(BĐ) - Trong đợt khảo cổ học thành Hoàng Đế lần 3, sau khi tiến hành bóc tách làm lộ rõ và đi vào nghiên cứu các bờ tường Tử Cấm Thành trong thành Hoàng Đế, mới đây đoàn khảo cổ đã đưa ra kết luận: Bờ tường phía Bắc của Tử Cấm Thành hiện nay là được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn chứ không phải là bờ thành phía Bắc nguyên thủy của Tử Cấm Thành triều đại Tây Sơn. Nhận định này xuất phát từ khác biệt về cách xử lý móng, cách dùng vật liệu của các bờ thành: bờ thành phía Tây (thời Tây Sơn) được xây dựng có cả cổ móng và móng, còn bờ thành phía Bắc hiện nay xây dựng chỉ có móng tường chứ không có cổ móng. Đồng thời, kết quả đào hố thám sát tại một điểm phía Đông Bắc Tử Cấm Thành đã lộ ra một số vết tích cho thấy nền của bờ thành phía Tây vẫn còn tiếp tục kéo dài về phía sau bờ thành phía Bắc hiện nay.
Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam), chủ trì đợt khai quật cho biết: “Từ những dấu tích kiến trúc cổ vừa tìm được, chúng tôi đã có những cơ sở khoa học để đưa ra một nhận định hoàn toàn mới về diện tích Tử Cấm Thành. Theo đó, diện tích Tử Cấm Thành hiện tại chỉ là một phần phía Nam của Tử Cấm Thành nguyên gốc thời Tây Sơn. Còn phần phía Bắc còn lại của Tử Cấm Thành chính là một vùng đất có diện tích lên đến gần 18.000m2 nằm phía sau lưng Bờ thành phía Bắc do nhà Nguyễn xây dựng”. Như vậy, nếu như phát hiện mới này là chính xác, diện tích Tử Cấm Thành sẽ rộng gần gấp đôi so với diện tích đã được công nhận trước đây (vốn chỉ có 22.650m2).
H.T |