Thôn Mỹ Thạnh (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) nay là một làng quê yên bình như bao làng quê khác. Mấy ai ngờ, rằng trước đây, nơi này lúc nào cũng vang lên tiếng gõ búa. Và những bộ cồng chiêng đã ra đời từ đây...
* Người khai sinh làng nghề
Cuối thế kỷ XIX, ông Nguyễn Văn Bảy (tức Hương Bổn Phượng), một nghệ nhân gò đúc đồng, từ Bắc di cư vào Nam lập nghiệp tại thôn Mỹ Thạnh, phủ An Nhơn. Thời gian đầu, ông chỉ gò những vật dụng dùng trong nhà, bán cho người dân quanh vùng. Nhưng rồi một lần, có dịp lên An Khê (Gia Lai), nhận thấy nhu cầu cồng chiêng của đồng bào miền núi là rất lớn, nên khi trở về ông quyết định mở lò sản xuất cồng chiêng. Từ đó, Mỹ Thạnh bắt đầu xuất hiện một nghề mới: nghề làm cồng chiêng. Hương Bổn Phượng được suy tôn làm ông tổ nghề từ đấy.
|
Ông Trương Thú bên những sản phẩm cồng chiêng loại lớn do thôn Mỹ Thạnh sản xuất. Ảnh: Hoài Thu
|
Lò sản xuất cồng chiêng của Hương Bổn Phượng làm ăn ngày càng phát đạt. Từ chỗ chỉ có vài người thợ chính ban đầu, sau phát triển dần lên vài chục thợ. Số người tìm đến học nghề ngày một đông hơn. Có những thợ, sau một thời gian làm cho Hương Bổn Phượng, tích lũy được kinh nghiệm và vốn liếng, đã tự đứng ra mở lò riêng, tiếp tục truyền nghề thêm cho nhiều lao động. Làng sản xuất cồng chiêng Mỹ Thạnh dần phát triển. Vào thời hoàng kim của làng, từ những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ trước, trong làng có đến gần 20 lò sản xuất cồng chiêng, mỗi lò trung bình từ 5-7 thợ. Ông Trương Thú, một trong những chủ lò chiêng lớn ở Mỹ Thạnh ngày đó, cho biết: “Thời đó, thợ ở lò chiêng chúng tôi quanh năm làm không hết việc. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bước chân đến đầu làng là đã nghe tiếng búa gõ”.
* “Thương hiệu” cồng chiêng Mỹ Thạnh
Cồng chiêng sản xuất ở Mỹ Thạnh được ưa chuộng, bởi đây là loại cồng chiêng gò chứ không phải đúc, nên khó vỡ, âm thanh lại trong và vang xa. Nguyên liệu làm cồng chiêng có thể là đồng vụn, đồng tấm, đồng vỏ đạn tùy theo từng thời kì. Để làm ra sản phẩm, trước tiên người thợ dùng đe, búa dát mỏng đồng ra, sau đó phay tròn đồng lại tùy theo kích cỡ loại cồng chiêng muốn làm, rồi mới gò lên thành hình sản phẩm. Cuối cùng dùng tay đánh thử vào cồng chiêng, nếu âm thanh phát ra tốt là sản phẩm đã hoàn thiện. Tất nhiên, từ những bộ cồng chiêng này, để trở thành nhạc cụ hoàn chỉnh, còn phải có thêm công đoạn “lên dây” cho cồng chiêng và công đoạn này thường do những người già, am hiểu về âm nhạc cồng chiêng của dân tộc mình, tại các buôn làng thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Hiến, một thợ làm cồng chiêng giỏi của làng, cho biết: “Nghề làm cồng chiêng nhìn về mặt công đoạn thì đơn giản, nhưng lại đòi hỏi cao về kỹ thuật. Cồng chiêng làm ra mà chỗ dày chỗ mỏng là hỏng. Phải gò sao cho thật đều thì âm thanh phát ra mới hay được. Điều này, đòi hỏi người thợ không chỉ cần kinh nghiệm mà phải có sức khỏe, cả sự kiên trì trong từng đường gò”. Cũng theo ông Hiến, một thợ giỏi, mỗi ngày có thể làm ra 1 chiêng, 2 đến 3 cồng loại nhỏ. Còn để hoàn thành một bộ cồng chiêng thì mất khoảng 10 ngày. Ngoài việc có thể sản xuất cồng chiêng với đủ mọi kích cỡ, một vài lò chiêng Mỹ Thạnh còn thường xuyên sản xuất theo yêu cầu của khách hàng những bộ cồng chiêng lớn (khoảng 2 thước 4) mà đến hai người mới khiêng nổi một sản phẩm như vậy.
|
Trước đây, nhiều cồng chiêng Mỹ Thạnh được sử dụng trong các hội làng ở miền núi. Ảnh: Võ Chí Hà
|
Thời hưng thịnh của làng nghề, Mỹ Thạnh trở thành nơi cung cấp cồng chiêng cho đồng bào miền núi trong tỉnh và Tây Nguyên, thậm chí còn xuất sang Lào và Cam Pu Chia. Tôi thử nhẩm tính, một lò cồng chiêng Mỹ Thạnh trung bình sản xuất mỗi tháng khoảng 5 bộ cồng chiêng thôi, thì mỗi năm đã xuất xưởng khoảng 600 bộ cồng chiêng. Xem ra, số cồng chiêng mà làng nghề Mỹ Thạnh cung cấp cho đồng bào dân tộc quả là không ít.
* Ước mơ của làng nghề
Sau một thời gian phát triển hưng thịnh, nghề làm cồng chiêng ở Mỹ Thạnh bắt đầu lâm vào tình trạng khó khăn khi nguyên liệu đồng ngày càng khan hiếm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp dần. Các chủ lò không còn đủ vốn để duy trì sản xuất. Những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX, làng cồng chiêng Mỹ Thạnh tàn lụi hẳn.
Trò chuyện với chúng tôi, những nghệ nhân còn lại của làng nghề, ai cũng bày tỏ ước mong, sẽ có ngày nghề làm cồng chiêng trở lại. Trước khi chia tay, ông Trương Thú còn vui mừng cho biết: “Cậu em vợ tôi vốn cũng là thợ làm cồng chiêng Mỹ Thạnh, vừa được Sở Văn hóa - Thông tin Gia Lai đặt sản xuất cồng chiêng với số lượng lớn. Hôm nó xuống mời tôi lên đó làm cố vấn kỹ thuật và chỉ đạo sản xuất, tôi gật đầu cái rụp. Bởi một người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề làm cồng chiêng như tôi, được quay trở lại với nghề là một điều hạnh phúc. Nhất là khi những sản phẩm của mình lại góp phần tạo nên một di sản đã được công nhận.
Nghe ông Thú nói, tự dưng tôi hình dung một ngày, khi nghề làm cồng chiêng Mỹ Thạnh đã được khôi phục, những chiếc cồng chiêng sẽ là những sản phẩm thủ công bán cho khách du lịch. Mua những chiếc cồng chiêng, du khách lại được nghe giới thiệu về một làng nghề của người miền xuôi, nhưng đã tạo ra những sản phẩm góp phần làm nên một nét văn hóa rất đậm bản sắc của đồng bào Tây Nguyên. Tại sao không, nhất là mới đây, tỉnh ta đang xây dựng dự án “Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”?
|