Những gánh tuồng của nông dân đất Quảng
10:40', 17/11/ 2006 (GMT+7)

Hát bộ miền Trung xưa (ảnh: nguyentl.free.fr)

Từ Hội An cổ kính, qua Duy Xuyên - vùng đất thánh địa Mỹ Sơn rồi lại ngược lên những vùng núi xa của Quế Sơn... tiếng trống tuồng len lỏi khắp các làng quê Quảng Nam. Hầu như ở bất cứ vùng quê nào của xứ Quảng cũng có ít nhất một gánh tuồng của những người nông dân lập ra. Môn nghệ thuật đang có nguy cơ mai một này đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong đời sống ở làng quê...

Sống lại những gánh tuồng làng

Ông Nguyễn Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thể thao huyện Quế Sơn hào hứng khoe với chúng tôi: "Bây giờ không còn cảnh các gánh tuồng phải lặn lội đi tìm khán giả nữa. Ở Quế Sơn không chỉ có người lớn tuổi mà cả lớp trẻ cũng rất hào hứng tìm đến những đêm biểu diễn tuồng. Đi tìm một người trẻ biết hát tuồng không còn là chuyện "mò kim đáy bể" nữa đâu".

Ở xã Quế Phú (Quế Sơn), những diễn viên của gánh tuồng đều là những bà, những cô đã ở tuổi 60-70. Nhưng khi lên sân khấu, họ dường như quên mất tuổi tác.

Cô Lê, năm nay 70 tuổi, một diễn viên chuyên đóng vai "đào thương" của gánh tuồng xã kể: "Thôn Thương Nghiệp của tui nhiều ông, bà già hơn tui mà vẫn mê lên sân khấu. Nhưng bây chừ gánh tuồng đã "chủ trương" phải làm trẻ đội hình nên chúng tôi phải nhường chỗ bớt cho tụi trẻ".

Ông Huỳnh Hoa - "ông bầu" của gánh tuồng xã Quế Châu (Quế Sơn) - hồ hởi khoe: "Bây giờ cứ hai năm là đội tuồng lại tham gia liên hoan tuồng của huyện tổ chức. Mới hồi tháng 11 năm ngoái, tại liên hoan tuồng của huyện Quế Sơn, gánh tuồng đồng ấu của xã Quế Châu được bà con cổ vũ quá trời. Những cô cậu bé chỉ mới học lớp 6, 7, hơi còn yếu, điệu bộ non nớt, nhưng ai chinh phục được khán giả bởi diễn xuất hồn nhiên, trong sáng".

Xã hội hoá nghệ thuật tuồng

Ông Nguyễn Hoàng Chương cho biết: "Tại các liên hoan tuồng dính kỳ 2 năm/lần của huyện Quế Sơn, bao giờ Ban tổ chức cũng chấm thêm điểm thưởng cho những đơn vị có diễn viên trẻ tham gia. Với mỗi câu lạc bộ tuồng được thành lập, huyện sẽ hỗ trợ từ 3-5 triệu đồng để thêm vào sắm sửa trang phục".

Tại huyện Quế Sơn có 18 xã thì có đến 11 câu lạc bộ tuồng. Tất cả đều do bà con, thôn xóm, chính quyền xã tự vận động thành lập, tự dàn dựng vở diễn và lấy kinh phí từ sự ủng hộ của người dân để nuôi sống gánh tuồng. Khó khăn, nhưng mỗi năm cả diễn viên lẫn cổ động viên của các câu lạc bộ này vẫn cố gắng đóng góp để luyện tập và diễn được 5-6 đêm mỗi năm vào các dịp lễ Tết.

Còn ở Hội An, để tuồng thực sự đi vào lòng người dân, không có một chương trình sân khấu hoá nào ở các kỳ lễ hội lại vắng mặt đội tuồng quần chúng. Những diễn viên không chuyên bước lên sân khấu biểu diễn các lớp tuồng có chiều sâu, hấp dẫn cho du khách xem, được truyền hình trực tiếp mà không hề có chút va vấp nào.

