Ngày nước nổi
9:49', 13/11/ 2006 (GMT+7)

* Tùy bút của Võ Thị Ngọc Ánh

Nhà tôi ở ven sông, trước mặt là đồng ruộng, sau lưng là vùng đất cao trồng hoa màu, xa xa là những dãy núi nhấp nhô. Cái thế địa lý rất tiêu biểu cho đồng bằng duyên hải miền Trung. Vậy nên, mỗi lần nghe dự báo thời tiết bão lũ ở quê, trong tôi vừa cồn cào nỗi lo, vừa dậy lên một ký ức ngọt ngào về những ngày nước nổi ở mảnh đất thân thương ấy!

Tôi gọi một phần ký ức của mình là những ngày nước nổi bởi khi nước lên, đồng ruộng cũng trắng xoá, mênh mông như đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi, khác chăng là biển nước mênh mông ấy chỉ tồn tại có vài ngày, đôi khi chỉ có đúng một ngày. Một ngày thật đặc biệt, thật đáng nhớ với lũ trẻ làng tôi.

Cư dân nông nghiệp giỏi phỏng đoán tính nết ông trời nên trước ngày lũ về cả tháng, lúa đã vào bồ. Đồng ruộng trơ gốc rạ nghỉ ngơi sau ba vụ lúa liên tiếp, phấp phỏm đón “ngày nước nổi”. Dấu hiệu báo trước ngày nước nổi là những trận mưa triền miên, xối xả, to như trút nước. Nước ngoài ruộng xâm xấp ngập cả gốc rạ, những bờ ruộng con thấp bé bắt đầu chìm dưới nước. Đầu nguồn mưa lớn, nước sông dâng lên liên tục. Tiếp đến là một đêm mưa lớn, mưa rơi ầm ầm trên mái nhà đến độ đánh thức cả nhà dậy.

Má và mấy chị em tôi xuống bếp cho thêm củi vào lò để sưởi ấm, ba khoác áo mưa, cầm đèn pin ra ngoài xem nước lên. Và cứ như thế, đến gần sáng thì nước lên cao đến đỉnh điểm, chị em tôi ùa ra hiên nhà để xem. “Nước ở đâu nhiều vậy ba? Mưa ở thượng nguồn theo dòng sông tràn về đó con”.

Tôi nhìn cảnh tượng thiên nhiên kỳ vĩ choáng ngợm trước mặt tò mò hỏi ba: Nước nhiều như thế này gọi là biển được chưa ba. Ba bảo biển rộng hơn thế này, biển màu xanh và có bờ cát vàng. Ba tôi đã đúng, thế nhưng không hiểu sao sau này, khi tôi lớn lên, lần đầu ra biển tôi không thấy choáng ngợp trước sự mênh mông của biển cả bằng đồng nước mênh mông của tôi lúc ấy!

Đồng nước đục ngầu, ở những chỗ ngoặt, nước chảy theo dòng, rất xiết, gầm gừ, dữ dội. Chả thế mà trong các nỗi lo, nỗi lo về nước được đặt lên hàng đầu (thủy, hỏa, đạo, tặc). Nhìn ra xa hơn, những rặng tre ở hai bên bờ sông bình thường xanh tươi, cao vút là thế mà giờ chỉ có phần ngọn nổi lên, ngả nghiêng chấp chới theo dòng nước.

Trời sáng hẳn thì mưa tạnh. Nước mưa từ các ngả đường làng thôi không chảy ra đồng nữa. Cơn thịnh nộ của biển nước dịu lại. Và đó chính là thời khắc vui sướng nhất của lũ trẻ trong làng. Cả lũ í ới gọi nhau ra mấy đám mì thu hoạch muộn sau làng bắt dế.

Ngày bình thường ở bãi chăn bò, vất vả lắm chúng tôi mới đào đất bắt được một chú dế con, nướng lên cả lũ tranh nhau loạn xạ. Còn lúc này, khi nước lên, đám dế mập ú rời hang bám trên các đọt mì cuối vụ. Cứ như đợi sẵn cho chúng tôi tới bắt. Mỗi đứa thủ sẵn vài cọng cỏ tranh dài, cứ bắt được con nào là rút phần đuôi bẩn của dế ra, xỏ vào sợi tranh. Cứ thế, cứ thế chúng tôi quần đảo từng cây mì đến độ ướt nhẹp vì nước mưa đọng lại trên các thân mì từ những trận mưa hôm trước.

