Quang Trung - Nguyễn Huệ, những di sản và bài học
16:33', 21/11/ 2006 (GMT+7)

Sự nghiệp của vua Quang Trung và phong trào Tây Sơn đã nổi lên cách nay hơn 200 năm, nhưng cuộc đời đầy sóng gió của ông và những vấn đề lịch sử liên quan vẫn là đề tài nghiên cứu của nhiều học giả, đặc biệt là các nhà nghiên cứu lịch sử.

Tập sách Quang Trung - Nguyễn Huệ, những di sản và bài học do Tạp chí Xưa và Nay (Hội Sử học Việt Nam) và nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn vừa phối hợp ấn hành, quý 3-2006. Xuyên suốt 345 trang sách là 38 bài viết của các nhà khoa học, học giả, nhà văn hoá trong và ngoài nước được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (từ năm 1956 đến 1960) và Tạp chí Xưa và Nay (từ 1994 đến nay) được ban biên soạn tập hợp một cách khoa học, nhằm cung cấp những tư liệu quý và đáng tin cậy về Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn, nhằm chuẩn bị cho sự kiện kỉ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa sắp đến.

Tập sách này ra đời nhằm điểm lại những di sản quý báu cùng những bài học kinh nghiệm lịch sử được rút ra qua sự nghiệp của vua Quang Trung- Nguyễn Huệ cũng như từ chính bản thân phong trào Tây Sơn. Đúng như lời trích dẫn  của TS. Nguyễn Quốc Vinh (Đại học Harvard - Hoa Kỳ) được ban biên soạn hữu ý in trang trọng ở bìa 4 cuốn sách là: “… Tuy kí ức về ông – tức vua Quang Trung- đã bị huỷ hoại và bôi nhọ trong thế kỉ XIX bởi triều Nguyễn, nhưng sang đến thế kỉ XX thì Quang Trung- Nguyễn Huệ đã trỗi dậy như một anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc để đem lại nguồn động viên và sự suy xét rất cần thiết trước các thử thách mà đất nước Việt Nam thời hiện đại phải đối mặt. Ông đã trở thành một trung tâm điểm để tham khảo và tranh cãi về các vấn đề hệ trọng vẫn luôn luôn được quan tâm trong thế kỉ 20 chẳng hạn như: thống nhất đất nước, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa anh hùng quân sự, kháng chiến chống ngoại xâm, ngoại giao và nội trị, đấu tranh giai cấp, sự nghiệp cải cách và cách mạng xã hội-kinh tế- chính trị và đức trị, công cuộc xây dựng và hiện đại hoá đất nước. Nhưng vì có khá nhiều ý kiến khác nhau về những di sản và bài học của ông trên phương diện các vấn đề hiện đại kể trên, việc khảo sát tính chất và công dụng trong lịch sử của nhân vật Nguyễn Huệ của phong trào Tây Sơn có thể soi sáng thêm không chỉ về bản thân nhân vật này như là một yếu tố và sản phẩm lịch sử, nhưng cả về những động lực lịch sử đã tương tác trong suốt quá trình lịch sử tiếp nhận của nhân vật Quang Trung- Nguyễn Huệ….”.

Tập sách đã có nhiều bài viết đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của vua Quang Trung trên nhiều phương diện nói riêng (Phác hoạ chân dung Quang Trung- Nguyễn Huệ - GS. Phan Huy Lê; Con người Nguyễn Huệ - GS. Văn Tân; Nói về Hoàng đế Quang Trung - GS. Hoàng Xuân Hãn; Nguyễn Huệ - tư tưởng yêu nước truyền thống Việt Nam - GS Trần Văn Giàu…) cũng như về phong trào Tây Sơn rộng lớn nói chung (Đánh giá cuộc cách mạng Tây Sơn và vai trò lịch sử của Nguyễn Huệ - Viện sĩ Trần Huy Liệu; Quang Trung- Nguyễn Huệ với phong trào Tây Sơn - Nguyễn Quốc Vinh; Những mặt tích cực và hạn chế của phong trào Tây Sơn - PGS Huỳnh Lứa…).

