Trong bóng tối của hoàng cung *
11:27', 25/10/ 2006 (GMT+7)

Theo thông cáo báo chí của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, năm nay sẽ có 61 tác phẩm dự tranh giải Oscar phim nước ngoài hay nhất. Như vậy Chuyện của Pao của Việt Nam sẽ "chọi" nhau với 60 tác phẩm khác. Trong đó, chỉ tính riêng hai nước có nhiều tác phẩm điện ảnh đã được phổ biến rộng rãi ở ta là Hàn Quốc, Trung Quốc thì Chuyện của Pao sẽ chọi nhau với những siêu phẩm như Mãn thành tận đới hoàng kim giáp, Dạ Yến và đặc biệt là bộ phim Hàn Quốc đang gây xôn xao thị trường DVD nội địa - Nhà vua và anh hề .

 

Một cảnh trong phim.

 

Jang Saeng và Gong Gil là 2 nam nghệ sĩ của một gánh xiếc rong. Vẻ thanh tú, nhu mì của Gong Gil khiến một hào phú xiêu lòng. Vì lòng tham, lão chủ gánh hát đồng ý bán Gong Gil cho tên hào phú một đêm. Jang Saeng cố gắng cứu Gong Gil thoát khỏi phải cảnh phải làm điếm đực và bị lão chủ gánh xiếc đánh trọng thương. Để cứu Jang Saeng, Gong Gil đã ngộ sát lão chủ. Thế là cả hai tìm cách trốn lên kinh đô Seoul.

Tại kinh đô, sau khi chiến thắng trong một lần so tài xiếc rong, Jang Saeng và Gong Gil đã hợp nhất với chính gánh xiếc thua cuộc và Jang Saeng đứng ra làm trưởng gánh xiếc mới. Gánh xiếc này đã thu hút người xem bằng một chương trình hấp dẫn trong đó có vở tấu hài chế giễu vua Yeon San và vương phi Nok Soo.

Vở diễn bôi bác ấy không qua mặt được Thái giám Cheo Seon. Vẫn biết trước khi trở thành vương phi, Nok Soo là tiện dân và ngay cả khi đã là vương phi nàng vẫn có những thú vui hết sức bình dân, thậm chí là thô tục. Nhưng phạm húy là phạm húy. Và hễ đã phạm húy thì phải bị trừng phạt.

Trước nguy cơ có thể bị chém đầu, Jang-saeng đánh một tiếng bạc - Hãy để cho gánh xiếc trình diễn cho vua xem, nếu hoàng thượng không cười được thì xin chịu tội. Như thế cũng chưa muộn. Khi ấy, rất nhiều nghệ sĩ, rất nhiều màn trình diễn của các nghệ sĩ của hoàng gia không thể làm vua vui lòng dù đã thử hết cách. Cheo Seon xuôi theo đề nghị này mà không biết rằng đã khởi động một bi kịch không chỉ cho gánh xiếc rong, cho chính mình mà còn cho cả vương quốc. Nhưng đó là chuyện ở cuối phim...

Cho đến gần cuối vở diễn nhưng vua Yeon San cùng triều thần vẫn lầm lì. Chỉ đến khi  Gong Gil - trong vai nữ, từ vẻ dịu dàng, trầm lặng bất ngờ lộn ngược thân mình, thể hiện một tư thế chăn gối mà dân gian đang chế dễu vương phi Nok Soo thì nhà vua phá lên cười khoái chí... Cả nàng Nok Soo cũng chẳng xấu hổ, nàng cũng cười ngặt nghẽo. Cả đoàn xiếc được phép ở lại trong cung. Đêm ấy, trong phòng riêng của mình, vua Yeon San và vương phi Nok Soo đã diễn lại vở tấu hài ấy. Tin tức bí mật loan truyền và hoàng cung cùng hàng ngũ các vị đại thần rung chuyển.

Các nghệ sĩ bị quy trách nhiệm là đã ám nhà vua bằng những vở kịch bậy bạ của mình. Nhưng từ sau những vở diễn ấy, nhà vua thường xuyên cho gọi riêng Gong Gil đến trình diễn cho riêng một mình ngài xem. Nhà vua rất sủng ái nam nghệ sĩ hát rong giống thiếu nữ này và làm Jang Saeng bực bội. Anh nhớ lại nguyên nhân khiến anh và Gong Gil phải lưu lạc đến Seoul.

Thế rồi cứ sau mỗi buổi diễn tấu hài, ca kịch... lại có máu đổ. Chuyện các quan nhũng nhiễu, hà lạm lên kịch và có kẻ bị chém bay đầu khi can vua đừng bôi nhọ các quan. Sau  buổi diễn ấy, các đại thần lo sợ rằng mình sẽ là nhân vật tiếp theo của những vở kịch của nhà vua. Và họ âm mưu ám sát Gong Gil. Việc bại lộ, chính tay vua lại giết luôn cả hai quan.

