Tối nay (16-11), tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn - TP. Quy Nhơn sẽ khai mạc Liên hoan (LH) Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II. Nhân dịp này, P.V Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ngắn ông Dương Minh Châu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, Trưởng Ban tổ chức LH, về công tác chuẩn bị cho LH…
|
Cảnh trong vở “Thần dược” của đoàn Bình Định tham gia Liên hoan Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II. Ảnh: H.T
|
* Ông có thể giới thiệu đôi nét về LH lần này ?
- LH Tuồng không chuyên toàn quốc do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức, nhằm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đồng thời, đây là dịp nâng cao trình độ nghiệp vụ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn của lực lượng sân khấu không chuyên; góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc.
LH Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại Nha Trang vào năm 2003, với sự tham dự các đoàn tuồng không chuyên đến từ 13 địa phương. Còn tại LH lần này tổ chức tại Bình Định, có 10 đoàn với trên dưới 400 cán bộ, diễn viên đến từ các địa phương: Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia.
* Những hoạt động nào sẽ được tổ chức trong khuôn khổ LH lần này, thưa ông?
Theo quy định của Bộ Văn hóa - Thông tin, mỗi tỉnh thành chỉ được chọn một vở diễn tham gia Liên hoan Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006. Vở diễn không hạn chế về đề tài nhưng phải có chủ đề tư tưởng rõ ràng, phản ánh chân thực mọi mặt về đời sống và con người, đồng thời thể hiện được truyền thống kiên cường bất khuất của nhân dân ta trong lịch sử dựng nước, giữ nước và khí thế xây dựng phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới. |
- Trước khi tham dự lễ khai mạc được tổ chức vào tối nay (16-11) tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn, buổi chiều các đoàn sẽ tham gia diễu hành trên các đường phố chính của TP. Quy Nhơn và dâng hương hậu tổ Tuồng Đào Tấn tại làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước). Phần biểu diễn dự thi của các đoàn tại LH sẽ chỉ gói gọn trong tối 16-11 và ngày 17-11. Sáng 18-11, các đoàn sẽ tham quan Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn). Đến tối 18-11, các đoàn sẽ công diễn phục vụ bà con tại ba điểm (mỗi điểm ba đoàn): Tượng đài Chiến Thắng (TP. Quy Nhơn), Nhà Văn hóa huyện An Nhơn và Nhà Văn hóa huyện Tuy Phước. Sáng 19-11, sẽ tiến hành tổng kết và bế mạc LH.
* Thưa ông, đến thời điểm này, hẳn công tác chuẩn bị tổ chức LH đã hoàn tất ?
- Ngoài Ban chỉ đạo và Ban tổ chức LH do Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định thành lập, tỉnh Bình Định cũng thành lập một Ban tổ chức, với sự tham gia của các sở, ngành liên quan và các bộ phận trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, để cùng phối hợp trong việc tổ chức LH. Đến nay, ngoài việc thông tin cho các đoàn tham dự LH về các điểm lưu trú trên địa bàn Quy Nhơn, chúng tôi cũng đã phân công cán bộ phụ trách các đoàn, làm nhiệm vụ đón tiếp và hướng dẫn các đoàn. Trước đó, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, nơi diễn ra LH, cũng đã được đầu tư kinh phí hơn 300 triệu đồng để trang bị thêm máy điều hòa không khí, ghế… nâng sức chứa từ trên 200 chỗ lên 400 đến 500 chỗ, đảm bảo phục vụ tốt LH. Chúng tôi cũng đã làm việc với các cơ quan chức năng như Công an tỉnh, Sở Y tế... để xây dựng kế hoạch bảo vệ an ninh - trật tự tại nơi ăn ở, biểu diễn của đại biểu và các đoàn; đảm bảo về an toàn thực phẩm... Nói chung, công việc chuẩn bị đã được tiến hành chu đáo, đảm bảo LH sẽ diễn ra tốt đẹp.
* Xin cảm ơn ông!
|