Quanh chuyện giải thưởng của Hội nhà văn VN
10:5', 29/10/ 2006 (GMT+7)

Giải thường niên của Hội nhà văn VN năm nay vừa công bố đã có nhiều ý kiến bàn ra tán vào về chất lượng giải năm nay và cách trao giải cũng như người được giải. Và vừa đây, nhà thơ Ly Hoàng Ly - người được trao tặng thưởng thơ năm nay cho tập thơ Lô Lô đã viết thư gửi Hội Nhà văn từ chối nhận tặng thưởng. Chúng tôi đã trao đổi với một số nhà thơ, nhà văn và nhà phê bình văn học quanh chuyện giải thưởng này. Sau đây là ý kiến của họ.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha:

Khi anh không muốn nhận, cảm thấy mình không xứng, hoặc vì những lý do khác, anh có quyền từ chối. Ly Hoàng Ly có quyền từ chối nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn. Tôi được biết, ở Hội đồng thơ thì tập “Lô Lô” được bỏ phiếu cao hơn tập “Thương lượng với thời gian” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhưng ở Hội đồng chung khảo-trong đó có những người không chuyên về thơ-thì kết quả ngược lại.

Tôi biết Ly là người trầm tĩnh, không “chảnh” hay thích “gây chuyện”. Cô không nhận tặng thưởng cũng không vì “chê” giải này “nhỏ”.Nhưng cái cách xét giải và trao giải hình như có vấn đề.

Nhà thơ Chim Trắng:

Về giải thưởng cho “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, theo tôi, thì từ nhiều nhiệm kỳ của Ban lãnh đạo Hội Nhà văn, chưa hề nghe có tiêu chí xét cho giải “Hiện tượng văn học”. Hay vì tôi ở xa quá, thiếu thông tin?

Nếu vậy, thì “Thương lượng với thời gian” đoạt giải mang tên gì ? Còn chất lượng nghệ thuật và tư tưởng-tiêu chí lâu nay vẫn dùng để trao giải-ở “Cánh đồng bất tận” thì ra sao? Nếu là “Hiện tượng văn học” thì cũng nên trao cho “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu nữa mới công bằng chứ! Còn chuyện Ly Hoàng Ly từ chối tặng thưởng thì tôi ủng hộ. Chính tôi ( cùng nhà thơ Thanh Thảo-ở phía Nam) đã nhất trí bỏ phiếu (ở Hội đồng thơ) cho tập “Lô Lô” nhận giải thưởng (dù là bỏ phiếu qua…điện thoại, theo yêu cầu của lãnh đạo Hội Nhà văn). Và hai chúng tôi cũng đã nhất trí không bỏ cho tập thơ của Hữu Thỉnh chỉ vì… thương bạn mình, không muốn anh Thỉnh phải khó xử, phải mang tiếng. Vì anh ấy đang là Chủ tịch Hội.

Nhà thơ Thanh Thảo:

Điều lo ngại của hai chúng tôi, tiếc thay, đã xảy ra. Tôi là người được giải thưởng thơ của Hội nhà văn VN trong lần trao đầu tiên, năm 1979. Nếu ở lần ấy, nhà thơ Xuân Diệu - Chủ tịch Hội đồng thơ -cũng hành xử như quí lãnh đạo Hội bây giờ, thì đến Huy Cận cũng không mong nhận được giải chứ nói gì đến tôi hồi ấy chỉ là một nhà thơ trẻ. Vậy mà Xuân Diệu đã bỏ lá phiếu quyết định cho một kết quả ngược lại. Chỉ vì chất lượng tập thơ, cũng là vì uy tín của giải thưởng, chứ không vì bất cứ lý do nào khác, kể cả mối thâm tình hơn anh em ruột của hai nhà thơ Huy -Xuân. Tôi nghĩ, chính sự công bằng, công tâm, vô tư trong xét giải góp phần rất lớn tạo nên uy tín và chất lượng của giải.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên:

Nếu nghĩ trước hết đến sự phát triển văn học thì nhà thơ - Chủ tịch Hữu Thỉnh phải biết tương quan của tập thơ mình và những tập thơ khác đã vào chung khảo. Nếu cũng nghĩ thế thì Hội đồng chung khảo phải biết tôn trọng sự đánh giá của Hội đồng thơ. Và nếu nghĩ đến sự phát triển văn học thì cách xét giải phải tường minh.

Tôi xin khẳng định lần nữa: tôi đánh giá tập “Lô Lô” mới hơn, hay hơn tập “Thương lượng với thời gian”. Nhưng rất lâu trước khi giải được xét, hay tin tập thơ của Hữu Thỉnh dự giải, người ta đã đoán biết ông sẽ đoạt giải. Ông Phan Hồng Giang nói: “Các tác phẩm thơ năm nay so với mặt bằng chung của thơ ca không có gì quá nổi trội, chẳng qua là một bước tiến so với chính bản thân tác giả.” Cứ vậy thì có thể suy ra: “Thương lượng với thời gian” là bước tiến của Hữu Thỉnh so với chính ông lại “tiến xa hơn” tập “Lô Lô” là bước tiến của Ly Hoàng Ly so với chính cô (?). Tôi để bạn đọc tự bình luận về logic xét giải này (ông Phan Hồng Giang là thành viên Hội đồng chung khảo).

Nhà văn Trung Trung Đỉnh:

Theo tôi, không nên coi các giải thưởng văn học của Hội là “lộc”, là “miếng giữa làng”, vì nếu coi như thế thì phải chia đều “tám phương chín hướng”. Thay cách nghĩ và làm như trên là để trước hết tránh cho các “già làng” và “quan chức” trong Hội cái tiếng chẳng hay ho gì khi xét và nhận giải. Các cụ ta chả có câu: “Đánh nhau chia gạo chào nhau ăn cơm” là gì! Đừng làm giảm “thương hiệu” của giải thưởng Hội nhà văn VN mà các bậc tiền bối đã công tâm nêu cao.

  • Lương Lê Giang (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người gìn giữ thanh âm của núi rừng  (27/10/2006)
Những tượng đài nhạc rock   (27/10/2006)
Mảnh ghép của tuổi thơ  (27/10/2006)
Lộ rõ bờ tường Tử Cấm Thành  (27/10/2006)
Chòi cu  (26/10/2006)
Trong bóng tối của hoàng cung *  (25/10/2006)
Chuyến đi dài vào thế giới Tưởng Tượng*  (24/10/2006)
Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân không phải là người xa lạ  (23/10/2006)
Tiếp tục khai quật khảo cổ học di tích Thành Hoàng Đế lần thứ III  (23/10/2006)
Những chồi xanh  (22/10/2006)
Lịch sử là thiêng liêng  (20/10/2006)
Cha ơi  (19/10/2006)
35 năm - một chặng đường  (19/10/2006)
Không thể bóp méo lịch sử như thế  (18/10/2006)
Vợ là hoa hậu...  (18/10/2006)