Tìm lại quy mô đích thực của Tử Cấm Thành
8:27', 14/11/ 2006 (GMT+7)

Tiến sĩ Lê Đình Phụng đang phân tích sự khác nhau trong xây dựng bờ thành Bắc và bờ thành Tây. Ảnh: Hoài Thu

Trong đợt khai quật khảo cổ học thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) lần thứ 3 do Viện Khảo cổ học Việt Nam đang tiến hành, việc bóc tách làm lộ rõ các bờ tường thành trong Tử Cấm Thành đã đem đến những phát hiện mới về quy mô của Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế…

* Phát hiện mới từ bức tường phía Bắc

Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế gồm một cửa mở về phía Nam, 3 phía còn lại là ba bức tường thành. Trong đó, bức tường hiện tại dài 124m, nằm ở phía Bắc, lâu nay vẫn được xem là tường phía Bắc của Tử Cấm Thành. Thế nhưng, sau khi bóc tách làm lộ rõ các bức tường của Tử Cấm Thành, các nhà khảo cổ học phát hiện thấy sự khác biệt giữa bức tường phía Bắc hiện tại với các bức tường còn lại. Nếu như bức tường phía Tây (được xác định là của thời Tây Sơn) được xây dựng gồm cả móng và cổ móng, thì bức tường phía Bắc chỉ có phần móng. Ngoài ra, tại một điểm trên tường thành phía Bắc, có 3 viên đá quắc được xây chèn vào cùng với đá ong. Loại đá này, vốn được dùng làm đá trang trí ở thời Tây Sơn. Những khác biệt trên cho thấy, bức tường thành phía Bắc của Tử Cấm Thành không phải do nhà Tây Sơn xây dựng. Căn cứ theo sử sách, sau khi nhà Tây Sơn thất thủ, nhà Nguyễn đã đặt trị sở của trấn Bình Định (từ 1802 đến 1812) trên nền cũ của thành Hoàng Đế. Do vậy, các nhà khảo cổ học nhận định: bức tường phía Bắc của Tử Cấm Thành hiện nay là do nhà Nguyễn xây dựng, nhằm phục vụ cho các công trình kiến trúc của mình. Trong quá trình thi công, vì thiếu vật liệu đá ong, nên họ đã lấy đá quắc từ Hòn Giả Sơn gần đó do nhà Tây Sơn dựng nên, chèn vào thêm để xây bức tường mới.

* Tìm lại quy mô Tử Cấm Thành

Bức tường phía Bắc hiện tại của Tử Cấm Thành là do nhà Nguyễn xây dựng, vậy bức tường phía Bắc của Tử Cấm Thành thời Tây Sơn nằm ở đâu? Diện tích Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế như được công nhận lâu nay liệu có còn chính xác? Để trả lời cho những câu hỏi này, các nhà khảo cổ học đã đào một hố thám sát diện tích khoảng 2m2 tại điểm phía Đông Bắc của Tử Cấm Thành. Sau khi bóc một lớp đất dày 10-15cm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những dấu vết kiến trúc cho thấy nền của bức thành phía Tây của Tử Cấm Thành vẫn còn kéo dài về phía sau so với điểm giao nhau với bức tường phía Bắc hiện tại. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế, khi mà phía sau bức tường phía Bắc, hiện vẫn còn những khu vực mà người dân vẫn gọi là nền Cung, nền Hậu Cung.

Đối chiếu sử liệu cũ với những kiến trúc xuất lộ trong hai lần khai quật thành Hoàng Đế trước đây, các nhà khảo cổ học phát hiện thấy có những điểm bất hợp lý trong diện tích Tử Cấm Thành như lâu nay vẫn công nhận. Theo Đồ Bàn thành ký của Nguyễn Văn Hiển, kiến trúc Tử Cấm Thành của Vương triều Thái Đức có hai kiến trúc bát giác là Điện Bát Giác ở trung tâm Tử Cấm Thành và Lầu Bát Giác. Tuy nhiên, thực tế khai quật lại cho thấy nền kiến trúc Bát Giác gần như nằm ở cuối của Tử Cấm Thành. Một sách sử liệu khác cho biết: sau khi thiết triều ở Điện Bát Giác, Nguyễn Nhạc lui về Tẩm Cung (Chính Tẩm) để nghỉ ngơi. Trong khi đó, nếu căn cứ vào diện tích của Tử Cấm Thành hiện tại, thì khoảng cách từ Hòn Giả Sơn đến nơi có kiến trúc hình Bát Giác là quá hẹp, nên không thể tồn tại một công trình như Chính Tẩm. Vậy diện tích kiến trúc Tử Cấm Thành như đã được công nhận lâu nay là không phù hợp.

TS. Lê Đình Phụng, chủ trì đợt khai quật, cho biết: “Căn cứ vào những dấu tích kiến trúc cổ tìm được, chúng tôi có thể khẳng định: diện tích Tử Cấm Thành đã được công nhận chỉ là một phần phía Nam của Tử Cấm Thành thời Tây Sơn. Phần phía Bắc còn lại của Tử Cấm Thành chính là phần đất phía sau lưng bờ thành do nhà Nguyễn xây dựng. Như vậy, có thể thấy, Tử Cấm Thành nguyên thủy có cấu trúc hình chữ nhật theo hướng Bắc - Nam, với mặt bằng kiến trúc quy chuẩn của một vương triều. Phía sau Điện Bát Giác là Hòn Giả Sơn, tiếp đó là Cung và Hậu Cung. Tất cả hợp thành một trục thần đạo trong Tử Cấm Thành”. Cũng theo nhận định của TS. Lê Đình Phụng, khuôn viên Tử Cấm Thành vốn dĩ rất rộng. Về sau, nhà Nguyễn có thể đã dỡ bỏ phần Cung và Hậu Cung, để lấy vật liệu về xây thành Bình Định, đồng thời xây lại bức tường thành phía Bắc, ngăn đôi Tử Cấm Thành để xây lăng thờ.

Nếu những phát hiện mới này là chính xác, thì diện tích Tử Cấm Thành thời Tây Sơn sẽ là hơn 40.000m2, gần gấp đôi so với diện tích Tử Cấm Thành đã được công nhận lâu nay (chỉ 22.650m2). Điều quan trọng hơn, phát hiện mới sẽ giúp cho việc dựng lại bình đồ của Tử Cấm Thành chính xác hơn, từ đó tìm ra quy luật xây dựng Tử Cấm Thành thời Tây Sơn, phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo thành Hoàng Đế sau này.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những sắc màu của Scarbough Fair  (13/11/2006)
Ngày nước nổi  (13/11/2006)
Khắc khoải miền nhân ảnh (*)   (10/11/2006)
Mỹ Thạnh: nơi chế tác cồng chiêng   (10/11/2006)
Phát hiện phù điêu rắn Naga 3 đầu bằng đá lớn nhất   (10/11/2006)
Tử Cấm Thành có thể rộng hơn nhiều so với diện tích đã được công nhận   (10/11/2006)
Cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên Việt - Mỹ năm 1832  (08/11/2006)
Mùi khoai nướng  (06/11/2006)
Đừng đánh lừa trái tim mình  (05/11/2006)
Nói lái  (05/11/2006)
Dòng gốm ngự dụng Vijaya đã lộ diện ?  (03/11/2006)
Tìm biểu trưng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2007  (03/11/2006)
Nguyễn Thị Lệ Thu với những trang viết trong trẻo và hồn hậu  (02/11/2006)
Hà Ri - Điểm sáng văn hóa  (31/10/2006)
Họa sĩ Lâm Triết - Một tấm lòng với quê hương  (30/10/2006)