Từ năm 2001 đến năm 2005, cây bút nữ Nguyễn Thị Lệ Thu ra mắt bạn đọc và văn giới ba cuốn sách: Thương quá đôi tay (Nxb. Trẻ), Đôi bạn (Nxb. Trẻ) và Bạn đường rừng (Nxb. Kim Đồng). Cả ba đều là những tác phẩm viết cho thiếu nhi, góp phần đáng kể cho mảng văn học này của Bình Định. Nếu tác giả có bề dày Nguyễn Văn Chương chủ yếu hướng về lứa tuổi nhi đồng, thì cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thu bổ sung rất tốt ở lứa tuổi thiếu niên. Truyện của Nguyễn Thị Lệ Thu phần lớn lấy bối cảnh vùng sâu vùng xa, quanh nơi ở và công tác của chị: huyện miền núi An Lão, nên có một sắc thái riêng.
|
Ba cuốn sách đã xuất bản của Nguyễn Thị Lệ Thu. Ảnh: V.T |
Trong hằng hà sa số đồ chơi nhựa, điện tử… hiện nay, đồ chơi bằng nắp chai của thằng Long nhà nghèo thật sáng tạo. Chuyện ăn, học trong mặt bằng xã hội bây giờ ít có gì để nói, bởi nó hiển nhiên; nhưng với thằng Gạo, thằng Krốc, Ráp, con Nhi… những đứa trẻ lam lũ trong các câu chuyện của chị, lại cảm động. Chuyện mò cua bắt ốc, làm rẫy, trồng trỉa… để giúp gia đình và được đi học làm xúc động không chỉ tuổi các em. Không biết cúi nhìn, lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với các em, không thể viết tốt về các em được. Ngoài ra, Nguyễn Thị Lệ Thu còn có bí quyết này: tuyến nhân vật người lớn trong truyện của chị chủ yếu là mẹ và cô giáo. Hai “cô tiên” này giúp chị rất nhiều, để những lời răn dạy trong các câu chuyện tự nhiên, không khiên cưỡng. Cô giáo có khi trực tiếp trong Niềm vui của Gạo, Mùa đông ấm áp… có khi gián tiếp như Rừng của Nía, Bạn đường rừng… đều đẹp, dịu dàng, nhân hậu. Trên đường từ rẫy về, tình cờ Nía phát hiện bọn người chặt cây phá rừng, nhớ lời cô dạy, Nía biết đây là việc xấu, có hại. Nía quyết định “báo cáo thôi”. Nhưng mí là cán bộ phụ nữ, đang họp dưới huyện, hai ngày nữa mới về. “Nía khó nghĩ quá. Hay là đem chuyện này thưa cùng cô giáo? Ừ, phải đấy. Cô giáo tuy ở dưới xuôi lên nhưng yêu trẻ và yêu làng bản. Cái bụng của cô sáng như trăng rằm vậy. Hay được chuyện này nhất định cô sẽ có cách giải quyết tốt thôi. Nghĩ vậy, đôi chân Nía càng bước nhanh hơn và ngôi nhà lá nhỏ đẹp mà cả bản chung sức làm cho cô giáo hôm khai giảng hiện ra trước mặt…”. Hết chuyện rất khéo. Cô, trò đều đẹp, đều tốt mà không gượng ép. Hình ảnh người mẹ cũng vậy.
Không màu mè triết lý, không tham lam dông dài. Một thằng Trung ráng thuộc bảng cửu chương, bị cả lớp cười, rồi nể mặt khi Trung có hành động hào hiệp (Thằng Trung); các bạn cùng lớp cho áo để Thùy có một “Mùa đông ấm áp”; một con chim nhặt được trả lại vì nó nhớ thương chủ cũ (Chủ cũ); một sự lớn lên trong nhận thức về những giá trị đích thực của cuộc sống (Huân chương của ông)… Tất cả đều giản dị, trong trẻo, chân thành. Đó là văn. Đặc biệt, viết cho thiếu nhi, Nguyễn Thị Lệ Thu không rơi vào tình trạng “dùng dao trâu mổ gà” như một số cây viết khác. Giọng văn đằm thắm đôn hậu, đầy nữ tính cũng là mặt mạnh của chị. Đây là tâm trạng một cô bé ngồi ngắm mưa: “Bỗng thấy thương vô cùng những bong bóng nhỏ to phập phều trôi nổi chỉ phút chốc đã lặn mất tăm trong dòng nước”, hoặc “Mưa dần nặng hạt, bạn tôi vẫn chưa về. Trên cánh đồng trắng xóa màn mưa ấy, Nhi đang dùng đôi tay bé nhỏ của mình bới tìm cái ăn cho cả gia đình. Biết đến bao giờ cảnh khổ buông tha Nhi, trả lại cho đôi bàn tay với những ngón thon dài hình chiếc bút xinh xinh? Ôi! Đến bao giờ?… Thương quá, đôi tay đầy những vết xước, Nhi ơi!…” (Thương quá đôi tay).
Những mặt mạnh của một cây bút nữ mê viết, vốn xuất hiện thường xuyên trên báo, đài Trung ương và địa phương, mục viết cho thiếu nhi, hẳn không cần nói thêm. Chị đã từng được Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Báo Giáo dục và Thời đại với truyện ngắn Bạn đường rừng, từng được cử dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc năm 2001.
Cuối năm 2005, Nxb. Kim Đồng và Nxb. Trẻ đặt hàng cho chị, mỗi nơi nhận in một cuốn nữa, thì chị lâm trọng bệnh. Hơn chục truyện chưa có cơ hội để đủ tập. Hết Quy Nhơn đến TP. Hồ Chí Minh, và tới nay, sau gần một năm chữa chạy, chị đành chấp nhận sống chung với bệnh suy thận mãn! Chị đang cố gắng giữa hai kỳ chạy thận, viết tiếp vài truyện nữa để đủ tập, gởi nhà xuất bản. Cô giáo, nữ văn sĩ ấy đang “cháy hết mình”, những ngày tháng có thể, để dành tặng cho những tuổi thơ khổ nghèo và đáng yêu cả tấm lòng hồn hậu và trong trẻo của mình.
|