Chứng kiến những vụ hành quyết kinh hoàng giữa sân rồng, tất cả các nghệ sĩ trong gánh xiếc đều muốn ra đi bởi họ không muốn chứng kiến cảnh nghệ thuật bị lạm dụng, phải phục vụ  cho những mưu đồ đen tối. Chỉ riêng Gong Gil là muốn ở trong cung. Jang Saeng cho rằng Gong Gil tham vinh hoa phú quý nên mới ở lại. Cuộc tranh luận kết thúc sau khi Gong Gil đồng ý ra đi sau khi diễn xong vở kịch có kịch bản do nhà vua chấp bút.

Nhà vua và anh hề đã thu hút hơn 12,3 triệu người xem tại Hàn Quốc, gặt một lúc 7 giải thưởng tại Liên hoan phim Taejong – Hàn Quốc lần thứ 43, trong đó có giải phim hay nhất, giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất và giải đạo diễn xuất sắc nhất.

Đó là một vở kịch về một nữ phi và cuộc đấu tranh giành tình cảm của nhà vua, những âm mưu đen tối ở hoàng cung. Không một nghệ sĩ nào biết rằng nữ nhân vật phải gánh chịu cái chết oan ức trong kịch chính là mẹ của hoàng thượng. Ký ức đau thương về người mẹ quá cố hiện về. Đến thưởng lãm buổi diễn còn có 2 ái phi của tiên đế, những người đã từng tham gia âm mưu hạ sát mẹ vua. Kết quả của việc nhập vai, trình diễn xuất sắc của các nghệ sĩ là nhà vua Yeon San  phóng gươm giết chết cả 2 ái phi...

Kết thúc đêm diễn kinh hoàng ấy, khi gánh xiếc chưa thể ra đi thì Gong Gil bị Nok Soo vu cáo và bị sa bẫy. Vốn yêu thương Gong Gil như tình anh em, Jang Saeng nhận tội thay cho bạn mình. Hiểu lòng Jang Saeng, Gong Gil mang câu chuyện đời mình vào trong màn biểu diễn rối tay cho nhà vua xem. Vừa trình diễn, anh vừa cắt động mạch ở cổ tay để tự tử. Gong Gil được cứu sống, nhưng nỗi khổ đau khiến tâm hồn nghệ sĩ của anh nguội lạnh.

Được giải thoát khỏi lao tù nhưng Jang Saeng - giờ đã bị mù, không ra đi mà lại lẻn vào hoàng cung để tự diễn vở diễn cuối cùng của đời anh. Nghe tiếng của bạn, Gong Gil cũng lao ra... Đọan độc diễn của Jang Saeng khiến đức vua điên tiết. Nhưng chính ngài cũng vướng vào mâu thuẫn - Vừa muốn giết chết nghệ sĩ đang trình diễn nhưng cũng muốn được xem cho đến hết...

Ban đầu là để thoát thân. Ban đầu là để kiếm miếng cơm manh áo độ nhật qua ngày. Nhưng dần dần về sau chính những nghệ sĩ lang thang lại tìm cách bứt ra khỏi hoàng cung no ấm để trở lại với cuộc sống, với công chúng của mình.

Người nghệ sĩ khi làm hết mình vì nghệ thuật thì luôn luôn cao quý dù đó chỉ là nghệ sĩ hát rong. Nghệ thuật không thể bị nhào nặn để chỉ phục vụ cho riêng ai dù đó có là đấng quân vương. Nghệ thuật bắt nguồn từ xã hội và người được hưởng thụ trước tiên là công chúng. Những mưu đồ muốn thao túng nghệ thuật vì động cơ đen tối đều phải trả giá đắt.

  • Kiều Phong
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyến đi dài vào thế giới Tưởng Tượng*  (24/10/2006)
Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân không phải là người xa lạ  (23/10/2006)
Tiếp tục khai quật khảo cổ học di tích Thành Hoàng Đế lần thứ III  (23/10/2006)
Những chồi xanh  (22/10/2006)
Lịch sử là thiêng liêng  (20/10/2006)
Cha ơi  (19/10/2006)
35 năm - một chặng đường  (19/10/2006)
Không thể bóp méo lịch sử như thế  (18/10/2006)
Vợ là hoa hậu...  (18/10/2006)
Siêu nhân có trái tim người  (17/10/2006)
Tin nhà  (17/10/2006)
Xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở: Cần có những bước đi thích hợp  (17/10/2006)
Hạt sạn đáng tiếc từ một bộ tiểu thuyết*  (17/10/2006)
Gốm cổ Bình Định sẽ góp mặt trong triển lãm "Hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam"  (17/10/2006)
Lai rai một miếng má đào  (16/10/2006)