Trong hệ thống kiến trúc tháp Chăm hiện còn trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên nước ta, các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Định có giá trị đặc biệt, mang dấu ấn riêng của lịch sử và vùng đất dựng nên những kiến trúc này.
* Đa dạng về loại hình kiến trúc
|
Đến tháp Đôi, ta bắt gặp hầu như toàn bộ những gì đặc trưng cho phong cách kiến trúc Chăm Bình Định. Ảnh: Đào Tiến Đạt |
Trong gần năm thế kỷ (X đến XV), với vai trò là một trung tâm văn hóa lớn của Chăm, trên đất Bình Định, đã có nhiều công trình kiến trúc được dựng xây, nhiều tác phẩm điêu khắc được khắc tạc. Trong đó, hệ thống kiến trúc tôn giáo còn lại cho đến hiện nay. Do những biến động lịch sử cùng sự tác động của tự nhiên, nhiều kiến trúc tháp Chăm bị đổ nát, nhiều tác phẩm điêu khắc bị phân tán. Tuy nhiên, trong hơn 60 công trình kiến trúc tháp hiện còn trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên, không kể Mỹ Sơn (Quảng Nam), thì Bình Định là nơi tập trung nhiều nhất về số lượng và quy mô kiến trúc tháp. Theo thống kê, địa bàn tỉnh Bình Định hiện còn 8 cụm tháp gồm 14 kiến trúc.
Nằm chung trong tổng thể hệ thống kiến trúc tháp Chăm ở miền Trung và Tây Nguyên, được xây dựng theo mô hình kiến trúc ảnh hưởng từ kiến trúc tôn giáo Ấn Độ, nhưng các tháp Chăm được xây dựng ở Bình Định mang nét riêng đặc trưng của miền đất. Các tháp Chăm về cơ bản được tọa lạc trên vùng đồi gò cao, nằm ven các dòng sông. Vị trí này tạo nên vẻ đẹp tôn nghiêm, kỳ vĩ cho mỗi kiến trúc. Trong các địa điểm kiến trúc tháp hiện còn, cho thấy có ba loại nhóm kiến trúc khác nhau.
Nhóm kiến trúc một tháp gồm: Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm. Đây là nhóm kiến trúc có một tháp thờ trung tâm và các công trình kiến trúc khác, có thể bằng vật liệu nhẹ, nay đã không còn. Giới hạn không gian kiến trúc là hệ thống tường bao. Tháp thờ trung tâm trong lòng thờ ngẫu tượng Linga- Yoni. Tư liệu cho biết, tượng thờ trong lòng tháp Bình Lâm là bộ ngẫu tượng với Linga là trung tâm; tháp Thủ Thiện trong lòng thờ ngẫu tượng Yoni - Linga. Như vậy tháp Cánh Tiên và Phú Lốc tượng thờ bên trong có khả năng là ngẫu tượng Linga - Yoni.
Nhóm kiến trúc gồm nhiều tháp có tháp Bánh Ít, với bốn kiến trúc hiện còn, cùng dấu tích nhiều kiến trúc bị sụp đổ. Đây là nhóm kiến trúc được xây dựng khá hoàn chỉnh, bên ngoài có tường bao xây bằng gạch, chính hướng Đông có tháp cổng. Tháp trung tâm được xây dựng ở vị trí cao nhất, quy mô lớn nhất, trang trí khắc tạc đẹp nhất. Bên cạnh đó là các kiến trúc phụ trợ như kiến trúc hình mái nhà uốn cong thờ thần lửa Agnhi; tháp bia... Tháp trung tâm thờ ngẫu tượng Linga - Yoni đúc bằng đồng, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Guymes - Pháp.
Nhóm kiến trúc gồm ba tháp xây thẳng hàng có Dương Long và tháp Đôi gồm ba tháp là trung tâm của nhóm kiến trúc, xung quanh là các công trình kiến trúc khác nay đã bị sụp đổ. Mỗi tháp được sử dụng thờ một vị thần khác nhau: tháp Bắc thờ thần Brahma, tháp Giữa thờ Shiva - biểu tượng là ngẫu tượng Linga - Yoni và tháp Nam thờ thần Vishnu.
Ba loại hình nhóm kiến trúc này cho thấy các nhóm tháp ở Bình Định có đủ mặt mọi loại hình trong các nhóm kiến trúc tháp Chăm hiện còn.
