|
Phút xuất thần với cây sáo Ta Lan. Ảnh: T.X |
Đang hỏi đường đến nhà nghệ nhân Y Băng, tôi bỗng nghe tiếng đàn Tơ rưng vọng tới. Tiếng đàn như giục giã, mời gọi ta tìm về và lắng lòng trong những thanh âm của núi rừng...
* “Ngôi sao” văn nghệ của người Ba na
Điểm phát ra tiếng đàn là một căn nhà sàn nhỏ của nghệ nhân Y Băng, người Ba na. Ngôi nhà nằm khiêm tốn trên đường dẫn vào làng M3, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh.
12 tuổi, Y Băng đã phải xa gia đình để thoát ly làm cách mạng. Vốn có năng khiếu âm nhạc, Y Băng được cho lên Gia Lai học cách sử dụng các loại nhạc cụ cũng như các điệu hát múa truyền thống của người Ba na. Sau này, được phân công làm Trưởng đoàn Văn công huyện Vĩnh Thạnh, ông vẫn không ngừng học hỏi, mở rộng thêm vốn kiến thức của mình về âm nhạc của người Ba na thông qua những chuyến đi diễn ở khắp các buôn làng.
Năm 1965, tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Toàn quốc lần thứ nhất, Đoàn miền Tây Bình Định mà nòng cốt là Đoàn Văn công Vĩnh Thạnh, do Y Băng làm Trưởng đoàn, đã biểu diễn một chương trình tự biên tự diễn đậm sắc thái Bana Kriêm Vĩnh Thạnh. Các tiết mục múa Đổ đầu, hát Nhớ quê… thực sự gây ngạc nhiên cho các đoàn bạn. Với chiếc Huy chương vàng giành được tại Hội diễn của Đoàn miền Tây Bình Định, cái tên Y Băng đã bắt đầu được nhiều người biết tới.
Sau giải phóng, Y Băng về làm Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Thạnh. Ông lại tiếp tục dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ để tham dự các liên hoan, hội diễn và tiếp tục giành được giải cao.
* Vẫn cháy một niềm đam mê
Nghỉ hưu, Y Băng lại dành nhiều thời gian để tìm lại, chế tác những nhạc cụ độc đáo của người Ba na. Mười mấy năm nay, ông không quản ngại đường xa, đi đến những buôn làng xa nhất, tìm gặp những người già cao tuổi, để nghe mô tả về các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Rồi ông lại cất công vào rừng, tìm vật liệu, để mày mò tự chế tác lại các loại nhạc cụ. Dưới bàn tay của Y Băng, nhiều nhạc cụ độc đáo của người Ba Na đã được phục chế. Đến nay, ông đã có trong tay bộ sưu tập với gần 20 loại nhạc cụ như đàn Bơ Lơng Khơng, đàn Tơ Rưng, đàn Prăng, đàn Bră, sáo Ta Lía… Bộ sưu tập này đã theo ông trong những lần đi biểu diễn ở các hội thi, hội diễn; rồi mới đây, ông lại quyết định tặng tất cả lại cho Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Vĩnh Thạnh.
|
Nghệ nhân Y Băng đang làm đàn Prăng. Ảnh: T.X
|
Không chỉ chế tác, Y Băng còn chơi được tất cả các loại nhạc cụ mà ông làm ra. Điểm độc đáo trong cách chơi nhạc của Y Băng là sự ngẫu hứng. Y Băng bộc bạch: “Tôi không biết gì về nhạc lý, nên tôi cứ nghĩ sao thì đánh như vậy. Toàn bộ bản nhạc nằm trong đầu chứ không chép ra. Mỗi lần dàn dựng tiết mục văn nghệ, tôi để người ta hát múa trước, rồi cứ căn cứ vào lời hát, điệu múa mà phổ nhạc theo”. Tuy phổ nhạc theo kiểu “lời trước, nhạc sau” là vậy, nhưng nhạc đệm cho tiết mục nào, ông đều nhớ. Theo Y Băng, các nhạc cụ Ba na phải được nghe biểu diễn trực tiếp trên sân khấu mới thấy hết cái “hồn” của nó.
Bao nhiêu năm gắn bó với âm nhạc truyền thống của người Ba na, giờ đây, đã 63 tuổi, nhưng ngọn lửa đam mê âm nhạc vẫn cháy trong tâm hồn người nghệ nhân Ba na này. Niềm đam mê đó đang được ông trao truyền cho những người con của mình. Hiện nay, hầu hết các con ông đều có thể chơi được nhạc cụ Ba na. Trong đó, người con trai lớn nhất là Y Oai cũng đàn hay, hát giỏi và hiện đang là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Vĩnh Thạnh.
|