Vừa qua, ông Nguyễn Xuân Dương - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã kiểm tra việc trùng tu, tôn tạo các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh. Tại các điểm kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy đã có những ý kiến chỉ đạo rất cụ thể đối với công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các tháp Chăm…
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương (đứng thứ 3 từ phải qua) kiểm tra việc trùng tu tháp Cánh Tiên. Ảnh: Hoài Thu
|
* Trùng tu, tôn tạo: còn nhiều bất cập
Tháp Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) là một trong những tháp Chăm có niên đại sớm nhất và kiến trúc vào loại đẹp nhất của tháp Chăm Bình Định. Tuy vậy, để vào tháp hiện chỉ còn lối đi duy nhất là một đường đất nhỏ từ mặt Bắc của tháp vòng ra cửa chính phía Đông và cũng chỉ xe máy mới đi vào được. Mặt phía Đông của tháp bị án ngữ bởi khu vườn của một hộ dân nên trước cửa chính chỉ còn một khoảng đất nhỏ rất hẹp. Ở cửa giả phía Tây, nơi đặt bia công nhận di tích, cũng bị chặn bởi một ngôi nhà và xung quanh chất đầy rơm rạ, muốn vào nhìn tấm bia di tích cũng khó, chứ chưa nói đến việc muốn ngắm toàn bộ kiến trúc tháp. Không những thế, các hộ dân xung quanh còn thường xuyên tận dụng lòng tháp làm kho chứa rơm rạ.
Tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) là một trong hai điểm thường được du khách chọn tham quan khi đến Bình Định (điểm còn lại là Bảo tàng Quang Trung). Mới đây, Sở Du lịch Bình Định đã triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại đây. Dự án có tổng mức đầu tư dự toán trên 2 tỉ đồng. Đây cũng là cụm tháp Chăm đầu tiên mà ngành du lịch Bình Định tham gia làm chủ đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng. Các hạng mục trong dự án đang thi công gồm: xây dựng tường rào, cổng ngõ, sân cổng, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, bãi đậu xe, đường lên tháp, mái taluy chắn đất... Tuy nhiên, đến với tháp Bánh Ít lúc này, ta sẽ thấy một con đường đất mới được mở dài đến vài trăm mét, không phải là đường dẫn lên tháp mà chỉ để đi vòng quanh đồi... ngắm cảnh. Điều đáng nói là khi làm taluy chắn đất, đơn vị thi công đã sử dụng vật liệu đá, nên taluy chắn đất tạo thành một “dải trắng” quanh đồi. KTS. Đào Quý Tiêu - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, nhận xét: “Sử dụng vật liệu đá để xây dựng ở đây, không những không hài hòa về mặt mỹ thuật, mà còn tạo nên màu sắc rất phản cảm. Bởi màu xanh cây cối trên đồi vốn làm nền rất tốt cho màu gạch của tháp Chăm, nay lại bị chen vào bởi một dải đá tương phản hoàn toàn với không gian chung của di tích”.
Trong công tác trùng tu tôn tạo các tháp Chăm, việc phục dựng lại các phù điêu và hoa văn trang trí tháp vẫn chưa mang tính khoa học cao. Do vậy, các chi tiết sau khi phục dựng thường không đảm bảo được tính chân thực so với nguyên gốc. Một ví dụ, khi đến kiểm tra công trình trùng tu tháp Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) do Công ty Xây dựng - Phát triển Đô thị Bình Định thi công, đúng vào lúc những người thợ đang tạo tác lại các phiến đá hình đuôi phụng. Nhưng khi đem so sánh hoa văn trên các phiến đá mới tạo tác lại này với hoa văn gốc thì hoàn toàn khác nhau. Nếu các chi tiết xoắn ốc trên phiến đá gốc theo chiều kim đồng hồ thì ở phiến đá mới tạo tác lại ngược chiều kim đồng hồ. Có rất nhiều phiến đá đuôi phụng như thế đã làm xong, chỉ còn chờ được đem gắn trên tháp.
* Chung sức phát huy giá trị tháp Chăm
Tại các điểm đến kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương đã có ý kiến chỉ đạo trong công tác trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị các tháp Chăm. Cụ thể, đối với tháp Bình Lâm, ngay trong năm 2007, các cơ quan chức năng phải lập kế hoạch cụ thể để đền bù, giải tỏa và di dời một số hộ dân xung quanh khu vực di tích. Từ đó, mở rộng con đường dẫn vào tháp và tôn tạo cảnh quan xung quanh tháp. Đối với tháp Bánh Ít, các hạng mục đã và đang thi công như con đường đi vòng quanh tháp, mái taluy chắn đất… là không hợp lý và tốn kém. Do vậy, bên cạnh việc điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể, Sở Du lịch và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh phải phối hợp chặt chẽ hơn trong việc trùng tu và tôn tạo. Đối với tháp Cánh Tiên, việc chế tạo lại các chi tiết trang trí trên tháp cần phải chú ý hơn đến việc chọn nguyên vật liệu và thợ chế tác, đảm bảo tính chính xác và chân thực cho từng chi tiết. Với tháp Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn), vừa kết thúc đợt khai quật khảo cổ học quanh chân tháp và đang tiến hành trùng tu tôn tạo, các cơ quan chức năng phải tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo và kinh phí của Bộ Văn hóa - Thông tin, để khai quật thêm khu vực xung quanh tháp. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phải lập quy hoạch để giải tỏa thêm một số hộ dân trước mặt tháp, tạo cảnh quan và bề mặt thông thoáng cho ngọn tháp này.
Bên cạnh việc trùng tu tôn tạo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh: “Để khai thác có hiệu quả hệ thống các di tích tháp Chăm phục vụ cho du lịch, thời gian tới, phải bố trí một số nhân lực trong biên chế sự nghiệp, có trình độ văn hóa và năng lực chuyên môn để làm nhiệm vụ bảo vệ, hướng dẫn du khách tham quan tại các tháp. Đồng thời, phục dựng lại các hiện vật vốn có trong lòng tháp, tổ chức biên soạn các tài liệu để cho ra đời những ấn phẩm hoàn chỉnh giới thiệu về các tháp Chăm Bình Định, phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu của mọi người”.
|