Giữa quê hương nhớ quê hương
15:1', 1/12/ 2006 (GMT+7)

* Tùy bút của Lê Hoài Lương

Tôi buộc lòng mượn một câu thơ của Lê Ân để làm cái tít cho bài viết này, sau một ngày đi thực tế với anh em văn nghệ về thăm Công ty Bimal - một doanh nghiệp khai thác titan ở Đề Gi (Phù Cát). Cứ nghĩ, có gì lạ đâu vùng đất đã từng đến nhiều lần, lạ gì đâu chất “vàng đen” đãi cát lấy tiền và cái cơ sở đã hoạt động cả chục năm qua ở Bình Định. Những ý nghĩ không mấy mặn mà trên đã tách tôi ra khỏi cuộc vui đàn hát của mấy nhạc sĩ, những mẩu chuyện tầm phào trên xe, mà tận hưởng gió đồng khu Đông. Khu Đông của thời chiến tranh khốc liệt chín áo một quần, đi dễ khó về… đang đổi thay. Gạo trắng nước trong thì cũng cứ long đong dài trong cuộc tìm kiếm cách làm ăn phù hợp để nhanh chóng thoát nghèo. Dẫu sao thì trước mắt đang là một khu Đông yên bình, đang chắt chiu từng lợi thế và mơ ước.

Trời không có nắng. Những cánh đồng đã thu hoạch xong rộng rênh, lãng đãng khói sương. Núi Bà huyền thoại đã trùng điệp ngay trước mặt. Chợt cuối tầm nhìn phía xa, núi Mò O hiện lên trên đồng bãi, làng mạc cân đối thiêng nghiêm. Chỉ ở góc nhìn này, ngọn núi thiêng mới vun đều hình chóp như Phú Sĩ sơn của Nhật. Chỉ ở góc nhìn dọc theo Bô Chinh đại sơn (tên cổ của núi Bà) này, mới hiểu vì sao ngọn núi độc lập giữa đồng, không thật cao lớn, lại trở thành lựa chọn tâm linh của những người xưa vốn giỏi nghề sông biển và thủy binh.

 

Đường về Cát Hải. Ảnh: Văn Lưu

 

Gặp tỉnh lộ 639 mượt mà giữa núi và một vùng biển đẹp trải dài bảy, tám cây số, đã được quy hoạch trọng điểm du lịch. Nhìn doi cát giờ vi vút rừng dương nối dãy Triều Châu, lại nghĩ: chính cái biến động thiên nhiên hai trăm năm khiến cửa Cách Thử bị lấp, đã khiến đầm Thị Nại thành vũng kín gió cho tàu thuyền neo đậu an toàn. Và rồi Quy Nhơn thành một hải cảng quan trọng bây giờ, còn vùng biển du lịch trước mặt không tiếp xúc với các cửa sông, nên quanh năm nước trong xanh. Mà cát thì trắng lóa, sạch tinh. Cầu Thị Nại đã vượt đầm, vùng Nha Phiên Hải Tấn tấp nập ghe thuyền buôn bán xưa chắc chắn sẽ được đánh thức trong một tương lai không xa. Nhưng trước mắt, con đường nhựa phẳng lì duyên dáng này đang là sở hữu của những... đàn bò. Liên tục những đàn bò đủng đỉnh tự tin trên lộ, mặc cho anh tài xế luôn tay nhấn còi. Tất nhiên, bò cũng chẳng thích gì đường lộ, nhưng tôi thích chúng, thích cái mùi nồng nồng phân bò và cái vẻ bình yên của chúng. Không hiểu sao, tôi lại nghĩ rằng, đây là những đại diện êm đềm nhất của ngàn năm cam phận trước những chuyển động tất yếu sắp tới hướng về những đổi thay có tính thời đại.

Qua đèo Vĩnh Hội, nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên chỉ cho mọi người nhìn đá vọng phu và khẳng định Quách Tấn nhầm khi viết trong Nước non Bình Định là đá vọng phu ở Chánh Oai. Chắc là vậy. Cũng như trong cuốn sách rất giá trị này, Quách Tấn không có điều kiện khảo sát và ông viết rằng trên đỉnh Hòn Chuông “đứng ở cầu đá Quy Nhơn nhìn ra, thì trong mây khói lờ mờ, có thể lầm là một ngọn cổ tháp xây trên đỉnh núi”. Ông lầm khi nói “có thể lầm” vì trên đỉnh núi lớn nhất dãy Bô Chinh đại sơn quả có ngôi cổ tháp thật. Tháp cổ Bà Chằng đứng trên hòn đá lớn đã đổ phần ngọn, nhưng một phần mình tháp vẫn còn và đây là cổ tháp lợp ngói trên mái. Vài nhầm lẫn là điều dễ hiểu khi ông viết cuốn sách trong điều kiện “vốn được đọc, được nghe nhiều hơn được thấy”. Thêm yêu ông ở sự chân thành khiêm tốn và tình yêu quê hương trong “Lời thưa” đầu sách.

Đầm Đạm Thủy đã ngay trước mặt và cũng đã nghe rất gần sóng Đề Gi. Nhớ nữ sĩ Mộng Tuyết. Tò mò không hiểu nhờ đâu mà từ Hà Tiên xa lắc, thời Thơ Mới, bà đã viết “Đề Gi có núi Lang sơn/ Có đầm Đạm Thủy nước rờn rờn xanh…”. Câu thơ không phải đặc sắc gì khi mô tả cảnh non thanh thủy tú. Nó chỉ làm kẻ đậm chất bản địa tôi một chút tự hào về quê hương mình. Đã từng được ăn gỏi cá cơm trỏng tuyệt ngon vùng nước này, tôi nghĩ thật tiếc nếu lúc ấy nữ sĩ không được cư dân địa phương đãi một bữa gỏi, dân dã mà sang trọng. Từ lâu tôi tin rằng, những món ăn đặc sản can dự vào cảm nhận giá trị một vùng miền.

