Đợt khai quật khảo cổ học thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) lần thứ 3 này do TS. Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) chủ trì, tiến hành trên diện tích 1.200m2, nhằm bóc tách làm lộ rõ bờ tường Tử Cấm Thành thành Hoàng Đế, cũng như sẽ đào thám sát tại một số điểm trong khu vực thành Nội.
|
Khai quật thành Hoàng Đế lần thứ 3 đã làm xuất lộ rõ bờ tường Tử Cấm Thành. Ảnh: V.T
|
TS. Lê Đình Phụng cho biết: “Bờ thành này là vùng tường bao giới hạn vùng không gian cơ mật của vương triều Thái Đức. Do vậy, việc tìm hiểu về chiều cao, vật liệu, kỹ thuật xây dựng, cách xử lý móng… của tường là rất cần thiết trong việc đi tìm bản chất vật liệu và kỹ thuật xây dựng Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế, nhằm phục vụ cho công tác trùng tu sau này. Đây là mục tiêu chính của đợt khai quật lần này. Đồng thời, cũng trong đợt khai quật này, sẽ tiến hành đào thám sát 5 hố trong lòng thành Nội, nhằm tìm hiểu xem liệu có còn những dấu vết kiến trúc nào thời Tây Sơn trong lòng đất hay không. Còn việc những kiến trúc đó là gì sẽ được trả lời sau, bởi muốn trả lời nó là gì thì phải có bình đồ của kiến trúc ấy”.
Đến thời điểm chúng tôi có mặt tại công trường khai quật, các nhà khảo cổ học đã tiến hành dọn những cây mọc trên tường và đào sâu xuống phần cổ móng của bờ tường, nhằm bóc tách và làm lộ rõ bờ tường của Tử Cấm Thành. Qua phần bờ tường đã được bóc tách, theo quan sát của chúng tôi, trừ những đoạn đã bị sạt lở, phần tường còn lại cao khoảng 2m tính từ móng lên, riêng góc Đông Nam có đoạn cao khoảng hơn 3m, và xây dựng bằng đá ong. Những viên đá ong rộng 30cm, dày 50cm nhưng chiều dài không đều, viên dài nhất khoảng 50cm, viên ngắn hơn dài khoảng từ 33cm đến 37cm. Tường dày từ 1,2m đến 1,4m. Qua đo đạc thực tế của các nhà khảo cổ học, tường phía đông Tử Cấm Thành dài 176m, phía Bắc dài 124m và phía Tây dài 65m. Theo tài liệu xưa, thành mở một cửa về phía nam, gọi là cửa Nam Lâu hay cửa Tam Quan, cửa Quyển Bổng.
Đến nay, do chưa cắt lớp bờ tường nên các nhà khảo cổ học vẫn chưa khẳng định chắc chắn rằng bờ tường được xây bằng một vật liệu duy nhất là đá ong hay gồm hai lớp vỏ đá ong rồi đổ đất vào giữa. Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường cho thấy, các viên đá ong phía ngoài bờ tường có chỗ xếp trùng mạch, nên nhiều khả năng tường được làm bằng nhiều lớp đá ong. Do vậy, những viên đá ong ở phía trong tường có sự câu móc với nhau, nên lớp ngoài dù có cảm giác xây trùng mạch, nhưng thực tế vẫn tạo được sự gắn kết vững chắc cho cả tường qua thời gian dài cả hàng trăm năm, với bao tác động của thiên nhiên, con người.
Đối chiếu giữa thực tế khai quật với những ghi chép trong sử sách, đặc biệt là Đồ bàn thành ký của Nguyễn Văn Hiển, đốc học Bình Định năm 1856 (57 năm sau khi thành Hoàng Đế bị đổi tên) thì: “Đồ Bàn có từ lâu đời, khắc phục từ nhà Trần, bị phá vỡ đời nhà Lê. Khôi phục được từ nhà Tây Sơn, sau dần dần phế bỏ mà nay nền cũ vẫn còn. Niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 37, nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc năm thứ 4 bèn nhân nơi đó mà đóng đô, mở rộng cửa đông kéo dài tới 15 dặm, tường thành được đắp cao rồi xây bằng đá ong, bề cao tới 1 trượng 4 thước, bề dày 2 trượng”. Đại Nam nhất thống chí cũng ghi: “Tây Sơn Nguyễn Nhạc chiếm cứ thành này, nhân nền cũ, xây đá ong tiếm xưng là thành Hoàng Đế”. Qua đó, có thể thấy, dấu tích bờ tường bằng đá ong còn lại hiện nay là dấu tích của thành Hoàng Đế.
Thành Hoàng Đế được Nguyễn Nhạc xây dựng trong thời gian vẻn vẹn 2 năm (1776-1778). Thời gian như vậy là khá ngắn ngủi cho việc xây dựng một kinh đô mới. Lại nữa, khi ấy, hẳn Nguyễn Nhạc mới chỉ có thể huy động nhân tài, vật lực của hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn nên quy mô Tử Cấm Thành như vậy, xét ra cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thành Hoàng Đế chỉ đảm nhận vai trò là kinh đô của chính quyền Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc đến khi quân chúa Nguyễn tiến đánh thành Hoàng Đế (năm 1793), và thành này trở thành tòa thành phòng ngự trấn giữ vùng đất và năm 1799 bị đổi tên thành, gọi là thành Bình Định.
Cuộc khai quật sẽ còn được tiến hành trong hơn hai tháng nữa và sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 12 năm 2006. Hy vọng, sẽ còn nhiều phát hiện thú vị từ đợt khai quật này đang ở phía trước.
|