* Và những giá trị văn hóa độc đáo
Nếu các tháp có niên đại sớm như tháp Bình Lâm (cuối thế kỷ XI), Bánh Ít (đầu thế kỷ XII), chất liệu gạch giữ vai trò chủ đạo; thì những kiến trúc muộn hơn như Phú Lốc, Cánh Tiên, Thủ Thiện (thế kỷ XIII-XIV) vật liệu đá được sử dụng nhiều hơn. Đặc biệt, hai nhóm tháp Đôi và Dương Long, do ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc tháp Khmer, vật liệu đá giữ vai trò quan trọng trong nhiều thành phần kiến trúc. Các tháp Chăm ở Bình Định hầu hết có quy mô lớn, tháp trung tâm thường cao từ 20m đến 30m, riêng tháp trung tâm của nhóm Dương Long cao trên 40m, được coi là kiến trúc gạch cao nhất Đông Nam Á. Kỹ thuật xây dựng đạt đến trình độ cao, hoàn mỹ của kỹ thuật xây dựng tháp Chăm. Đặc biệt, các tháp ở Bình Định xuất trình một kỹ thuật xây dựng mới, là sự kết hợp tài tình giữa chất liệu gạch và đá một cách hài hòa, điêu luyện, mà không một công trình kiến trúc tháp Chăm nào có được. Ngoài quy mô to lớn, tháp Chăm Bình Định còn được khắc tạc trang trí đẹp, giàu tính thẩm mỹ. Mỗi công trình kiến trúc được thể hiện như một công trình mỹ thuật.
|
Tháp Bình Lâm mang một âm hưởng hài hòa mà ta khó có thể thấy được ở những tháp Chăm hiện còn. Ảnh: Đào Tiến Đạt |
Do ảnh hưởng của các nền văn hóa bên ngoài, đặc biệt là kiến trúc Khmer vào thế kỷ XII-XIII, một số kiến trúc có những bộ phận, họa tiết trang trí ảnh hưởng từ nền văn minh Angkor. Nếu tháp Bình Lâm là một kiến trúc thần khiết theo truyền thống Chăm, thì tháp Bánh Ít bên cạnh kiến trúc Chăm là những hoạt tiết khối kiến trúc Khmer phối hợp, với hình quả bầu kết dải trên bộ mái tháp. Đặc biệt, tháp Đôi với bình đồ kiến trúc, phần thân, hệ thống cửa thuộc kiến trúc Chăm truyền thống, nhưng mái tháp hình khối hộp nhiều tầng thuộc về kiến trúc Prasat (Khmer).
Thể hiện thành công nhất sự kết hợp giữa kiến trúc tháp Chăm với kiến trúc Prasat (Khmer) là tháp Dương Long. Bình đồ kiến trúc đế tháp hình vuông theo kiến trúc Chăm, thân tháp bình đồ đa cạnh theo kiến trúc Prasat Khmer, mái tháp thu tròn nhiều tầng thu nhỏ dần lên theo bộ mái kiến trúc Khmer. Cửa giả khung đá, độ nhô ít, theo truyền thống kiến trúc Khmer. Các họa tiết trang trí trên tháp cũng cho thấy sự kết hợp hài hòa trong điêu khắc trang trí ở kiến trúc này. Có thể nói, đây là sự kết hợp hài hòa về kiến trúc và điêu khắc của hai nền văn hóa trên công trình kiến trúc này, trong đó văn hóa Chăm chiếm vị trí nổi trội.
Cùng với văn hóa Khmer, văn hóa Việt cũng có sự hội nhập vào nền văn hóa này, kiến trúc nhà mái cong trên tháp Bánh Ít tương tự như mái nhà cong truyền thống trong kiến trúc người Việt, con rồng thời Lý với đầu thon nhỏ, thân uốn lượn có mặt trong trang trí tháp Đôi, hay những họa tiết trang trí cánh sen kết dải mũi uốn cong thời Trần hội nhập vào họa tiết cánh sen Chăm, làm cho họa tiết này thêm phần sống động, khỏe khoắn.
Như vậy, có thể nhận thấy những giá trị văn hóa nổi bật của các kiến trúc tháp Chăm Bình Định trên một số lĩnh vực. Trước hết, những kiến trúc tháp Chăm ở Bình Định là những kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm trong một giai đoạn lịch sử (thế kỷ XI-XV). Những kiến trúc này ngoài việc mang đậm bản sắc văn hóa của tộc người Chăm, đã phản ánh sinh động, cụ thể những ảnh hưởng của văn hóa các tộc người xung quanh. Đó chính là giá trị văn hóa của các tháp Chăm ở Bình Định cần được nghiên cứu và bảo vệ.
|