Bình Định là một trong những địa phương có số lượng di tích được xếp hạng tương đối nhiều so với một số tỉnh khác ở Nam Trung bộ. Riêng với các di tích Chăm, Bình Định có đủ các loại hình như tháp, thành, phế tích tháp và những tác phẩm điêu khắc có giá trị. Đáng chú ý là hệ thống tháp với 8 cụm, 14 ngọn tháp, có khung niên đại từ thế kỷ XII đến cuối thế kỷ XIII, phong cách kiến trúc hoành tráng, cao to bề thế.
|
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các tháp Chăm cũng phải đảm bảo kỹ - mỹ thuật thì mới có thể điểm tô thêm cho vẻ đẹp của di tích. Trong ảnh: Tháp Bánh Ít đang được đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Ảnh: Hoài Thu
|
Trải qua hàng ngàn năm ở ngoài trời, khí hậu ẩm, nóng của miền nhiệt đới đã gây tác hại rất nhiều đến các ngọn tháp này. Đó là chưa kể đến sự phá hoại của chiến tranh và sự vô thức của con người. Trong những năm qua, dù Bộ Văn hóa - Thông tin và UBND tỉnh đã đầu tư hàng chục tỉ đồng, nhưng chúng ta chỉ mới trùng tu được tháp Đôi, tháp Bánh Ít và đang trùng tu cụm tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên. Nói vậy để chúng ta thấy rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm thì mới bảo vệ và phát huy tốt các giá trị của hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định. Trong đó, việc xây dựng hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện để trình UNESCO xem xét, xếp hạng Di sản Văn hóa thế giới là rất cần thiết. Làm điều này, tức là chúng ta giới thiệu một phần quan trọng trong di sản văn hóa Bình Định cho nhân loại biết đến. Đồng thời, được xếp hạng Di sản Văn hóa thế giới là cơ hội “vàng” của du lịch Bình Định. Một khi du khách nhiều nơi trên thế giới về Bình Định để chiêm ngưỡng cổ tháp, cũng chính là cơ hội, là điều kiện thuận lợi để Bình Định giới thiệu về quê hương, đất nước và con người Bình Định cho du khách. Riêng trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, đây là cơ hội để chúng ta học hỏi các đồng nghiệp, các nhà khoa học trong việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di sản cho công chúng; là cơ hội để hợp tác quốc tế và tranh thủ nguồn vốn của tổ chức UNESCO và các nước yêu chuộng di sản văn hóa cổ.
Song, để làm được việc đó, chúng ta phải nỗ lực hết mình trên nhiều lĩnh vực. Trước hết, để có điều kiện và đạt các tiêu chí của một Di sản Văn hóa thế giới, chúng ta cần tập trung quy hoạch tổng thể và đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích tháp Chăm Bình Định vừa đạt về kỹ - mỹ thuật, vừa giữ được tính nguyên gốc của di tích theo đúng quy định của quốc tế trên lĩnh vực này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về hệ thống tháp Chăm Bình Định trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương. Tuyên truyền tốt cũng là góp phần bảo vệ di tích, ngăn chặn sự xâm hại của con người đến di tích, phục vụ tốt hơn cho khách đến tham quan và nghiên cứu về di tích. Tỉnh cũng nên mạnh dạn đầu tư kinh phí để phối hợp với các cơ quan chuyên môn và tổ chức khoa học ở Trung ương, tổ chức các hội thảo khoa học chuyên đề về các tháp Chăm ở Bình Định.
|