Tháp Chăm Bình Định: Từ di tích đến di sản
7:55', 15/11/ 2006 (GMT+7)

Xây dựng hồ sơ, đề cử hệ thống tháp Chăm Bình Định để UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới là một trong những đề xuất quan trọng được đưa ra tại cuộc tọa đàm “Làm thế nào để phát huy giá trị của hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định” do Sở Văn hóa - Thông tin và Báo Bình Định phối hợp tổ chức hôm qua (14-11). Đâu là tính khả thi của đề xuất này? Lộ trình nào để đề xuất trên trở thành hiện thực?

 

Tháp Dương Long, kiến trúc gạch cao nhất Đông Nam Á.  Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Bình Định nay, Vijaya xưa, là vùng định đô của vương quốc cổ Champa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV. Đây cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hóa Champa. Trên vùng đất này văn hóa Champa để lại di tích khá đậm đặc gồm nhiều loại hình, với số lượng khá phong phú. Trong đó, hệ thống các di tích tháp Chăm có giá trị khá nổi bật, gồm 8 cụm tháp với 14 tháp hiện tồn, trong đó, 7 cụm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia.

* Những giá trị riêng biệt và độc nhất

Những khu tháp hiện còn ở Bình Định thường được phân thành hai nhóm: một nhóm là những tháp mang đặc trưng cơ bản của kiến trúc tháp Champa gồm Bình Lâm, Bánh Ít, Cánh Tiên, Thốc Lốc, Thủ Thiện có niên đại vào nửa sau thế kỷ XI nửa đầu thế kỷ XII; một nhóm chịu ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc tháp Khmer gồm Dương Long và tháp Đôi, có niên đại cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII.

Tháp Chăm ở Bình Định cũng được xây dựng với cùng mẫu số chung của các kiến trúc tháp Champa: bình đồ vuông, thân trụ khối vươn cao, hệ thống mái nhiều tầng thu nhỏ vươn lên, toàn bộ tháp được trang trí các họa tiết đẹp như một tác phẩm nghệ thuật; vật liệu xây dựng tháp chủ yếu là gạch, kỹ thuật xây dựng gạch mài chập. Bên cạnh đó, tháp Chăm ở Bình Định đã xuất hiện những yếu tố mới, hình thành một phong cách mới: phong cách kiến trúc tháp Bình Định. Trong phong cách này, ngoài yếu tố kế thừa truyền thống tháp Champa làm chủ đạo, kiến trúc tháp còn xuất hiện nhiều yếu tố chịu ảnh hưởng của kiến trúc Khmer trong một giai đoạn ngắn. Những ngọn tháp được xây trên đồi cao, kiến trúc tháp hình khối chắc khỏe, lớp vòm cửa hình mũi lao nhọn, các tháp góc trang trí tầng mái lớp lớp nhô vút lên, khác với vẻ cắt gọt cầu kỳ, đường nét uốn lượn của giai đoạn trước. Những yếu tố trên tạo cho kiến trúc tháp Bình Định vẻ đẹp khỏe khoắn, trang nhã mà không kém phần tôn nghiêm. Trong điêu khắc, hình khối điêu khắc phong cách Bình Định căng, trang trí giản lược và gân guốc hơn, toát lên vẻ khỏe khoắn, hoành tráng và căng tràn sức sống. Điều thú vị là dõi theo những bước chuyển trong phong cách nghệ thuật của những ngọn tháp này, ta đọc thấy ở đó, những mối giao lưu đan cài của cả ba nền văn hóa: Champa, Đại Việt và Khmer. Đây cũng là điều rất thú vị có thể “đọc” thấy trên mỗi dáng tháp Chăm ở Bình Định.

Hơn thế, xét về quy mô, trong những công trình kiến trúc gạch Đông Nam Á, tháp Dương Long là cao nhất. Về kỹ thuật, kỹ thuật xây tháp bằng gạch của người Chăm không quốc gia nào thời ấy, kể cả Campuchia, Indonesia, Myanma - những quốc gia có kiến trúc gạch cùng thời - đạt được. Về nghệ thuật, bản thân sự phối hợp giữa hai loại vật liệu không đồng chất là gạch và đá trên mỗi kiến trúc tháp ở Bình Định là rất độc đáo, sáng tạo. Một bên, là khối căng tràn sức sống; bên kia, những ngọn tháp như cứ muốn vươn lên, tạo thành vẻ đẹp hoành tráng, mang sức sống căng tràn, đầy ấn tượng. Đó là điều mà không phải thời kỳ nghệ thuật nào cũng đạt được.

