“Nói thì tôi nói dở lắm!”, ông bộc bạch. Có lẽ vì vậy mà ông không nói nhiều, không hùng hồn diễn thuyết, chỉ lặng lẽ mượn màu sắc, đường nét thay câu: “Tôi yêu quê hương!”.
Cùng với: Thái Tuấn, Nguyễn Cung, Nguyễn Lâm, Trịnh Cung... Lâm Triết thuộc lớp họa sĩ đầu tiên trường phái trừu tượng-siêu thực của Việt Nam. Lớp họa sĩ đã thổi một luồng khí sáng tạo mới vào nền mỹ thuật Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền mỹ thuật nước nhà hòa nhập với nền mỹ thuật thế giới.
50 năm hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Lâm Triết đã đọat nhiều giải thưởng lớn, ông là họa sĩ Việt Nam đầu tiên được ghi tên vào thư viện của Viện bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles, Hoa Kì. Ông nghiệm ra rằng: “Nền móng để hỗ trợ cho sự sáng tạo là quê hương và tình yêu”, đó cũng là hai chủ đề chính trong tranh Lâm Triết.
|
Một tác phẩm của Họa sĩ Lâm Triết.
|
Xa quê hương-15 năm bế tắc
Sang Hoa Kì từ năm 1975, họa sĩ Lâm Triết là họa sĩ vẽ chân dung của một nhà xuất bản. Tuy nhiên, để đủ sống, ông phải làm thêm một số nghề như: lái xe giao hàng, mở tiệm cơm Việt Nam, mở nhà in... nhưng đó là những công việc khá vất vả, khó khăn đối với người nghệ sĩ. Nhưng nỗi khổ thể xác có thấm gì với nỗi khổ tinh thần, đến bây giờ nhắc lại, họa sĩ vẫn xúc động, ông tâm sự: “Lúc đó tôi thiếu quê hương kinh khủng!”.
Đối với nhiều người, Hoa Kì là miền đất hứa, nhưng với Lâm Triết đó là một sai lầm. Đó là nơi xa lạ về mọi thứ từ phong tục tập quán đến tiếng nói. Cảm giác trống vắng, nhớ nhung rợn ngợp thậm chí khiến ông gần như đã không tìm được môi trường sáng tác. Không có cảm xúc, người nghệ sĩ không thể nào sáng tác nghệ thuật được.
15 năm trên đất khách là 15 năm bế tắc trên chặng đường hoạt động nghệ thuật của một họa sĩ đầy tâm huyết với quê hương! Ý niệm phải quay về lớn dần lên trong ông...
Sống lại trên quê hương
Nỗi nhớ quê hương đau đáu đã thúc giục người nghệ sĩ tha hương trở về. Khi gặp lại bạn bè, thấy không khí say mê sáng tác của họ, lòng đam mê trong ông trỗi dậy, cảm hứng tuôn trào. Ông nói: “Tôi như cá trong nước. Mọi cảnh vật phù hợp với tôi, rất phù hợp trong những tác phẩm, màu sắc, đường nét. Không khí dễ chịu, bạn bè thân thuộc, mọi người gặp nhau chào hỏi rất vui vẻ, đầy tình cảm.Tôi thấy tình quê hương sống lại, sống lại rất mãnh liệt. Nguồn sinh lực mới trên quê hương đã cho tôi những tác phẩm rất ưng ý mà điều này tôi không cách nào làm ở bên kia. Nếu bạn là nghệ sĩ hay ca sĩ bạn cũng cùng cảm nhận như tôi”.
Chỉ trong 1 năm, sau khi về hít thở không khí trên quê hương, ông đã vẽ được 40 bức tranh ưng ý. 1 năm làm việc tại Việt Nam bằng 15 năm làm việc bên Hoa Kì! Đó mới thực sự là sáng tạo nghệ thuật! Đó chính là sức mạnh của quê hương! Và họa sĩ dõng dạc tuyên bố rằng: “Quê hương đã làm tôi sống lại!”. Thế là, thay vì chỉ 1 năm, họa sĩ Lâm Triết quyết định ở lại với Việt Nam vì quê hương và nghệ thuật.
Sáng tạo nghệ thuật đối với Lâm Triết là sự tìm tòi, học hỏi bền bỉ để mong tìm ra những gì mới hơn, từ màu sắc đến đường nét, bố cục; phải làm việc nhiều cho hội họa để trau dồi kĩ thuật cao hơn. Có như vậy mới diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ của mình dễ dàng hơn, chính xác và tinh tế hơn. Lâm Triết hôm nay phải trưởng thành, vững vàng hơn, mới hơn Lâm Triết hôm qua. Tuy nhiên vẫn còn cần có cảm xúc thật sự từ cuộc sống và chỉ có những cảnh vật quen thuộc của quê hương mới gợi tình cảm dâng trào trong người nghệ sĩ nói chung và họa sĩ nói riêng. Người nghệ sĩ như cây xanh, phải bám rễ vào mảnh đất cội nguồn, quê hương mới xanh tốt được. Lịch sử cho thấy hàng trăm, hàng ngàn nghệ sĩ vì nhiều lý do phải lưu vong nơi đất khách quê người, nhưng không ai cho rằng mảnh đất lạ thì tốt hơn cội nguồn, bản quán. “Giờ, qua Hoa Kì trở lại, có khi tôi lại bế tắc!” - họa sĩ tự kết luận.
