Những người “giữ lửa” cho Tuồng
9:52', 28/11/ 2006 (GMT+7)

Liên hoan (LH) nghệ thuật Tuồng không chuyên Toàn quốc lần thứ II vừa được tổ chức tại TP. Quy Nhơn thực sự là cuộc hội ngộ của những người “giữ lửa” của nghệ thuật truyền thống. Họ đã đến với nghệ thuật truyền thống bằng niềm đam mê…

 

Diễn xuất của các diễn viên trẻ trong vở “Mỵ Châu - Trọng Thủy” đã đem lại thành công cho Đoàn tuồng không chuyên Đà Nẵng. Ảnh: Hoài Thu

 

* Đổ mồ hôi nuôi nghệ thuật

Năm 1991, vợ chồng anh Nguyễn Công Khánh (quê An Nhơn) và chị Huỳnh Thị Hạnh (quê Tuy Phước) đã quyết định thành lập Đoàn Tuồng không chuyên Tiến Thành, với những diễn viên là người quê gốc Bình Định, đang sinh sống làm ăn tại huyện KrôngPăc (Đắc Lắc). Trải qua bao thăng trầm, đến nay, Đoàn Tuồng Tiến Thành đã đi vào hoạt động ổn định với 18 diễn viên, nhạc công và là đoàn tuồng duy nhất ở Đắc Lắc. Địa bàn hoạt động của đoàn chủ yếu ở các tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Mỗi năm, đoàn lưu diễn khoảng 6 tháng; còn lại, những diễn viên chân đất này trở về với ruộng vườn, nương rẫy. Cuộc sống của vợ chồng Trưởng đoàn cũng không khá hơn. Anh Khánh ngoài đi diễn còn phải liên hệ tìm điểm diễn, nguồn thu của gia đình chỉ trông chờ vào gánh bún bán rong của chị Hạnh. Để có kinh phí tham dự LH nghệ thuật Tuồng không chuyên Toàn quốc lần thứ II, vợ chồng anh Khánh đã phải bán hai chỉ vàng dành dụm để lấy tiền lo việc ăn, ở cho anh em trong đoàn. Anh Khánh tâm sự: “Cha tôi, một nghệ sĩ nghiệp dư, nhưng mê Tuồng và đã mất ngay trên sàn diễn. Từ đó, với tôi, Tuồng đã không chỉ còn là niềm đam mê, mà còn là niềm tâm cảm trân trọng đối với sự cống hiến vì nghệ thuật của cha mình”.

Đoàn Tuồng không chuyên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự LH với dàn diễn viên được tuyển lựa từ CLB Tuồng cổ của địa phương, gồm 27 diễn viên và nhạc công, tuổi trung bình trên dưới 30. Anh Trương Công Lý - Phó Giám đốc Trung Tâm Văn hóa - Thông tin Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Mỗi năm, ngoài các suất diễn kết hợp với Đội Thông tin lưu động, CLB còn diễn thêm khoảng 40 suất, chủ yếu là vào những dịp lễ ở các đình, miếu, theo yêu cầu bà con”. Vừa đi hát, các diễn viên, nhạc công phải làm thêm đủ nghề kiếm sống: thợ hồ, xe ôm, nhạc công đám ma… Nghệ sĩ Minh Sen - Chủ nhiệm CLB, tâm sự: “Đời sống tuy khó khăn, nhưng mỗi lần đi diễn, anh em đều hăng hái, gác hết công việc nhà để lên đường”.

* Trao truyền niềm đam mê

Là một địa phương có phong trào Tuồng phát triển mạnh ở miền Bắc, hiện tại, Bắc Ninh có tới gần 10 đoàn Tuồng không chuyên đang hoạt động. Nổi tiếng nhất trong các làng Tuồng ở Bắc Ninh là làng Tuồng Đồng Kị (xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn). Đây là làng Tuồng duy nhất trong tỉnh đến 2 đoàn Tuồng không chuyên đang hoạt động. Điểm độc đáo nhất của làng Tuồng này là cách đào tạo lớp kế thừa. Làng quy định: diễn viên của làng khi nghỉ hát, con cháu trong nhà nhất quyết phải có một người kế nghiệp. Không hát được thì làm hậu cần trong đoàn.

CLB Tuồng cổ Bà Rịa - Vũng Tàu cũng rất có ý thức giữ gìn nghiệp tổ bằng cách đào tạo nghề theo kiểu cha truyền con nối. Gần một nửa diễn viên trong đoàn có con cháu cùng tham gia biểu diễn trong đợt LH này. Trong đó, nghệ sĩ Minh Sen và con gái Hồng Hạnh giành được hai Huy chương Vàng cho đoàn. Còn gia đình anh Nguyễn Công Khánh (Đắc Lắc) thì được trao giải “Gia đình giữ gìn nghệ thuật truyền thống” với 3 Huy chương Vàng cho hai vợ chồng anh và cậu con trai. Anh Khánh tâm sự: “Thật vui mừng vì tình yêu nghệ thuật cha tôi truyền cho tôi, nay lại được các con tôi cảm nhận. Hai cháu đều quyết tâm nối nghiệp bố mẹ”. Thành công của các gia đình nghệ thuật tại LH đã khẳng định hiệu quả của cách truyền nghề cha truyền con nối. 

* Còn lại: những nỗi niềm

Làm thế nào để tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động của các đoàn Tuồng không chuyên - đây vẫn là trăn trở lớn của những người trót đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Anh Nguyễn Xuân Tú (Đoàn Tuồng không chuyên Bắc Ninh) nhận xét: “Thực chất, các đoàn Tuồng không chuyên đã thực hiện xã hội hóa nghệ thuật từ rất lâu, nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được sự quan tâm nhiều của Nhà nước, nhất là trong việc hỗ trợ đào tạo lớp diễn viên kế cận vốn đang ngày càng thiếu hụt”. Tại buổi tổng kết LH, ông Nguyễn Văn Sử - Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đề xuất: “Thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thông tin cần có dự án bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng không chuyên. Đồng thời, giao trách nhiệm cho các đoàn chuyên nghiệp cử nghệ sĩ giỏi xuống bồi dưỡng thêm cho các diễn viên trẻ của các đoàn Tuồng không chuyên trên địa bàn”. Nghe đến đây, các đoàn Tuồng không chuyên chưa kịp mừng, thì ông Sử lại thừa nhận: “Đây chỉ là mơ ước của riêng tôi”. Nghe mà chạnh lòng thay…

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mấy đề xuất nhằm phát huy giá trị tháp Chăm Bình Định  (28/11/2006)
Chuyện cũ đêm mưa  (27/11/2006)
Giá trị văn hóa của các tháp Chăm Bình Định  (24/11/2006)
“FAHASA Quy Nhơn là một nhà sách hiện đại và đầy đủ sách nhất khu vực miền Trung”  (23/11/2006)
Quang Trung - Nguyễn Huệ, những di sản và bài học  (21/11/2006)
Cuộc hội ngộ của những đoàn Tuồng “dân nuôi”  (21/11/2006)
Bình Định đoạt 5 Huy chương Vàng  (20/11/2006)
Cơm nhà  (19/11/2006)
Chiếu lập học và chính sách giáo dục thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Những gánh tuồng của nông dân đất Quảng  (17/11/2006)
Khai mạc Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006  (17/11/2006)
Giá của đức Chính trực  (16/11/2006)
Công tác chuẩn bị cho LH Tuồng không chuyên toàn quốc đã hoàn tất  (16/11/2006)
Buồn vui quanh ngày 20.11  (15/11/2006)
Tháp Chăm Bình Định: Từ di tích đến di sản  (15/11/2006)