Bimal dựng nhà xưởng tại Đề Gi. Từ đây vào mỏ phải đi bằng xe tải. Trưởng phòng Kế toán Vật tư Nguyễn Xuân Soát xin lỗi vì đã biến anh em văn nghệ sĩ thành “vật liệu thô”. Ai đó bảo không sao, văn nghệ thì càng vất vả viết càng tốt. Lại một kiểu thắng lợi tinh thần trong tình hình bất khả kháng! Lịch kịch lộc rộc đầy bụi cát trên đoạn đá chẻ lót tạm tới mỏ dọc theo bãi cát ngược về Cát Thành. Nghe nói, mỏ titan dài 8km rộng 0,5km này có trữ lượng khá lớn. Và tôi đã chú ý, đã thực sự yên tâm khi nhìn thấy những vạt dương liễu hai bên đường. Những cây dương non vài ba tuổi đang gắng gỏi xanh, đang chắt lòng xanh trên nền cát trắng. Những cây cao mới chừng bảy tám tấc mà đã có đến hơn hai chục cành nhánh. Lá xanh ngăn ngắt mà ngắn củn. Những cây dương trên cát bỏng khắc nghiệt kiên cường xanh như những cây tùng cảnh. Lại nghe nói những vạt xanh trên là của xí nghiệp trồng hàng năm để trả lại môi trường cho vùng khai thác. Từng nghe đâu đó thông tin rằng khai thác titan, ngoài cái lợi cụ thể về ngân sách, lương công nhân cao, đã để lại hậu quả về môi trường. Thực ra, với công suất hàng năm 30.000 tấn, doanh nghiệp này moi ruột cát không ít, nhưng việc trả lại màu xanh cho những đồi cát bỏng như những người khai thác đang làm là cần ghi nhận. Chuyện làm ăn không ít nơi ít việc lợi bất cập hại, nhưng cứ chăm chắm nhìn một chiều sẽ không công bằng.

Hai giàn máy tách thô cần mẫn lựa lọc như là nét nhấn kỳ cục trên trập trùng đồi cát. Nhiều người bấm máy, ghi chép. Thiên nhiên thật kỳ công trộn lẫn những hạt kim loại đen ánh li ti trong cát mịn. Và con người cũng kiên trì không kém, gạn chất “vàng đen” rồi trả lại những đồi cát mới, sạch tinh. Về nhà máy xem dây chuyền lọc tinh, lại ngạc nhiên vì sản phẩm titan có nhiều loại, nhiều màu. Các mặt hàng cần thiết cho kỹ thuật xi mạ, que hàn, chế tạo máy bay… này rồi được bán sang Nhật, Mã-Lai, Trung Quốc… Thêm một hiểu biết mà từ lâu cứ ngỡ biết rồi. Đúng là cũng li ti như cái chất cứ ngỡ một màu đen ánh kia. Li ti quặng cuộc sống cho lộ trình sáng tác mỗi một người.

Bữa ăn trưa ấm tình mà đầu bếp lên chào là nam giới. Lại nhớ lúc sáng ở mỏ, một người buột miệng “hồi sáng giờ không thấy bóng phụ nữ”. Ừ nhỉ, nhạy cảm của anh em văn nghệ nam đã phát hiện điều đơn giản này: khai thác titan quả là một việc làm thực sự nặng nhọc. Trong rất nhiều ghi nhận tưởng thưởng cho công việc này, tôi chỉ có thể kể ra đây Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 1999, Cờ thi đua Chính phủ 1999, Huân chương Lao động hạng 3, 2003, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ, 2005… Tưởng cũng quá đủ để khẳng định những đóng góp của một cơ sở sản xuất. Cho cuộc sống. Và sự phát triển hôm nay.

  • L.H.L
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần sớm đề nghị xếp hạng tháp Chăm Bình Định là Di sản Văn hóa thế giới  (01/12/2006)
Khai mạc Trại sáng tác âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định  (01/12/2006)
Những người “giữ lửa” cho Tuồng  (28/11/2006)
Mấy đề xuất nhằm phát huy giá trị tháp Chăm Bình Định  (28/11/2006)
Chuyện cũ đêm mưa  (27/11/2006)
Giá trị văn hóa của các tháp Chăm Bình Định  (24/11/2006)
“FAHASA Quy Nhơn là một nhà sách hiện đại và đầy đủ sách nhất khu vực miền Trung”  (23/11/2006)
Quang Trung - Nguyễn Huệ, những di sản và bài học  (21/11/2006)
Cuộc hội ngộ của những đoàn Tuồng “dân nuôi”  (21/11/2006)
Bình Định đoạt 5 Huy chương Vàng  (20/11/2006)
Cơm nhà  (19/11/2006)
Chiếu lập học và chính sách giáo dục thời Tây Sơn  (17/11/2006)
Những gánh tuồng của nông dân đất Quảng  (17/11/2006)
Khai mạc Liên hoan nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ II-2006  (17/11/2006)
Giá của đức Chính trực  (16/11/2006)