* Tạp bút của Thúc Giáp
Buổi trưa, trên đường chở thằng con học lớp 6 đi học về, tự nhiên nó cắc cớ hỏi: "Ba có biết vì sao gọi là biệt thự không?". Tôi nói theo kiểu... trớt quớt: "Thì đó là một ngôi nhà xây theo kiểu… biệt thự. Thế cũng hỏi!". Nghe vậy, thằng cu con cười ré lên ra vẻ đắc thắng: "Hổng phải. Bởi vì biệt thự là… bự thiệt đó!". Ờ hén, thằng này học lỏm đâu câu nói lái nghe cũng được.
Chợt nhớ tới một lần đi nhậu, mấy anh em vừa lò dò vô quán thì cô chủ đã chạy ra đon đả: "Mô Phật, anh Tư. Lâu quá rồi mới ghé quán em đó nghen!". Một anh trong nhóm hỏi lại: "Ủa, sao biết anh Tư hay vậy?". "Thì anh Tư tò tò mà ai hổng biết". Cả bọn hô hô cười rộ. Lát sau, khi bia đã chảy tràn trề, một số khuôn mặt đã đỏ gay, thì cô chủ cười tít mắt nói giỡn với anh bạn được gọi là Tư: "Anh Tư bữa nay hổng ngon. Bữa nay phải gọi là Tư tèo tèo mới đúng." Cả bọn lại được một phen cười rộ hô hô.
Cũng trận nhậu ấy, một anh bạn hỏi: "Ông có biết đường Trần Dư không?". Tôi thiệt thà: "Làm gì có đường này, chỉ có đường Trần Khánh Dư thôi chớ?". Cả bàn nhậu cùng ồ lên: "Hầu như địa phương nào cũng có. Trần Dư là… trừ dân, là dãy phố toàn các nhà của quan chức, chỉ có quan chức mới có được vị trí hoành tráng như vậy." Đường Trần Dư, ôi cái tên đường độc đáo mà dân gian đã đặt, đúng là đã xuất hiện từ lâu ở nơi này hay nơi khác, dẫu chưa quá phổ biến.
Nói lái là một lối chơi chữ dân gian, nói nôm na là một cách đảo âm để cho ra một nghĩa khác, ví dụ: Biệt thự – bự thiệt, trần dư – trừ dân, cá đối – cối đá, công rùa – cua rồng… (nếu vô nghĩa thì không thể gọi là nói lái). Trong lịch sử văn học Việt Nam, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương là một tay cự phách về nói lái, đã đưa nói lái từ lối nói tếu táo lên thành nghệ thuật chơi chữ. Chắc nhiều người còn nhớ những câu vừa thanh vừa tục của bà:
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
(Kiếp tu hành)
Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo.
Chày kình, tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt, vải lần đếm lại đeo.
(Chùa Quán Sứ)
Trạng Quỳnh cũng là một tay nói lái cự phách. Giai thoại về chuyện này có nhiều, xin chép lại hai chuyện: Một lần, trạng dâng lên chúa một món ăn lạ tên là Đại Phong. Sau khi ăn thử, chúa hỏi, trạng giải thích rằng đại phong là gió to, gió to thì tượng lo, tượng lo là lọ tương. Lần khác, biết một bà lớn sắp đi qua, trạng xắn quần xuống chiếc ao bên đường liên tục lấy chân đá vào những cánh bèo trên mặt ao. Thấy lạ, quân lính dừng lại để bà lớn hỏi chuyện, trạng trả lời ráo hoảnh: "Bẩm bà lớn, tui đang đá bèo."
Không biết có chủ quan không, nhưng bằng trải nghiệm của riêng mình, tôi thấy người miền Trung rất hay nói lái và nói lái khá nhuyễn. Có một giai thoại thế này:
Trước khi đi thi, anh học trò nghèo miền Trung tuyên bố:
Một chữ anh cũng thi
Hai chữ anh cũng thi
May thời đậu trạng, dẫu rớt đi cũng ông nghè hồi.
Nghè hồi ở đây không phải là ông tiến sĩ vinh quy (nghè: tiến sĩ; hồi: trở về), mà là ông ngồi hè. Thiệt hóm hỉnh.
Những lúc trà dư tửu hậu, người ta vẫn thường nói lái để chọc nhau, để bông phèng, để cuộc vui thêm rôm rả (đương nhiên trong đó có nhiều câu nói lái không được thanh nhã cho lắm). Dẫu chỉ có ý nghĩa "mua vui" nhưng dù sao, nói lái - cũng như một số lối chơi chữ khác - đã góp phần không nhỏ vào sự phong phú của Tiếng Việt.
|