Sau trò vui ấy, đứa kém nhất bọn cũng xách được về nhà một xâu dế nằng nặng tay. Cất vội xâu dế, mình mẩy vẫn lẹp nhẹp, tay nhớp nháp mỡ dế, mặc, chúng tôi lao vào trò mới, thú vị hơn: chèo thuyền.

Lúc này mực nước chỉ còn chừng dưới một mét, khá tĩnh lặng. Người lớn cho phép rồi, chúng tôi kéo sõng ra đồng, thưởng thức cuộc sống “sông nước” lạ lẫm. Thích thú lắm! Năm nào bọn trẻ trong làng đông, người lớn phải kết bè chuối cho chúng tôi “lênh đênh”. Không phải dân sông nước, lại là một lũ trẻ con cộng thêm cái sự vui thích quá mức sinh nghịch ngợm. Nên quanh quẩn một hồi rồi đứa nào cũng rơi tõm xuống nước, rơi rồi lại bì bõm bò lên, cười như nắc nẻ. Có khi nghịch quá, úp luôn cả sõng. Cả lũ cười vang, vui hơn đi hội. Người lớn trên bờ, liên tục la hét nhưng chẳng ăn thua. Bọn tôi tranh thủ nghịch cho… đáng công mong đợi vì nước vẫn đang rút, rút thêm một tý nữa là sõng bị mắc vào bờ ruộng cao, không “bơi” được nữa. Chúng tôi loay hoay, xoay vòng rồi vượt qua hơn chục đám ruộng thì phải kéo sõng trở về. Người ngợm lấm lem bùn đất, lôi thôi lếch thếch, dơ dáy còn hơn trâu cày nhưng đứa nào cũng vui. Niềm vui thích trẻ con không thể nào tìm kiếm lại khi thời gian qua đi.

Về nhà, tắm ù qua vì lạnh, bụng đói meo vì hoạt động quá nhiều. Lấy xâu dế ra nướng, mùi thịt dế thơm lừng, quyến rũ. Hai tay chuyền qua chuyền lại mấy con dế nướng, thổi phù phù rồi cho vào miệng, nghe vị béo ngậy dễ chịu lan toả, thấy vui không để đâu cho hết! Ở xa nhớ lại, tôi gọi đó là vị quê thanh khiết, yên bình!

Chiều muộn, nước lũ rút đi để lại lớp phù sa dày kịp lắng lại cả buổi sáng. Quê mình gọi đó là bùn non. Đồng ruộng lại tấp nập người ra thăm. Dấu chân của những người nông dân đặt xuống đồng để đo độ dày của lớp phù sa. Gương mặt lam lũ của những người nông dân như ba tôi nở ra những nụ cười tươi rạng rỡ. Vụ lúa đông xuân năm tới thế nào cũng trúng lớn! Lộc trời ban, ruộng đồng tươi tốt, chẳng phải vất vả nhiều. Người nông dân là thế, luôn luôn muốn sống thuận với đất trời để có được cái hạnh phúc giản đơn như thế!

Ôi ngày nước nổi của tôi! Nhớ sao mà nhớ thế!

  • N.A
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khắc khoải miền nhân ảnh (*)   (10/11/2006)
Mỹ Thạnh: nơi chế tác cồng chiêng   (10/11/2006)
Phát hiện phù điêu rắn Naga 3 đầu bằng đá lớn nhất   (10/11/2006)
Tử Cấm Thành có thể rộng hơn nhiều so với diện tích đã được công nhận   (10/11/2006)
Cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên Việt - Mỹ năm 1832  (08/11/2006)
Mùi khoai nướng  (06/11/2006)
Đừng đánh lừa trái tim mình  (05/11/2006)
Nói lái  (05/11/2006)
Dòng gốm ngự dụng Vijaya đã lộ diện ?  (03/11/2006)
Tìm biểu trưng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2007  (03/11/2006)
Nguyễn Thị Lệ Thu với những trang viết trong trẻo và hồn hậu  (02/11/2006)
Hà Ri - Điểm sáng văn hóa  (31/10/2006)
Họa sĩ Lâm Triết - Một tấm lòng với quê hương  (30/10/2006)
Quanh chuyện giải thưởng của Hội nhà văn VN  (29/10/2006)
Người gìn giữ thanh âm của núi rừng  (27/10/2006)