* Tùy bút của Ngọc Ánh
1.
Tháng mười quê mình rơi vào mùa nông nhàn. Người nhà quê được một quãng thời gian nghỉ ngơi, tạm rời xa cái cảnh đầu tắt mặt tối. Tháng mười mưa nhiều, kéo dài lê thê từ ngày này sang ngày khác, mưa thối đất, thối cát, mưa tối đất tối trời. Trong ký ức tuổi thơ tôi đó là những ngày tháng êm đềm, đầm ấp.
Hạnh phúc gia đình là một cái gì đó rất rất rõ ràng, có thể cầm nắm được - một bếp lửa ấm, tiếng mẹ cha rì rầm nói chuyện trên nhà, tiếng càu nhàu chị em giành nhau phần chăn ấm... Tôi còn có thể tót vào lòng, nép vào ngực "hạnh phúc" để làm nũng, để thấy mình thật sự được yêu thương cưng chiều - khi đó hạnh phúc chính là hơi ấm phả ra từ cha tôi.
|
Bữa cơm vụ mùa thắng lợi. Tranh của Nguyễn Phan Chánh
|
2 .
Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối, chả thế mà nhoáng một cái sau bữa trưa đã tới lúc chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Mùa nắng, củi để hết ngoài vườn, đến bữa thổi cơm chị em tôi chỉ quơ quàng một ít củi vụn, đun đủ bữa cơm cho gọn gàng gian bếp. Củi gộc (những cành cây khô, to, gỗ chắc nụi, khi đun cháy lâu và và tạo than) để dành bấy lâu nay được mang ra dùng. Cứ vài ngày ba tôi lại vung rìu lên bổ củi. Củi để lâu nên rất nhiều cây bị đàn mối ngắm nghía rồi chui vào làm tổ trong đó. Tổ bị phá, mối tràn ra từng đàn, ngập ngụa, ngầy ngậy. Lũ gà ban đầu còn e dè sau ăn quen cứ thế mà lao vào mổ lấy mổ để lũ mối, bất chấp nguy hiểm. Sau nữa là ăn quen, cứ mỗi lần ba tôi mang rìu ra là đàn gà đã líu ríu gọi nhau bâu xung quanh để chuẩn bị “đại tiệc” mối! Tiếng gà con chíp chiu, tiềng gà mẹ cục tác, tiếng gà trống khục khẹc vui tai tạo nên một bản đồng ca làng quê thanh bình, dễ chịu.
Chiều mùa đông, hoàng hôn chẳng có cảnh mặt trời lặn. Sầm sập tối, ai cũng muốn quáng quàng xong việc rồi vội về nhà. Khói bếp bay lên cao, thoang thoảng mùi thức ăn mời gọi tất cả các thành viên trong gia đình về tề tựu. Quê tôi, ngày trước, chỉ có chợ phiên, năm ngày họp một lần. Nhà nghèo chẳng mấy khi phải ra đến chợ. Đi chợ tức là nhà có việc, giỗ chạp chằng hạn. Còn không thì hàng xóm cứ gởi nhau đi... Bữa cơm lại càng đơn sơ. Thế nhưng kì lạ thay là tôi luôn nhớ về những bữa cơm đơn sơ ấy với nỗi nhớ về những bữa ăn ngon miệng nhất đời mình!
3.
Một nồi cơm to, cơm gạo lúa mới vừa dẻo vừa thơm, cơm trắng như bông bưởi, thoạt nhìn đã thấy ngon. Đó là chưa kể đến lớp cơm cháy dày cộm, vàng rộp, giòn rụm. Khéo xới cơm, lấy cây đũa bếp tách phần cơm cháy ra, chẳng cần chén đũa, cứ thế cầm tay miếng cơm cháy, cho luôn vào miệng, cắn lấy một miếng vừa vừa, nhai rôm rốp. Miếng cháy thơm, giòn tan trong miệng, vừa ấm lại vừa có vị ngòn ngọt. Muốn thổi được nồi cơm có kiểu cơm cháy ngon như vậy quả tình là một sự kỳ công. Trước hết cơm phải được nấu bằng nồi gò, nắp vung phải khít với nồi để tránh bay hơi. Khi ủ nóng cho cơm chín phải cho già than, mà cái sự “già than” phải chừng mực, phải canh chừng rồi áng chừng chừng mà thay đổi lửa than quanh nồi cơm sao cho vừa... Dường như cơm cháy chỉ ngon trong ngày mưa và chỉ đến cữ tháng mười, trời mưa bong bóng phập phồng trước hiên, dưới giọt tranh mẹ mới nấu những nồi cơm kỳ ảo như thế.
