứu vương quốc khỏi thảm họa bị xóa sổ.

Không có Tưởng Tượng người ta sẽ chết

Bastian là một thằng bé yếu đuối, cô độc, sống khép kín. Chẳng ai quan tâm tới nó, kể cả gia đình. Bastian mồ côi mẹ. Bố Bastian chìm đắm trong nỗi buồn miên viễn và quên bẵng con trai. Vốn kém cỏi nhiều bề Bastian luôn là cái đích để bọn bạn xô đẩy, nhạo báng. Đã có lần nó bị tụi bạn học quẳng vào trong một thùng rác rồi đậy nắp lại khiến nó phải kêu la hai giờ đồng hồ mới có người đến cứu. Ngay cả thầy cô cũng chẳng từ cơ hội để chế giễu nết chậm chạp của nó. Nhưng sau tiếng kêu “Nguyệt Nhi ơi, tôi đến đây” - từ chỗ là một chú bé đầy mặc cảm, tự ti, Bastian trở thành một chàng trai quả cảm.

Vương quốc Tưởng Tượng tồn tại được là nhờ sự giàu có về tưởng tượng. Khi sự tưởng tượng trở nên nghèo nàn, vương quốc bị diệt vong dần dần với sự Hư Vô và quên lãng. Những cư dân Tưởng Tượng khi xuất hiện ở thế giới Con Người chính là những ước mơ, khát vọng. Nhưng nếu xuất hiện do sự chiếm lĩnh của Hư Vô, đó sẽ là những mưu mo hắc ám. Cứu Vương quốc Tưởng Tượng còn có nghĩa là cứu Con Người bởi lẽ khi ấy những mơ ước đẹp đẽ của con người cũng đang nghèo đi.

Nhưng khi cứu được vương quốc, Bastian sở hữu quyền lực tưởng tượng (tưởng tượng ra bất cứ điều gì điều đó lập tức trở thành sự thật) và điều này lại đưa cậu vào một cuộc phiêu lưu mới đầy li kỳ và thử thách khác.

Cậu bé đối diện với lòng ham muốn quyền lực. Cơn nghiện quyền lực khiến cậu quên mất tình bạn giữa mình với Atreju - một người bạn trung thành, công dân của vương quốc Tưởng Tượng. Quên mất thế giới thật của mình và quên luôn mọi quyền lực đều có bề trái. Ở đây cứ mỗi điều ước thành hiện thực cậu lại mất một mẩu ký ức. Nhưng Bastian lại khăng khăng cho rằng mọi người đang ghen tị với quyền lợi của nó. Mất ký ức đồng nghĩa mất luôn đường về thế giới Con Người, quên mất đường về nhà. Nhưng liệu người ta có cần ký ức không nhỉ?  Nhất là khi ở đó ta chỉ là một đứa hậu đậu, bị bỏ rơi, đầy tự ti?

May mắn cho Bastian là cậu vẫn còn hai người bạn tốt - Atréju dũng cảm và con Phúc Long. Nhờ phu nhân Aiuola tự đơm quả ngọt chăm sóc trong Ngôi-nhà-đổi-dạng suốt một mùa hè, tự mình, Bastian đã giải đáp được ước muốn cuối cùng là gì. Hành trình trở về của cậu cũng gian truân không kém khi quyết định rời xa nó để bước vào thử thách.

Không có Tưởng Tượng người ta sẽ chết. Nhưng nếu thoát ly thực tại thì sẽ rơi vào thế giới Hư Vô. Xin chớ quên, hiện tại cũng là một thế giới đẹp đẽ và đáng sống biết bao. Để sống hạnh phúc con người cần có cả hai và cân bằng chúng bằng tình yêu thương. Với Bastian đó chính là chìa khoá khởi động hành trình trở lại được là chính mình. Trở lại với chính mình để yêu thương và được yêu thương; để dũng cảm hơn và tự tin hơn; để thấy rằng sau tất cả những cuộc thử thách ấy, Bastian không hề yếu đuối. Và bất cứ nhóc con nào cũng ẩn chứa bên trong một Bastian cần đánh thức, cần thay đổi…

Chuyện dài bất tận vừa là một là một cuốn ngụ ngôn - thần thoại kỳ diệu với trẻ em. Nhưng nó cũng là đậm chất triết lý nhân sinh hết sức bất ngờ dành cho bạn đọc lớn tuổi. Hãy hình dung nhé. Nếu bạn đọc cho con trẻ nghe, ở một phần ba đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, bạn có thể thoải mái diễn cảm. Nhưng trong một phần ba tiếp theo bạn sẽ khó lòng làm được điều này, bởi như Bastian - bạn cũng sẽ bị cuốn vào cuốn sách. Bạn sẽ đọc thầm để suy ngẫm và chiêm nghiệm những tầng nghĩa thứ hai, thứ ba. Và trong một phần ba cuối cùng, với sự bay bổng, bạn sẽ tự kể cho con trẻ nghe như thể đó là câu chuyện của riêng bạn chứ không phải của Bastian, Atreju… thậm chí là của Michael Ende. Rất có thể, từ đó bạn sẽ có chuyện dài bất tận của riêng mình đấy.

