Công bố khuôn in gốm men bạch định Gò Sành:
Dòng gốm ngự dụng Vijaya đã lộ diện ?
8:21', 3/11/ 2006 (GMT+7)

Lần đầu tiên công bố khuôn in cánh sen men bạch định - một công cụ dùng để sản xuất gốm men bạch định Gò Sành - được tìm thấy tại Bình Định. Phát hiện này mở ra nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu gốm cổ Chăm Bình Định.

 

Gốm men bạch định, từng được cho là gốm Tống, nhưng thực ra là gốm Gò Sành - Bình Định. Ảnh: N.P

 

* Gốm bạch định “Made in Gò Sành”

Hiện vật là một chiếc khuôn chỉ nhỉnh bằng hai ngón tay, được ông Nguyễn Vĩnh Hảo - Chủ nhân Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành tại TP Quy Nhơn, phát hiện tại vùng An Nhơn. Khuôn in chìm hình cánh sen, cách điệu dáng tháp. Đây là loại khuôn được dùng để tạo ra hoa văn in khuôn trên đồ gốm. Rất nhiều đồ gốm Gò Sành - Bình Định đã tìm thấy, được trang trí bằng kỹ thuật in khuôn này. Để tạo ra hoa văn in khuôn, người thợ gốm chỉ cần áp khuôn in lên trên đồ gốm còn ướt, sau đó dùng tay vuốt từ phía bên trong. Khuôn in được làm bằng chất đất địa phương, men bạch định, màu trắng xanh hơi ngả xám, những chỗ đọng men, có màu xanh.

Cần nói thêm, khuôn in của gốm Gò Sành không phải là chuyện mới, bởi Kerry Nguyen-Long trong bài “Các lò nung và hiện vật gốm cổ Chăm Bình Định, Việt Nam”, đăng trên tạp chí Art of Asia số tháng 9 và 10 năm 1998, cũng từng giới thiệu một khuôn in gốm Chăm, men màu, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Ngay như ông Nguyễn Vĩnh Hảo, ngoài khuôn in làm bằng gốm men bạch định trên, còn có hai khuôn in khác, một làm bằng đồng in hình tháp Chăm và một làm bằng gốm màu, in hình con voi. Điểm khác biệt của khuôn in mới công bố, so với các khuôn in trên, chính ở màu men bạch định của nó.

Men bạch định là một loại men đặc trưng của gốm Tống, và những người chơi cổ vật vẫn gọi là Tống định. Trước đây, rất nhiều hiện vật gốm tìm thấy ở Bình Định có men này, nhưng hơi ngả xám hơn so với gốm Tống, vẫn được các nhà nghiên cứu cho là gốm Tống. Việc lần đầu tiên, một khuôn in, tức công cụ sản xuất gốm men bạch định được phát hiện, với cùng một kỹ thuật in khuôn như dòng gốm Gò Sành - Bình Định, đã cung cấp thêm cứ liệu để khẳng định: những hiện vật có men bạch định tìm thấy ở Bình Định thuộc dòng gốm Gò Sành - Bình Định.

* Bình Định từng là điểm đến?

Khuôn in gốm Chăm men bạch định. Ảnh: N.P

Ông Nguyễn Vĩnh Hảo cho rằng: “Năm 1271, triều đình Bắc Tống bị quân Nguyên đẩy lùi về phía Nam, thành lập Nam Tống. Một số nghệ nhân gốm cũng dạt về phía Nam. Trong đó, một số thợ mang theo kỹ thuật chế tác gốm, đặt chân đến vùng Vijaya xưa (tức Bình Định ngày nay) và với chất đất vùng này, tạo nên một dòng gốm bạch định có màu men hơi xám so với Tống định”. Giải thích này phần nào cũng trùng với khung niên đại đã được các nhà nghiên cứu như Allson Diem, Roxna Brown, cố PGS-TS. Trịnh Cao Tưởng định ra cho gốm Gò Sành là kéo dài từ thế kỷ XIII-XIV và kết thúc vào năm 1471.

Nếu khẳng định trên là đúng, thì phát hiện này sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử nghiên cứu gốm cổ Gò Sành - Bình Định. Và những hiện vật, trước nay vẫn được cho là gốm Tống, đã về với chủ nhân đích thực của nó: gốm Gò Sành - Bình Định. Như vậy: gốm Gò Sành gồm hai dòng. Một là dòng gốm thương mại với những sản phẩm men màu đơn sắc mà những hiện vật thuộc dòng này đã phát hiện nhiều trên các con tàu đắm và trong các đợt khai quật khảo cổ học tiến hành vào những năm 90 của thế kỷ trước. Một dòng khác là các sản phẩm men bạch định, mà theo ông Hảo, chính là những sản phẩm cao cấp, ngự dụng.

Phát hiện này cũng chứng tỏ rằng, cách đây khoảng 8 thế kỷ, cửa Cách Thử, cảng Thị Nại, vùng Bình Định từng là điểm đến của những thương nhân, nhà sản xuất. Ngoài sự thịnh vượng chung của vùng đất này khi đó, sự dừng chân của các thương nhân đã tạo nên một dòng gốm sứ, cùng một trung tâm sản xuất gốm ở vùng hạ lưu sông Kôn. Những sản phẩm của dòng gốm này đã được xuất khẩu ra nhiều nước và đến nay vẫn nằm trong sự trân quý của các học giả, nhà sưu tầm trên thế giới. Sau giai đoạn này, năm 1405, dưới thời Minh, Trịnh Hòa (1371-1433, nhà hàng hải và nhà thám hiểm người Trung Quốc nổi tiếng, người chủ yếu khai sinh nên con đường tơ lụa) cùng đoàn hải thuyền hơn 60 chiếc, trên đường đi sứ Tây Dương, cũng từng ghé đến Thị Nại.

  • Nguyên Phong
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tìm biểu trưng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2007  (03/11/2006)
Nguyễn Thị Lệ Thu với những trang viết trong trẻo và hồn hậu  (02/11/2006)
Hà Ri - Điểm sáng văn hóa  (31/10/2006)
Họa sĩ Lâm Triết - Một tấm lòng với quê hương  (30/10/2006)
Quanh chuyện giải thưởng của Hội nhà văn VN  (29/10/2006)
Người gìn giữ thanh âm của núi rừng  (27/10/2006)
Những tượng đài nhạc rock   (27/10/2006)
Mảnh ghép của tuổi thơ  (27/10/2006)
Lộ rõ bờ tường Tử Cấm Thành  (27/10/2006)
Chòi cu  (30/10/2006)
Trong bóng tối của hoàng cung *  (25/10/2006)
Chuyến đi dài vào thế giới Tưởng Tượng*  (24/10/2006)
Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân không phải là người xa lạ  (23/10/2006)
Tiếp tục khai quật khảo cổ học di tích Thành Hoàng Đế lần thứ III  (23/10/2006)
Những chồi xanh  (22/10/2006)