Trên vùng đất Bình Định nay, những di chỉ văn hóa Champa phân bố với mật độ dày đặc. Trong đó, có hai hiện tượng văn hóa Champa cần quan tâm đặc biệt và đáng dự phần ưu tiên. Một là, tháp Chăm. Bình Định hiện nay còn được 13 ngôi tháp Chăm, trong số đó có 10 ngôi tháp còn khá nguyên vẹn. Nhiều ngôi tháp được các nhà khảo cổ học trong nước và ngoài nước đánh giá cao. Tháp Chăm Bình Định không tập trung vài nơi như ở Quảng Nam mà nằm rải rác và đã trở thành một thành phần quan trọng trong không gian bảo tàng thiên nhiên của vùng văn hóa sông Côn. Đây còn là kho báu đang tàng trữ vô vàn kiến thức, tri thức nghệ thuật học, khảo cổ học, dân tộc học và lịch sử học.
Hai là nhạc Lâm Ấp và hát Bội Bình Định. Những cứ liệu nghiên cứu phát hiện trong những năm gần đây cho phép tôi nói rằng: hát Bội Bình Định là kết tinh của sự dung hợp giữa văn hóa Việt và văn hóa Champa (cố nhiên, ảnh hưởng về phương pháp biểu hiện nghệ thuật của văn hóa Trung Hoa cũng khá sâu đậm). Tài liệu về 8 loại (hoặc điệu thức) của nhạc Lâm Ấp xưa hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học Osaka (Nhật Bản), gọi là Lâm Ấp bát nhạc. Trong số 8 loại này, loại thứ năm, âm Hán Việt đọc là “bội lô”, âm tiếng Nhật đọc là “bai ro”, âm Bắc Kinh đọc là “bèi lú”, âm gốc tiếng Chăm đọc là “pam rơ” là thuộc loại nghệ thuật hát múa - một trong 8 điệu nhạc Lâm Ấp xưa, chứ không như từ tiếng “pam rơ” tiếng Chăm dùng ngày nay với nghĩa hát xướng nói chung. Nếu tôi không lầm thì tên gọi kịch chủng hát Bội Bình Định có nguồn gốc sâu xa từ hình thái nhạc “bội lô” này.
Mới chỉ xới lên hai hiện tượng văn hóa Champa trên đất Bình Định mà đã tưởng như vào một khu rừng hoang; xới hết kho tàng văn hóa Champa tại đây, thì không biết sẽ phải bỏ ra bao nhiêu công sức. Do vậy, tôi đề nghị, Bình Định nên biết thừa hưởng các thành tựu nghiên cứu của các nhà khảo cổ học từ trước đến nay mà dồn sức tập hợp tài liệu, thực hiện một công trình biên khảo về tháp Chăm; giới thiệu hình ảnh, niên đại, lai lịch và nét đẹp độc đáo của từng ngôi tháp, nhằm truyền bá cho du khách bốn phương bằng mọi hình thức, mọi phương tiện và mọi điều kiện. Hãy biến vùng đất có tháp Chăm như Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn thành một bảo tàng thiên nhiên sống động. Làm công việc này, là Bình Định đi sau so với Quảng Nam, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Nhưng đi sau mà muốn vượt lên trước, thì phải cậy vào sức của mình, tức là vốn liếng tháp phong phú, để chọn cách đi thần tốc. Điều này có nghĩa là Bình Định phải tiến hành quy hoạch tổng thể; đặc biệt, hình thành một không gian bảo tàng thiên nhiên, một công trình văn hóa với phương thức gắn kết giữa thưởng thức vẻ đẹp của phong cách tháp Chàm Bình Định với văn hóa Champa trên đất Bình Định, như gắn kết với rượu Bàu Đá chẳng hạn... Bình Định cũng nên sớm xây dựng một Bảo tàng Champa, mới mong bảo vệ các di sản quý giá đang nằm rải rác khắp nơi trong tỉnh.
|