Viện sĩ Trần Huy Liệu trong bài viết nói trên cho biết:“…Không kể những sử gia bồi bút cho phong kiến nhà Nguyễn trước kia đã gọi Tây Sơn là “giặc”, ngay đến Trần Trọng Kim, tác giả quyển Việt Nam sử lược cũng đánh giá Tây Sơn: “Lấy công lí mà suy thì ông Nguyễn Huệ là một ông vua cũng đứng ngang vai với vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ mà nhà Tây Sơn cũng là một nhà chính thống như nhà đinh và Lê vậy” để rồi, với những cứ liệu và dẫn chứng thuyết phục, Trần Huy Liệu đã chứng minh ở cuối bài viết nêu trên, là: “…Cuộc cách mạng Tây Sơn đã ghi những chữ lớn trong lịch sử đấu tranh chống phong kiến và chống ngoại xâm của nhân dân ta” (trang 67).

Bằng chứng là sau cuộc cách mạng Tây Sơn, vua Càn Long (nhà Thanh) đã có những thái độ “nhún nhường”  trước nhà Nguyễn Tây Sơn (Hai bài thơ của vua Càn Long và Quang Trung- Trần Hành; Quan hệ Việt Nam với Triều Thanh sau chiến thắng Đống Đa- Trần Thái Bình; “Bình Định An Nam chiến đồ” một tư liệu quý…- Nguyễn Quốc Vinh).

Thậm chí, trong tập sách, có tác giả còn so sánh công nghiệp của vua Quang Trung với danh tướng Napoleon nữa (Quang Trung Nguyễn Huệ và Napoleon, hai nhà quân sự thiên tài- GS Văn Tân). Qua đó, chúng ta có thể khẳng định sự nghiệp hiển hách, tầm vóc lớn lao của vua Quang Trung lúc bấy giờ và ảnh hưởng đến sau này như thế nào.

Tuy nhiên, PGS Huỳnh Lứa cũng rất công bằng và thuyết phục khi nói về “Những mặt tích cực và hạn chế của phong trào Tây Sơn”. Tác giả viết về mặt tích cực: “…Sự nghiệp của phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc Nguyễn Hguệ là một khúc ca hùng tráng của bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc, một bước tiến huy hoàng của lịch sử Việt Nam”. Nhưng tác giả cũng chỉ ra ba  hạn chế của phong trào Tây Sơn: Trước hết là bản thân bộ phận lãnh đạo phong trào đã có sự rạn nứt từ bên trong ngay sau khi nền tảng của sự thống nhất đất nước đã được xác lập; thứ hai là, sau khi đánh đổ các tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn, chính quyền Tây Sơn chưa có những chính sách lớn làm thay đổi một cách căn bản và triệt để thiết chế chính trị- xã hội phong kiến; thứ ba, và quan trọng nhất là, trong quá trình của cuộc đấu tranh chống phong kiến, đã diễn ra sự thay đổi nghiêm trọng nếu không nói là thoái hoá biến chất trong hàng ngũ các lãnh tụ và tướng lĩnh của nghĩa quân Tây Sơn (trang 255-257).

Sự đánh gía về công nghiệp của vua Quang Trung và phong trào Tây Sơn như trên là công bằng và theo quan điểm lịch sử cụ thể. Điều đó chỉ càng tôn vinh thêm sự vĩ đại của phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung mà thôi.

