Tìm biểu trưng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2007
7:46', 3/11/ 2006 (GMT+7)

UBND tỉnh đã chính thức phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định 2007 trên phạm vi toàn quốc. Mục đích của cuộc thi là tìm ra một biểu trưng có khả năng phản ánh diện mạo và biểu đạt những nét điển hình của quê hương Bình Định...

 

Hình ảnh Quang Trung tay cầm gươm, cưỡi ngựa đã được dùng khá nhiều trong các logo thời gian qua. Ảnh: H.T

 

Cuộc thi sáng tác biểu trưng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2007 là cuộc thi mang nhiều ý nghĩa, không chỉ vì biểu trưng được chọn sẽ là biểu trưng chính được sử dụng trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2007, mà còn ở chỗ, đây là cuộc thi thiết kế biểu trưng được tổ chức quy mô lần đầu tiên ở tỉnh Bình Định.

Yêu cầu đặt ra trong cuộc thi là biểu trưng cho Festival phải có tính khái quát cao, biểu đạt đặc trưng điển hình về đất nước - con người, về kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa - lịch sử của Bình Định, đồng thời đáp ứng chủ đề: Hội tụ và Phát triển. Nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này, biểu trưng cho Festival hoàn toàn có thể còn được sử dụng lại trong công tác quảng bá, giới thiệu về Bình Định, cũng như trong các lễ hội, các liên hoan văn hóa và đưa vào trong logo của một số ngành, cơ quan.

Từ trước đến nay, một biểu tượng thường được các ngành, các đơn vị trong tỉnh chọn sử dụng trong logo để in lên áo, trên các sản phẩm lưu niệm, là hình ảnh Quang Trung cưỡi ngựa, tay cầm gươm như ở Tượng đài Quang Trung tại Công viên Quang Trung (TP. Quy Nhơn). Hình ảnh này đối với nhiều người, có lẽ là biểu tượng quen thuộc nhất của Bình Định. Cũng dễ hiểu, nhắc đến Bình Định là người ta nhớ nghĩ ngay đến vùng đất phát tích của phong trào nông dân Tây Sơn, đến người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ vốn đã đi vào niềm tự hào của người Bình Định. Biểu tượng này phần nào đã biểu đạt một điển hình của quê hương Bình Định, song ý thức tìm một biểu trưng có giá trị biểu đạt cao để sử dụng trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2007 là hoàn toàn cần thiết. Hẳn nhiên, nếu biểu tượng Quang Trung nói trên đó được một số tác giả sử dụng lại khi sáng tác biểu trưng thì cũng là dễ hiểu.

Hãy nhìn vào một số biểu trưng Festival của các tỉnh, thành bạn. Biểu trưng của Festival Hoa Đà Lạt năm 2005 là của họa sĩ Vũ Văn Thành (Đà Lạt) sử dụng hình tượng hoa Mimosa, loại hoa đặc trưng của thành phố cao nguyên này. Hoa Mimosa được cách điệu, hình tròn của đóa hoa với những cánh hoa đồng tâm làm ta liên tưởng đến một sự thống nhất, viên mãn. Màu xanh được chọn nhằm biểu thị hình ảnh về một thành phố Đà Lạt trong xanh. Hàng chữ Festival chính giữa là hình ảnh một cây đàn như nhắc về những thanh âm của niềm vui, của hội hè. Còn biểu trưng của Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu 2006 là hình ảnh cách điệu của những hoạt động trên biển như bơi lội, đua thuyền với những “cánh buồm màu sắc” rất tươi tắn và sinh động. Còn với thành phố Đà Nẵng, biểu trưng do họa sĩ Nguyễn Thủy Liên thiết kế, mang chủ đề “Xanh núi, xanh sông, xanh biển. Trắng gió, trắng trời, trắng cát” với hai màu trắng, xanh đan xen, thể hiện hình tượng quần thể Ngũ Hành Sơn cùng với cây cầu quay bắc qua sông Hàn cách điệu bằng những đường nét và hình khối mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cần lưy ý rằng, một số festival trên được tổ chức nhằm khai thác một hoặc một số thế mạnh đặc trưng của địa phương, thể hiện ngay trong tên gọi festival như Festival Hoa Đà Lạt, Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu… Còn Festival Tây Sơn - Bình Định 2007 lại mong muốn giới thiệu với du khách gần xa về những vẻ đẹp của đất và người Bình Định: một địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa; có cảnh quan vô cùng phong phú và đa dạng; giàu tiềm năng. Đây sẽ là “của kho vô tận” để các tác giả tìm cảm hứng sáng tạo. Tuy nhiên, việc tìm được một biểu trưng mang tính khái quát cao, biểu đạt đặc trưng điển hình của Bình Định thì lại không đơn giản. Hy vọng, sau khi khép lại cuộc thi này, Festival Tây Sơn - Bình Định sẽ có một biểu trưng đẹp, nhiều ý nghĩa.

  • Hoài Thu

Biểu trưng thể hiện dưới mẫu phác thảo trên giấy (giấy trắng khổ A4) nhưng không được quá 4 màu, có cấu trúc chặt chẽ rõ ràng về đường nét, về màu sắc để khi sử dụng có thể thể hiện được trên các chất liệu khác nhau.

Đối tượng tham gia là tất cả những người hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp ở trong và ngoài tỉnh.

Mỗi tác giả tham gia không quá 3 tác phẩm. Mỗi tác phẩm phải có bản thuyết minh ngắn gọn, súc tích về tính thẩm mỹ và ý nghĩa của biểu trưng (không quá 300 từ).

Thời gian nhận tác phẩm là từ ngày ra thông báo (tháng 10-2006) đến hết ngày 15-2-2007. Thời gian chấm, công bố kết quả và trao giải thưởng dự kiến tiến hành vào cuối tháng 3-2007.

Bài dự thi gửi về Sở VH-TT Bình Định-

183 Lê Hồng Phong- TP Quy Nhơn- Bình Định.

(Trích thể lệ cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định 2007) 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Thị Lệ Thu với những trang viết trong trẻo và hồn hậu  (02/11/2006)
Hà Ri - Điểm sáng văn hóa  (31/10/2006)
Họa sĩ Lâm Triết - Một tấm lòng với quê hương  (30/10/2006)
Quanh chuyện giải thưởng của Hội nhà văn VN  (29/10/2006)
Người gìn giữ thanh âm của núi rừng  (27/10/2006)
Những tượng đài nhạc rock   (27/10/2006)
Mảnh ghép của tuổi thơ  (27/10/2006)
Lộ rõ bờ tường Tử Cấm Thành  (27/10/2006)
Chòi cu  (30/10/2006)
Trong bóng tối của hoàng cung *  (25/10/2006)
Chuyến đi dài vào thế giới Tưởng Tượng*  (24/10/2006)
Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân không phải là người xa lạ  (23/10/2006)
Tiếp tục khai quật khảo cổ học di tích Thành Hoàng Đế lần thứ III  (23/10/2006)
Những chồi xanh  (22/10/2006)
Lịch sử là thiêng liêng  (20/10/2006)