Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên Toàn quốc lần thứ II:
Cuộc hội ngộ của những đoàn Tuồng “dân nuôi”
9:2', 21/11/ 2006 (GMT+7)

5 vai diễn trong vở “Thần dược” của đoàn Bình Định đã giành Huy chương Vàng tại liên hoan. Ảnh: H.T

Từ 16 đến 19-11, tại thành phố Quy Nhơn, đã diễn ra Liên hoan (LH) nghệ thuật Tuồng không chuyên Toàn quốc lần thứ II - năm 2006. Có thể coi đây là cuộc hội ngộ của các đoàn Tuồng tồn tại theo hình thức “dân nuôi”, đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

* Chất lượng cao

Tham dự LH lần này có gần 200 diễn viên, nhạc công của 8 đoàn tuồng không chuyên đến từ các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Tây, Bắc Ninh, Hà Nội. Tuy đề tài của các vở diễn tham gia LH khác nhau, phong cách mỗi đoàn mỗi vẻ, nhưng chất lượng nghệ thuật của các vở diễn đều khá ngang bằng.

Đoàn tuồng không chuyên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đem về LH vở tuồng Gương trung nữ tướng. Vở diễn mang đậm dấu ấn Tuồng quân quốc này tập trung ca ngợi hai danh tướng Tây Sơn là Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu. Tiếp thu nghệ thuật biên kịch truyền thống, tác giả kiêm đạo diễn Hữu Lập đã tạo được nhiều miếng diễn đậm đặc chất Tuồng, đặt các nhân vật anh hùng vào các tình huống khốc liệt, để họ bộc lộ tính cách. Các diễn viên có nhiều đất diễn, trình diễn khá thuần thục, kỹ lưỡng các trình thức mẫu mực của nghệ thuật Tuồng truyền thống và mang khá đậm dấu ấn nghệ thuật Hát bội phương Nam. Vở Chuyện tình thành Loa (tác giả Kính Dân, đạo diễn Lưu Ngọc Nam) của đoàn Hà Nội, lấy đề tài về cuộc tình Mỵ Châu và Trọng Thủy, nhưng đóng góp mới của vở là đã tạo được một không khí bi hùng xuyên suốt và kết thúc lạc quan.

Bên cạnh những vở tuồng cổ, điểm đáng ghi nhận của LH lần này là sự xuất hiện của những vở tuồng đi vào những đề tài hiện đại. Vở tuồng Tiếng đàn huyền diệu (tác giả Ngân Hoa, đạo diễn Đặng Bá Tài) của đoàn Bắc Ninh, khắc họa thành công số phận nghiệt ngã cũng như nỗi đớn đau không cùng của con người khi phải gánh chịu hậu quả của chất độc màu da cam. Lấy đề tài hiện đại, vở Nắng soi dòng suối Păng Pơi của đoàn Hà Tây biết phát huy có hiệu quả những nguyên tắc, trình thức đặc trưng của nghệ thuật tuồng truyền thống.

* Ấn tượng:  Bình Định

Gây ấn tượng nhất trong LH có lẽ chính là vở Thần dược của Đoàn Tuồng không chuyên Bình Định. Mang dáng vẻ một câu chuyện dân gian gọn gàng dễ hiểu, nhưng Thần dược lại đi vào một vấn đề mang tính thời sự hiện nay: nạn tham nhũng. Sự tỏa sáng của những đào kép được tuyển lựa từ các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh như: Thu Hường (vai Xuân Hương), Công Lễ (vai tri huyện), Bảo Hiến (vai phú hào) - đến từ CLB Tuồng Ánh Dương (huyện Tuy Phước); Kim Hanh (Trần Thị) - CLB Tuồng Trần Quang Diệu (TP. Quy Nhơn); Hoàng Lộc (vai quan khâm sai) - CLB Tuồng An Nhơn 1 và Văn Ngữ (thầy lang) - CLB Tuồng An Nhơn 2, khiến vở diễn trở nên hấp dẫn. Điểm đặc biệt của Thần dược chính là 6 diễn viên đều vào vai 6 nhân vật chính, có tính cách, số phận và đất diễn riêng và đã thể hiện vai diễn rất xuất sắc. Ông Nguyễn Văn Sử - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo LH, nhận xét: “Diễn xuất của các diễn viên Đoàn Tuồng không chuyên Bình Định vừa có được sự nghiêm túc, mẫu mực của nghệ thuật Tuồng thầy, vừa có được lối diễn khoa trương, ngẫu hứng của nghệ thuật Tuồng hài, nên đã tạo nên yếu tố hiện đại, mới mẻ và sức cuốn hút cho vở diễn”. Chính vì vậy, Thần dược đã đem về cho Bình Định 5 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc, góp phần khẳng định vị trí của “đất Tuồng” Bình Định tại LH.

* Sẽ trọn vẹn hơn, nếu...

LH nghệ thuật Tuồng không chuyên Toàn quốc lần thứ II đã thành công tốt đẹp, không chỉ thể hiện ở chất lượng nghệ thuật của các vở diễn và khả năng diễn xuất của diễn viên, mà còn ở sự chu đáo trong công tác tổ chức và sự ủng hộ của khán giả Bình Định trong thời gian diễn ra LH. Nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu như trong khuôn khổ LH này, diễn ra một cuộc tọa đàm giữa đại diện Bộ Văn hóa - Thông tin với các đoàn tuồng không chuyên, để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người nghệ sĩ chân đất này và từ đó, đưa ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với những đoàn nghệ thuật truyền thống xưa nay vẫn tồn tại theo hình thức “dân nuôi” này. NSƯT Hoàng Khiềm - Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương, nhận xét: “Điều đáng mừng chính là các diễn viên không chuyên vẫn giữ được trình độ cao và bảo tồn được vốn Tuồng truyền thống. Nhưng sự giảm sút số lượng các đoàn tham gia trong LH lần này (8 đoàn) với LH lần I năm 2003 tổ chức tại Khánh Hòa (13 đoàn) cho thấy, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa để hỗ trợ các đoàn không chuyên tồn tại và phát triển. Có vậy, công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống và xã hội hóa nghệ thuật mới đạt hiệu quả cao”.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định đoạt 5 Huy chương Vàng  (20/11/2006)
Cơm nhà  (19/11/2006)
Chiếu lập học và chính sách giáo dục thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Những gánh tuồng của nông dân đất Quảng  (17/11/2006)
Khai mạc Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006  (17/11/2006)
Giá của đức Chính trực  (16/11/2006)
Công tác chuẩn bị cho LH Tuồng không chuyên toàn quốc đã hoàn tất  (16/11/2006)
Buồn vui quanh ngày 20.11  (15/11/2006)
Tháp Chăm Bình Định: Từ di tích đến di sản  (15/11/2006)
Hướng tới mục tiêu đề cử hệ thống tháp Chăm Bình Định là di sản thế giới   (14/11/2006)
Tìm lại quy mô đích thực của Tử Cấm Thành  (14/11/2006)
Những sắc màu của Scarbough Fair  (13/11/2006)
Ngày nước nổi  (13/11/2006)
Khắc khoải miền nhân ảnh (*)   (10/11/2006)
Mỹ Thạnh: nơi chế tác cồng chiêng   (10/11/2006)