Tập sách cũng có những bài nghiên cứu về thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ- Quang Trung thông qua những chiến thắng oanh liệt như trận Rạch Gầm- Xoài Mút, hay giải đáp những nghi vấn lịch sử về cách hành binh độc đáo của vua Quang Trung khi tiến quân ra Bắc (Những bí ẩn trên đường tiến quân của vua Quang Trung - PGS Đỗ Bang), về những văn thần võ tướng đã từng giúp rập Quang Trung ngay từ lúc mới khởi nghiệp thông qua chiến lược con người: trọng dụng người tài, trọng dụng trí thức (Nguyễn Huệ với chiến lược con người - Hoàng Phủ Ngọc Tường; Thái độ của Nguyễn Huệ đối với tri thức - PGS Trương Hữu Quýnh), đặc biệt là về người vợ yêu của Quang Trung -  Ngọc Hân công chúa (Công chúa Lê Ngọc Hân - Đỗ Đức Hùng; Vài tài liệu về Ngọc Hân công chúa và Quang Trung - Tạ Quang Phát dịch; Sự thật về Hoàng hậu Ngọc Hân - Trần Phương Hồ…).

Hình ảnh Quang Trung không những được ghi lại trong chính sử, mà còn xuất hiện ở những tác phẩm văn học nghệ thuật đương thời và sau này qua cái nhìn, tâm thức và tình cảm của dân gian và tầng lớp trí thức. Như hệ thống truyện dân gian về vua Quang Trung (Truyện dân gian về vua Quang Trung - Nguyễn Quốc Vinh sưu tầm), hội hoạ- điêu khắc (Về pho tượng Quang Trung tìm thấy ở chùa Bộc- GS Văn Tân); giai thoại về vua Quang Trung với người dân, nho sĩ ở Văn Miếu (Vua Quang Trung với Văn Miếu - Ngô Vĩnh Bình); hoặc trong câu đối của tầng lớp trí thức (Bốn câu đối khóc vua Quang Trung vừa tìm được - Vũ Ngọc Liễn); và cả trong những tác phẩm hiện đại và đương đại (Diễn ca về “vua Quang Trung”- Phan Thành Nhơn); Hoàng đế Quang Trung  và câu chuyện “Tam thái sử mộ” nước Tề - Hoàng Lại Giang; Sông Côn mùa lũ- con sông của những số phận đời thường và những số phận lịch sử- Mai Quốc Liên).

Chính bằng những tác phẩm văn học nghệ thuật này mà hình tượng vua Quang Trung- Nguyễn Huệ vừa trở nên gần gũi với tầng lớp bình dân, vừa càng tôn vinh hình tượng Quang Trung- Nguyễn Huệ vĩ đại, làm sống mãi con người và sự nghiệp của vua Quang Trung.

Những tìm tòi, nghiên cứu về Quang Trung- Nguyễn Huệ chắc chắn sẽ không bao giờ có hồi kết, và càng về sau, chúng ta lại càng có cơ hội đánh giá sâu sắc hơn. Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng bàn tán sôi nổi về tiểu thuyết “Tây Sơn bi hùng truyện” của tác giả Lê Đình Danh, càng chứng minh cho điều đó…

Do vậy, đọc và nghiền ngẫm tập sách “Quang Trung- Nguyễn Huệ, những di sản và bài học”, chắc chắn chúng ta sẽ có được câu trả lời khoa học hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Người.

  • Trần Xuân Toàn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cuộc hội ngộ của những đoàn Tuồng “dân nuôi”  (21/11/2006)
Bình Định đoạt 5 Huy chương Vàng  (20/11/2006)
Cơm nhà  (19/11/2006)
Chiếu lập học và chính sách giáo dục thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Những gánh tuồng của nông dân đất Quảng  (17/11/2006)
Khai mạc Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006  (17/11/2006)
Giá của đức Chính trực  (16/11/2006)
Công tác chuẩn bị cho LH Tuồng không chuyên toàn quốc đã hoàn tất  (16/11/2006)
Buồn vui quanh ngày 20.11  (15/11/2006)
Tháp Chăm Bình Định: Từ di tích đến di sản  (15/11/2006)
Hướng tới mục tiêu đề cử hệ thống tháp Chăm Bình Định là di sản thế giới   (14/11/2006)
Tìm lại quy mô đích thực của Tử Cấm Thành  (14/11/2006)
Những sắc màu của Scarbough Fair  (13/11/2006)
Ngày nước nổi  (13/11/2006)
Khắc khoải miền nhân ảnh (*)   (10/11/2006)