Tuồng Quảng Nam (ảnh: Wikipedia)

Xem họ diễn, ít ai ngờ rằng ở ngoài đời, họ chỉ là những bà, những cô buôn thúng bán bưng, là những bác nông dân đen nhẻm, chân mang hài vẫn còn dính bùn đất chưa gột rửa sạch.

Anh Văn Tú - một diễn viên tuồng ở Hội An kể: "Ở vùng quê nghèo, người có lòng lắm cũng chỉ đóng được vài ba chục nghìn, ngoài ra chỉ trông vào sự hỗ trợ của những cá nhân, đơn vị hảo tâm.

Bởi thế nên mỗi gánh tuồng giàu nhất cũng chỉ có vài ba bộ đồ diễn ngon lành, các "ông bầu" phải năng động tìm cách đi thuê, đi mượn mỗi khi diễn lớp tuồng nào có nhiều diễn viên. Lắm khi diễn viên vừa hát xong phân đoạn này, ra sau cánh gà đã phải lột vội lột vàng cân đai, áo mão để bổ sung vào trang phục cho diễn viên khác".

Ngày xuân vang tiếng trống tuồng

Những ngày đầu năm mới, ở khắp các làng quê đất Quảng đã chộn rộn tiếng trống tập tuồng. Ban ngày lặn lội ngoài đồng ruộng, đêm xuống cả làng kéo đi xem những diễn viên "chân đất" của mình tập vở chuẩn bị diễn cho bà con xem.

Ở Quảng Nam, dịp Tết nào các làng quê cũng cố gắng có được một vài đêm diễn tuồng với quan niệm là tìm gặp phúc, lộc, thọ, may mắn cho năm tới.

Những rạp hát được dựng sơ sài bằng tranh tre trên những bãi cỏ rộng, sân bóng, hay chỉ là vài chiếc chiếu trải ở sân đình, nhưng khán giả vẫn mải mê đến xem và cổ vũ cho gánh tuồng của mình.

Với họ, hát tuồng hay còn gọi hát bội là cách để vứt bỏ những muộn phiền năm cũ, gửi gắm những cầu nguyện may mắn cho năm sau. Sân khấu hát bội là nơi để những ước mơ của họ bay bổng, vượt khỏi những lũy tre làng.

Bà Sáu Lê - một giọng ca tuồng rất hay ở Quế Phú (Quế Sơn) khoe: "Bây giờ các gánh hát không chỉ diễn các tích tuồng xưa mà còn dựng những vở mới, gắn với những chuyện bình thường hằng ngày như: vận động sinh đẻ kế hoạch, tăng gia sản xuất hay phê phán những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội ở các vùng quê. Có vậy mới thu hút được bọn trẻ đến xem".

. Theo Nông thôn ngày nay

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khai mạc Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006  (17/11/2006)
Giá của đức Chính trực  (16/11/2006)
Công tác chuẩn bị cho LH Tuồng không chuyên toàn quốc đã hoàn tất  (16/11/2006)
Buồn vui quanh ngày 20.11  (15/11/2006)
Tháp Chăm Bình Định: Từ di tích đến di sản  (15/11/2006)
Hướng tới mục tiêu đề cử hệ thống tháp Chăm Bình Định là di sản thế giới   (14/11/2006)
Tìm lại quy mô đích thực của Tử Cấm Thành  (14/11/2006)
Những sắc màu của Scarbough Fair  (13/11/2006)
Ngày nước nổi  (13/11/2006)
Khắc khoải miền nhân ảnh (*)   (10/11/2006)
Mỹ Thạnh: nơi chế tác cồng chiêng   (10/11/2006)
Phát hiện phù điêu rắn Naga 3 đầu bằng đá lớn nhất   (10/11/2006)
Tử Cấm Thành có thể rộng hơn nhiều so với diện tích đã được công nhận   (10/11/2006)
Cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên Việt - Mỹ năm 1832  (08/11/2006)
Mùi khoai nướng  (06/11/2006)