Không sao cả, có thể đó chính là điều mà chính Michael Ende ao ước cũng nên.

Đôi nét về Michael Ende

Michael Ende là bút danh của Michael Andreas Helmuth Ende (1929-1995), ông là con trai của họa sĩ siêu thực Edgar Ende, và là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Đức.

Có thể coi ông là một trong những tiểu thuyết gia toàn tài vì bên cạnh sách dành cho thiếu nhi, ông còn viết sách cho người lớn, sáng tác nhiều vở kịch, thơ, kịch bản phim. Nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim và sử dụng cho sân khấu, truyền thanh, truyền hình.

Sự công nhận đến với Michael Ende khá muộn, nói về việc các tác phẩm của mình bị các nhà phê bình văn học chối bỏ, Michael Ende cay đắng nhận xét - Người ta được phép đi vào phòng khách văn học từ tất cả các cửa: từ cửa trại giam, từ cửa nhà thương điên hay từ của nhà thổ. Chỉ từ một cửa là người ta không được phép đi vào, từ cửa phòng trẻ em.

M. Ende từng làm việc cho nhiều nhà hát cho đến 1953. Từ giữa năm 1954 đến 1962 ông là nhà phê bình phim cho Đài phát thanh và truyền hình Bayern. Thế nhưng Ende không thành công với những tác phẩm ca kịch (thường là bi kịch). Sau khi 11 nhà xuất bản từ chối bản thảo quyển Jim Knopf và Lukas người lái tàu hỏa, quyển sách văn học thiếu niên này được nhà xuất bản thứ 12 - Thienemann xuất bản và từ đó thành công lớn đã đến với ông.

Khi M. Ende được đọc giả hâm mộ, nhiều nhà phê bình phê phán Ende và hạ thấp ông như là một văn sĩ quèn cho trẻ em. Quá thất vọng, M. Ende đã cùng vợ qua Ý. Tại đây, tiểu thuyết mang tính cổ tích Momo của ông ra đời. Qua việc cộng tác chặt chẽ với nhà soạn nhạc Mark Lothar, tác phẩm Momo và kẻ cắp thời gian đã ra đời. Buổi biểu diễn đầu tiên được tiến hành trong nhà hát tiểu bang Coburg. Năm Trong năm 1985, Ende là đồng tác giả của kịch bản cuốn phim Momo do đạo diễn Peter Heusch thực hiện. Thậm chí Ende còn đóng một vai nhỏ trong phim này.

Từ 1978 ông cộng tác với nhà soạn nhạc Wilfried Hiller. Nhiều tác phẩm ca kịch đã hình thành từ sự cộng tác này, như Der Gogolori năm 1985. Tác phẩm Denn die Zeit drängt của Ende, một vở ca kịch về việc Mỹ ném quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, đã không được biểu diễn cũng như các ca kịch khác trước khi ông bắt đầu viết sách cho trẻ em.

Nhà văn Michael Ende mất vào ngày 28 tháng 8 năm 1995 lúc gần 66 tuổi tại Filderstadt-Bonlanden gần thành phố Stuttgart vì ung thư bao tử. Viện lưu trữ văn học Đức (Deutsche Literaturarchiv) hiện quản lý di sản văn học của ông.

Michael Ende là một trong những nhà văn tiếng Đức thành công nhất và được yêu thích nhất của thế kỷ XX. Ông nổi tiếng về nhiều lĩnh vực nhưng trước nhất là từ vị trí nhà văn viết cho  thiếu nhi. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra 45 thứ tiếng và đạt đến tổng số xuất bản là 20 triệu cuốn. Chuyện dài bất tận (Die unendliche Geschichte) là tác phẩm lớn nhất của ông.

  • Kiều Phong

* Đọc Chuyện dài bất tận tiểu thuyết của Michael Ende, Lê Chu Cầu dịch, NXB Hội Nhà văn ấn hành.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân không phải là người xa lạ  (23/10/2006)
Tiếp tục khai quật khảo cổ học di tích Thành Hoàng Đế lần thứ III  (23/10/2006)
Những chồi xanh  (22/10/2006)
Lịch sử là thiêng liêng  (20/10/2006)
Cha ơi  (19/10/2006)
35 năm - một chặng đường  (19/10/2006)
Không thể bóp méo lịch sử như thế  (18/10/2006)
Vợ là hoa hậu...  (18/10/2006)
Siêu nhân có trái tim người  (17/10/2006)
Tin nhà  (17/10/2006)
Xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở: Cần có những bước đi thích hợp  (17/10/2006)
Hạt sạn đáng tiếc từ một bộ tiểu thuyết*  (17/10/2006)
Gốm cổ Bình Định sẽ góp mặt trong triển lãm "Hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam"  (17/10/2006)
Lai rai một miếng má đào  (16/10/2006)
Gặp lại Nghĩa Bình  (16/10/2006)