Một chảo con con mắm quẹt với vị mằn mặn của cá muối, vị ngọt của đường, vị cay của ớt, hương nồng của tiêu, mùi thơm của hành giã nhuyễn và vị béo dễ chịu của dầu phộng nguyên chất. Tất cả quyện vào nhau để bữa cơm nhà nghèo cứ rào rào niềm vui. Một rổ rau muống luộc chín tới vừa mềm, vừa giòn mới được vớt ra khỏi nồi nghi ngút khói, nhìn đã ngon mắt. Không mùa nào rau muống ngon bằng mùa này. Rau muống xanh trồng ngoài ruộng, vốn mềm, mỗi bận nước lên, ngọn rau nào cũng cố ngoi lên, ngoi lên tý nữa để đón khí trời. Những ngọn rau ấy bao giờ cũng mơn mởn, non mềm màu nõn chuối. Ruộng rau gần nhà nên chỉ khi nào gần đến bữa cơm chị tôi mới ra vườn hái, vì thế về cái sự tươi ngon của rau thì khỏi phải nói: khỏi chê!
Nước chấm rau là một chén mắm cơm thơm đậm, vừa đỏ au màu của ớt chín vừa đỏ au màu cá cơm muối vừa độ ăn sống, thịt cá săn với mùi hương quyến rũ. Mắm nhà làm, vừa miệng, chẳng cần pha chế, chỉ cần ít chanh, tỏi và ớt cay nữa là thôi rồi.
Tô nước canh thật to ở giữa mâm cơm trong vắt rất dễ ăn mà cách làm ra nó cũng thật đơn giản: nước rau màu xanh chắt ra từ nồi rau luộc, vắt thêm lát chanh tươi vào lập tức trong veo, ngon lành, thêm tí muối hầm, một chút bột ngọt nữa là ổn.
Nhà tôi có thói quen ăn nóng, khi mọi người quây quần hết bên mâm cơm, so đũa, đặt chén thì thức ăn mới từ bếp nhấc xuống. Mẹ tôi ngồi đầu nồi, cứ hồ hởi với đàn con của mình, những chiếc chén không cứ xìa ra lia lịa - má ơi... xới cho con trước. Nhiều năm sau tôi chợt phát hiện ra rằng, những bữa cơm như thế, má tôi thường dừng đũa, dường như chỉ còn kịp xới cơm cho con, cho chồng. Má tôi ăn sau, khi phần ngon đã hết, nhưng lúc nào nụ cười cũng rạng rỡ trên gương mặt bà.
Bữa cơm ngày nông nhàn thảnh thơi, cả nhà ai cũng vui chuyện. Con kể chuyện trường lớp, mẹ kể chuyện thời con gái, ba kể chuyện làng mình ngày xưa: say sưa, rôm rả. Và cứ thế mâm cơm vơi dần đi nhưng chẳng hề vơi sự ngon miệng cho đến khi bữa ăn kết thúc.
4.
Con út, nhất là con gái thường được ba mẹ giữ ở gần nhà. Tôi là con út, nhưng lại đi học xa. Trong mấy anh chị em, tôi đi học xa nhất nhà. Cơ hội để tạt ngang, ghé vội cũng ít hơn rất nhiều trừ hai kỳ hè, tết. Cơm hàng cháo chợ, cũng có lúc được ăn sang nhưng chẳng mấy khi cảm nhận được một bữa ăn đầm ấm.
Tôi đem nỗi nhớ nhà và nỗi nhớ mâm cơm đạm bạc ra kể với bạn. Nó kêu trời lên: “Mày đòi cao lương mĩ vị gì thì may ra tao chiều được, chứ mày đòi cơm quê kiểu này thì tao bó tay, có vàng cũng chẳng kiếm đâu ra giữa cái thành phố này. Mau mà thu xếp mà về với mẹ đi. Về nhà mẹ nấu cơm nhà cho mà ăn!”
“Ừ nhỉ!? Phải về nhà thôi” và chợt nỗi nhớ nhà cứ cồn lên trong dạ. Má ơi..!
|