Sinh năm 1938 tại Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định.
Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ thuật Huế và Sài Gòn, Lâm Triết chính thức bước vào nghiệp vẽ năm 1958.
Họa sĩ Lâm Triết từng dạy mỹ thuật tại trường Tăng Bạt Hổ, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, sau đó dạy ở Cao đẳng Mĩ thuật Huế, trường Phan Bội Châu, thị xã Phan Thiết, trường Cao đẳng Mĩ thuật và trang trí Gia Định.
Năm 1975, ông sang Hoa Kỳ, là họa sĩ cho NXB Melrose Square Publishing Co., os Angeles, California.
Năm 1990, trở về Việt Nam, hiện tại đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. |
Với chất liệu sơn dầu thể hiện trên vải bố, Lâm Triết mượn trường phái trừu tựợng gửi lòng mình với quê hương. Xem tranh của Lâm Triết luôn thấy thấp thoáng hình ảnh của làng quê miền Trung thân thương. Đó là trời đất, làng xóm, những đồng lúa chín, những đồi thấp nhỏ, những dãy núi xa xa, những bờ biển dài... đặc biệt là hình ảnh con sông Lại Giang hiền hòa, êm ả. Những cảnh sắc ấy như tạo nên một dòng máu tươi mát chảy âm thầm, bền bỉ vào thân thể, tâm hồn, mang lại cho ông một tình yêu quê hương tha thiết.
Khi ta trông lên bầu trời có mây, lúc nhìn mặt biển có gợn sóng, là vùng sáng của thiên nhiên lúc mờ lúc hiện,là sự chuyển động của không gian... gợi nhiều hơn là tả. Nhiều nhà phê bình hội họa cũng như các nghệ sĩ đã nhận xét: tranh Lâm Triết không hề đặt một triết lí hay nhân sinh nào. Hãy xem đó như một bản hòa tấu không lời, màu sắc dịu dàng như tình cảm của ông với quê hương.
Điều này cũng giải thích vì sao tranh Lâm Triết thường... không có tên, ông không muốn giới hạn trí tưởng tượng cho tranh mình: “Vũ trụ thì bao la và mênh mông. Với tôi, đường nét, màu sắc trong tranh cũng thế”. Thể loại trừu tượng vốn không dễ thể hiện, bởi không phải cứ đổ màu lên vải rồi bảo đấy là tranh trừu tượng. “Có những bức tranh tôi phải sửa lại nhiều lần mà vẫn chưa ưng ý.Có nhiều bức tôi phải vẽ hàng tháng mới kí tên. Tôi vẫn luôn thao thức, trăn trở về tranh của mình. Tôi không chấp nhận sự may rủi trong tác phẩm". Ông tâm sự. Lâm Triết rất cẩn thận trong việc sử dụng màu sắc. Ông thường dùng gam màu nhẹ, dịu, tạo ra cảm giác hài hòa. Ông cho biết - Cảm xúc chủ đạo của tôi cho đến giờ vẫn là tình yêu quê hương, tôi đang bình yên, thanh thản trên quê hương. Có xa quê hương, ít ra là một lần, được nhìn từ xa quê hương sẽ ở trọn vẹn trong bạn.
Quê hương mỗi người chỉ một
Không dừng lại trên những khung vải, tấm lòng với quê hương còn được Lâm Triết biểu hiện bằng những hành động cụ thể. Tuy cuộc sống tại TP.HCM rất bận rộn nhưng hằng năm ông đều dành thời gian về Bình Định vào những dịp cúng giỗ và cũng để thăm bà con, hàng xóm.
Tháng 9-2004, Lâm Triết cùng với Đặng Mậu Tựu, Phạm Trinh đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh tại TP Qui Nhơn với tên gọi Về Quê và đã rất thành công, được giới họa sĩ tại quê nhà đánh giá rất cao.
Ở tuổi 68, họa sĩ vẫn cùng người bạn đời của mình - bà Kim Minh - thường xuyên tham gia các cuộc cứu trợ vùng sâu vùng xa. Gần đây góp phần chia sẻ với quê hương miền Trung trong nỗi đau Xangsane, vợ chồng họa sĩ đã gửi đến cho báo Công An 1.000USD; gửi quỹ OV club (Hội Việt kiều tại Việt Nam) một bức tranh bán đấu giá được 1.800USD và dường như cảm thấy chưa đủ, ông lại tặng thêm 10 triệu đồng nữa.
Ngày 14-10-2006, tại tư gia mình, vợ chồng họa sĩ đã tổ chức cuộc đấu giá 4 bức tranh và thu được khoảng 85 triệu VND, toàn bộ số tiền ấy vợ chồng ông đều dành cho những nạn nhân bão Xangsane. Cái tình của họa sĩ đối với quê hương miền Trung vẫn còn nặng lắm!
Khi nghe tôi đề nghị viết về mình, ông đã cân nhắc rất nhiều. Cuối cùng ông để tôi được tự do sử dụng những tư liệu trên. Có một điều ông cứ luôn nhắc đi nhắc lại, khi còn ở bên kia, trong nỗi cô đơn thăm thẳm của mình, nhiều khi tôi nghĩ mình là đứa con hư của quê hương. Nhưng khi trở về, vòng tay quê hương bao giờ cũng rộng, cũng ấm - “Quê hương đã làm tôi sống lại!”.
|