Khắc khoải miền nhân ảnh (*)
15:7', 10/11/ 2006 (GMT+7)

Đối diện với chính mình, quan sát người để phát hiện những bí ẩn của nhân sinh, giải mã cuộc sống là việc làm thường trực của mọi thi sĩ xưa nay. Văn Trọng Hùng không là ngoại lệ. Nhưng so với 2 tập trước, Đối ảnh khá tập trung vào hướng tìm tòi này và đã đạt tới một chiều kích đáng chú ý, cả nhận diện và kỹ thuật.

Tác giả Đối ảnh rất biết khai thác khía cạnh này và chuyện xưa chuyện nay, chuyện suy gẫm, đối thoại, độc thoại... dường như hòa quyện khó phân định. Và tạo nên liều lượng ảo cần thiết trên nền ngôn ngữ, hình ảnh thơ tưởng chừng khô khan, lạnh lùng. Nhìn vào gương, bắt đầu chỉ là những thống kê ai cũng từng: Mày nhìn tao làm gì/ Tao say mày cũng say/ Tao khóc mày cũng khóc/ Tao cười mày cũng cười nhưng đoạn kết thì thật bất ngờ: Tao mới thật là người/ Mày chỉ là ảo ảnh/ Đừng đánh lừa, gương ơi! (Đối ảnh). Bất ngờ ở chỗ, sự khẳng định này không còn là khẳng định nữa, không còn chắc chắn nữa. Lý Bạch từng ngỡ ngàng: Bất tri minh kính lý/ Hà xứ đắc thu sương; Lâm Huy Nhuận sửng sốt: Giật mình hai mắt trũng sâu/Người trong gương ấy còn đau hơn mình… Văn Trọng Hùng dung dị hơn với nhận thức khá bất ngờ: rất khó phân định mình và ảnh mình, đâu thật hơn! Nhận thức này mở màn cho cuộc tìm kiếm “cái tôi” khá riết róng, hóm hỉnh và nghiêm trang, nhẹ tênh và đau đáu với hàng loạt bài: Gẫm, Ngộ, Độc thoại, Chân dung tự họa, Phút thanh thản…

Nhưng “soi gương” và tự vấn chưa phải là thế mạnh của nhà thơ này. Có thể anh còn quá thương mình, có thể còn vướng “chút bụi trần” quan lộ, có thể… nên hầu như những phát hiện sắc sảo nhất của Văn Trọng Hùng là ở phần đối diện với người, với tiền nhân. Đó là cuộc đối thoại bất tận với nàng Vọng phu, Hoàng đế Quang Trung, Nguyễn Trãi, Thị Hến, Hồ Quý Ly, Lưu Bang, Đào Duy Từ… Ở đây, Văn Trọng Hùng đã đi xa hơn nhiều những am hiểu tuồng tích, những nhân vật huyền tích, lịch sử, và có những phát hiện đáng trân trọng. Với nàng Vọng phu, sau khi ngợi ca đức hạnh nàng, tác giả đặt câu hỏi: Ta chỉ thương đứa bé kia/ Chưa biết mặt cha/ Chưa biết tình yêu/ Chưa biết lòng chung thủy/ Sao/Phải hóa đá cùng nàng? (Trước Hòn vọng phu). Sẽ không cần bình thêm độ ngân vọng của câu hỏi này. Cũng vậy, sau khi cho Thị Hến trổ hết tài bài binh bố trận Khiến các quan phải tề tựu… góc buồng, tác giả lại đặt câu hỏi, nhẹ nhàng và lo âu: Sau đêm ấy rồi, Thị Hến sẽ ra sao? (Thị Hến). Nhân hậu và sắc sảo đến bất ngờ.

Với Thị Lộ là một cuộc tự vấn: Sao đã yêu một bậc tài hoa/Lại không xa được một quân vương lỗi đạo/ Phải danh vọng đã làm ta không tỉnh táo/ Hay ta đã quá yêu mình? Câu tự vấn này có vẻ không dành riêng cho Thị Lộ. Nhưng bài thơ có bối cảnh lúc Nguyễn Trãi đã được minh oan, nghĩa là các nhân vật đều ở cõi âm, đã kết bằng: Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên/ Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách/ Về khuya mưa như trút nước/ Lê Lợi đến thăm/ Nguyễn Trãi đã đi nằm! (Đêm ấy ở Côn Sơn). Vấn đề nhạy cảm giữa vương quyền và nghệ sĩ đã được gởi gắm một cách kín đáo, không kém phần dữ dội! Và trở đi trở lại: Vua chúa mờ trong hơi nước/ Thi nhân gió giật bốn bề (Bạn tôi). Hoặc: Gió đã theo mây/ Sông về biển cả/ Thời gian/ Nghiêng ngả/ Cung đình (Còn đây một chút đa tình). Chất dữ dội này còn nhiều trong Gửi Lưu Bang, Phỏng vấn Đào Duy Từ… Điều đáng nói là những gai góc những quyết liệt của Văn Trọng Hùng đều xuất phát từ nỗi đau đáu rất thật, rất cận nhân tình, chứ không hề là một kiểu làm sang. Và có vẻ như Văn Trọng Hùng đã tìm ra đắc địa cho riêng mình.

Văn chương hầu như không có quy luật chung dành cho mọi người. Có những sự chói sáng rất sớm, nhưng nhanh chóng vụt tắt. Lại có những cây bút khá lên từ từ rồi đạt đỉnh cao ở cuối đời. Văn Trọng Hùng ở diện khá lên từ từ, xét theo lịch trình thơ anh. Cũng theo lịch trình này, điều đáng thừa nhận là thơ anh hay ở cái tứ và đang khá lên về kỹ thuật. Với Đối ảnh, những vần điệu cảm xúc cũ mòn đã giảm hẳn. Tập thơ không có những tung tẩy chữ nghĩa để che giấu sự nghèo nàn ý tưởng. Chỉ dung dị và bất ngờ những phát hiện.

  • Lê Hoài Lương

(*) Đọc Đối ảnh, tập thơ của Văn Trọng Hùng, Nxb. Hội Nhà văn, 2006.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mỹ Thạnh: nơi chế tác cồng chiêng   (10/11/2006)
Phát hiện phù điêu rắn Naga 3 đầu bằng đá lớn nhất   (10/11/2006)
Tử Cấm Thành có thể rộng hơn nhiều so với diện tích đã được công nhận   (10/11/2006)
Cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên Việt - Mỹ năm 1832  (08/11/2006)
Mùi khoai nướng  (06/11/2006)
Đừng đánh lừa trái tim mình  (05/11/2006)
Nói lái  (05/11/2006)
Dòng gốm ngự dụng Vijaya đã lộ diện ?  (03/11/2006)
Tìm biểu trưng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2007  (03/11/2006)
Nguyễn Thị Lệ Thu với những trang viết trong trẻo và hồn hậu  (02/11/2006)
Hà Ri - Điểm sáng văn hóa  (31/10/2006)
Họa sĩ Lâm Triết - Một tấm lòng với quê hương  (30/10/2006)
Quanh chuyện giải thưởng của Hội nhà văn VN  (29/10/2006)
Người gìn giữ thanh âm của núi rừng  (27/10/2006)
Những tượng đài nhạc rock   (27/10/2006)