Buồn vui quanh ngày 20.11
15:49', 15/11/ 2006 (GMT+7)

* Tạp bút của Hà Văn Thịnh

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 là một trong những ngày “lễ thiêng” của người Việt. Ngày ấy càng đến gần, những cảm xúc của một thời đi học hay đang học lại làm bừng lên trong ta thật nhiều ấm áp, biết ơn đối với những thầy cô giáo đã nâng đỡ, dìu dắt giúp ta nên người.

Là một người đang đứng trên bục giảng, không hiểu sao từ nhiều năm gần đây, bên cạnh những tiếng đập dịu dàng ấy của trái tim, tôi lại chạnh lòng...

Ở miền Trung, vào những ngày ấy, hầu như năm nào cũng có mưa, trời hơi lành lạnh. Dường như để thử thách độ nồng ấm của lòng người thì phải. Từng đoàn học trò, nhỏ có, lớn có; lũ lượt và mải miết bơi trong mưa rét để đến thăm cho được nhà thầy cô.

 

Thiếu nhi tập hát – tranh của Nguyễn Đức Hạnh.

 

Trẻ cũng như già. Học trò cũng như phụ huynh, ai cũng hiểu bên cạnh cái phần lễ là bày tỏ tình cảm, sự quý trọng với thầy, bọn trẻ cũng rất thích cái phần hội. Một dịp thích hợp để đàn đúm, để đi chơi nhưng lại có tâm trạng đi… làm!

Chữ đi trong tiếng Việt quả là đỉnh điểm của phức tạp cái chuyện đời. Có lẽ vì thế nên lũ trẻ cố bươn chải cho bằng được mục đích “đi”: Không ít đứa phải nhịn đói cả ngày, ướt lướt thướt tội nghiệp như con cò bợ. Đi mà như chạy vì phải đến nhiều nơi với lắm con đường xa ngái, quanh co. Thăm cô này mà không thăm thầy kia chúng cũng sợ ba phần (sợ thật đấy chứ chẳng chơi). Trời lạnh. Nhìn những đôi môi tái nhợt, những thân thể co ro, xuýt xoa vì đói, vì rét; người lớn chắc không khỏi chạnh lòng? Đó là nếu trời lạnh. Còn trời nực. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt mũi bơ phờ, miệng thì cố mà cười. Đi chúc mừng thầy cô mà không cười thì còn ra cái gì...

Từ đâu, cái phần thiêng liêng nhất - tính tự nguyện bởi tấm lòng, bỗng chốc bị biến thành sự bắt buộc và không thể khác? Có lần, tôi đi mua quà ở một cửa hàng văn hoá phẩm. Tôi đã thật sự xót xa khi thấy lũ trẻ mua những món quà để tặng thầy, tặng cô với giá đắt gấp 2-3 lần bình thường. Tám chín tuổi đầu, mua gì đã có mẹ, có cha lo. Thành thử chúng cứ nhắm mắt mà mua còn người bán, cứ bịt mắt, bưng tai mà chém!

Nhưng đừng tưởng chỉ có học trò nhỏ mới phải chịu cảnh ấy. Học trò lớn như sinh viên, góp mãi mới đủ tiền để mua tặng mỗi thầy một cái cà vạt mươi, mười lăm ngàn. Đó là những cái cà vạt chẳng bao giờ đeo được vì thường là vừa xấu, vừa sến, được các nhà sản xuất ưu ái tung ra trong những dịp này với những bao bì thật đẹp. Trò chẳng cần biết nó ra sao, miễn có cái hộp đèm đẹp. Cũng không cần biết thầy có dùng hay không. Chỉ cần thầy ghi nhận rằng tôi có đến thăm thầy, khi đến có mang theo quà và cay đắng nhất là thầy đã nhận quà.

Một khi nghĩa cử bị biến thành nghĩa vụ thì tránh làm sao được những món quà phải gánh thêm, hàm chứa cái tinh thần hối lộ. Đôi khi thấy sinh viên cười mà nhói trong lòng. Không biết chúng có nghĩ như mình đang nghĩ hay không. Nỗi day dứt nào cũng có đủ từ cả đôi đường.

Cũng phải nói thêm là, nhiều lúc thầy đón trò mà cũng ái ngại. Nhà của nhiều thầy, cô chật chội lắm. Để đón một lúc mấy chục đứa trẻ, thậm chí  là chúng đang đói và rét nữa đâu có dễ. Lo cả cho các em đỡ đói thì lo không nổi. Không lo được thì chẳng đành lòng. Cái loay hoay của nỗi buồn và niềm vui cứ xoắn xuýt vào nhau. Sự mệt mỏi nhiều hơn niềm vui trong một ngày lẽ ra phải là ngày nhẹ nhõm nhất của thanh thản, tự hào.

Tôi là kẻ cả nghĩ. Bố mẹ đi thầy, đi cô bằng những phong bao; con cái đội mưa, chạy nắng vòng quanh để thăm cái căn nguyên làm nên lẽ học hành ư? Có còn không và nếu còn thì còn bao nhiêu sự trong trẻo của lòng thành kính trong phụ huynh và học sinh?

Ngay từ nhỏ, trẻ em, từ vô thức đã được dạy dỗ rằng, sống ở trên đời - ít nhất là trong đời học trò, để dễ dàng, để hanh thông, trôi chảy thì phải biết  đi, chạy và thăm!

Đọc những dòng trên đây, chắc hẳn có không ít những nhà giáo phải muộn phiền, thậm chí là bức bối. Tôi xin được xin lỗi một cách thành tâm nhất và rất mong mỗi chúng ta xin chớ chạnh lòng. Những “nẻo đường” gồ ghề của những lối đi trong ngày 20.11 hôm nay có rất nhiều những điều đáng phải nghĩ suy.

Tôi luôn ước ao rằng, niềm tri ân và sự quý mến của học trò đối với thầy cô, tốt nhất, nên được dành để ở trong tâm khảm, nơi nhạy cảm nhất của mỗi con tim; nên được gìn giữ suốt đời trong cái góc khuất trang trọng nhất của trí tuệ. Thật là vui và thật đáng tự hào khi ngày 20.11 đến, đường phố ngập tràn những nụ cười tươi trẻ, hồn nhiên.

Quả thực, nếu những niềm vui ấy được ra đời từ những tình cảm sáng trong, tự nguyện, thật lòng… Nếu không vui như thế, không phải chúng ta không có lỗi đâu.

  • H.V.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tháp Chăm Bình Định: Từ di tích đến di sản  (15/11/2006)
Hướng tới mục tiêu đề cử hệ thống tháp Chăm Bình Định là di sản thế giới   (14/11/2006)
Tìm lại quy mô đích thực của Tử Cấm Thành  (14/11/2006)
Những sắc màu của Scarbough Fair  (13/11/2006)
Ngày nước nổi  (13/11/2006)
Khắc khoải miền nhân ảnh (*)   (10/11/2006)
Mỹ Thạnh: nơi chế tác cồng chiêng   (10/11/2006)
Phát hiện phù điêu rắn Naga 3 đầu bằng đá lớn nhất   (10/11/2006)
Tử Cấm Thành có thể rộng hơn nhiều so với diện tích đã được công nhận   (10/11/2006)
Cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên Việt - Mỹ năm 1832  (08/11/2006)
Mùi khoai nướng  (06/11/2006)
Đừng đánh lừa trái tim mình  (05/11/2006)
Nói lái  (05/11/2006)
Dòng gốm ngự dụng Vijaya đã lộ diện ?  (03/11/2006)
Tìm biểu trưng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2007  (03/11/2006)