Sự phong phú và đa dạng của loại hình di tích Chăm ở Bình Định cũng là một yếu tố góp phần vào việc khẳng định giá trị riêng có, độc đáo của tháp Chăm Bình Định. Tính hệ thống, mà hầu hết những yếu tố góp vào hệ thống ấy như thành, cảng thị, đền tháp, đồ gốm và các lò gốm, ta đều có thể dễ dàng tìm thấy di chỉ vật chất đang hiện hữu, càng khẳng định tính độc nhất vô nhị của hệ di tích Chăm Bình Định. Đây là điều làm cho di tích tháp Chăm Bình Định khác về tính chất với khu di tích Mỹ Sơn. Trong khi khu di tích Mỹ Sơn gồm những công trình tôn giáo - tín ngưỡng gắn với Ấn Độ giáo; thì tháp Chăm ở Bình Định lại biểu hiện sự hỗn dung tôn giáo, tín ngưỡng giữa Ấn Độ giáo, Phật giáo và tín ngưỡng bản địa. Những đền tháp này lại được đặt trong sự gắn kết với đời sống của cộng đồng cư dân, thể hiện bằng một trung tâm về chính trị, kinh tế, quân sự và tôn giáo (thành Đồ Bàn), với hoạt động kinh tế (đồ gốm Gò Sành), và trung tâm thương mại (cảng Thị Nại, thành Thị Nại). Hơn nữa, nếu các tháp Chăm tại khu di tích Mỹ Sơn đã bị sụp đổ khá nhiều, nhiều ngọn tháp nay chỉ còn là phế tích, thì hệ thống tháp Chăm Bình Định hầu hết còn nguyên vẹn và đang được chống xuống cấp, trùng tu khá hiệu quả.  

* Đề cử di sản văn hóa thế giới, tại sao không?

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị hệ di tích tháp Chăm ở Bình Định đã được chú trọng. Trong 8 cụm tháp, trừ hòn Chuông chỉ còn là một phế tích, 7 cụm tháp còn lại đã qua nhiều lần gia cố, chống xuống cấp. Riêng tháp Đôi và tháp Bánh Ít đã hoàn tất việc trùng tu; tháp Dương Long và Cánh Tiên hiện đang trong quá trình trùng tu. Song song với quá trình trùng tu, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bước đầu cũng được chú trọng. Những thành công của những nỗ lực bảo tồn và bước đầu phát huy giá trị di tích tháp Chăm ở Bình Định là điều có thể khẳng định.

Tuy nhiên, với một hệ thống gồm nhiều cụm tháp, lại được phân bố tương đối rộng, nỗ lực riêng lẻ của một tỉnh, hay sự đầu tư của các dự án nằm trong chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa - Thông tin, xem ra vẫn còn nhỏ bé so với nhu cầu. Do vậy, xuất phát từ giá trị riêng biệt của hệ thống các di tích tháp Chăm ở Bình Định, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần đặt vấn đề xây dựng hồ sơ, đề cử hệ thống tháp Chăm Bình Định để UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Những đặc tính mang tính độc nhất vô nhị của hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định là cơ sở để chúng ta có niềm tin đó. Đồng thời, việc được công nhận di sản văn hóa thế giới, hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định sẽ được đầu tư mạnh hơn, không chỉ về vật chất, kinh phí, mà cả về trí tuệ và tâm lực của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đây cũng là điều kiện thuận lợi nhất để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, tạo sức thu hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Hẳn nhiên, để ý tưởng trên trở thành hiện thực, đòi hỏi phải có sự nhập cuộc, chung sức chung lòng của các cấp, các ngành liên quan. Trong đó, việc sớm hình thành một Ban Chỉ đạo về vấn đề này cũng là vấn đề mang tính cấp thiết. Một vấn đề khác cũng rất đáng được lưu tâm và hẳn cũng rất quan trọng nếu muốn đề cử hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định trở thành di sản văn hóa thế giới, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, làm cho bạn bè trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn về vẻ đẹp độc sáng và những giá trị riêng biệt của hệ thống di tích này. Một vấn đề nữa, xét ra cũng quan trọng không kém, là tiếp tục đầu tư cho công tác trùng tu, xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu về hệ thống tháp Chăm Bình Định nói riêng và di tích Chăm Bình Định nói chung.

  • P.V
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hướng tới mục tiêu đề cử hệ thống tháp Chăm Bình Định là di sản thế giới   (14/11/2006)
Tìm lại quy mô đích thực của Tử Cấm Thành  (14/11/2006)
Những sắc màu của Scarbough Fair  (13/11/2006)
Ngày nước nổi  (13/11/2006)
Khắc khoải miền nhân ảnh (*)   (10/11/2006)
Mỹ Thạnh: nơi chế tác cồng chiêng   (10/11/2006)
Phát hiện phù điêu rắn Naga 3 đầu bằng đá lớn nhất   (10/11/2006)
Tử Cấm Thành có thể rộng hơn nhiều so với diện tích đã được công nhận   (10/11/2006)
Cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên Việt - Mỹ năm 1832  (08/11/2006)
Mùi khoai nướng  (06/11/2006)
Đừng đánh lừa trái tim mình  (05/11/2006)
Nói lái  (05/11/2006)
Dòng gốm ngự dụng Vijaya đã lộ diện ?  (03/11/2006)
Tìm biểu trưng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2007  (03/11/2006)
Nguyễn Thị Lệ Thu với những trang viết trong trẻo và hồn hậu  (02/11/2006)