Dựng nhà rông trong vườn Nguyễn Huệ
11:4', 12/12/ 2006 (GMT+7)

Nhà rông dân tộc Bana là một công trình do UBND tỉnh Gia Lai tặng tỉnh Bình Định và được dựng trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn). Công trình đã khởi công từ cuối tháng 4-2006 và sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

 

Toàn cảnh nhà rông. Ảnh: N.S

 

Khi chúng tôi đến, công trình vẫn còn khá bừa bộn. Ngôi nhà hiện đã xong phần “cốt” với 12 trụ lớn bên trong, đường kính mỗi trụ 40cm và 12 trụ nhỏ bên ngoài, đường kính mỗi trụ 30cm. Phía trước, 3 người thợ đang tạo hình cho chiếc cầu thang trên những thân gỗ tròn đường kính 40cm. Có tất cả 4 cầu thang như thế, sẽ được đặt ở phía trước, sau và hai đầu hồi nhà rông. Những người thợ khác thì đang lợp tranh cho mái.

Nhà rông Bana này do Hội Kiến trúc sư tỉnh Gia Lai thiết kế và do Doanh nghiệp Xây dựng Tân Thanh (TP. Pleiku - Gia Lai), một đơn vị có nhiều kinh nghiệm xây dựng các nhà rông ở tỉnh Gia Lai, thi công. Nhà rông này cơ bản giữ nguyên những nét đặc trưng của nhà rông truyền thống người Bana, từ hình dáng đến vật liệu, như nhà gỗ, vách nứa, mái tranh. Tuy nhiên, ông Vũ Hoài Nam, phụ trách kỹ thuật của công trình, cho biết: vì công trình này rất lớn, sử dụng các cây gỗ khá to, nên trong thiết kế đã có một số điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn, thay vì cột bằng dây mây như nhà rông truyền thống, thì ở đây, các trụ, cây đà liên kết với nhau bằng bulon sắt; các trụ chính được chôn sâu dưới mặt đất 1,2m, trong đó phần móng trụ cao 0,6m được đổ bê tông cốt sắt.

Điều đặc biệt là tất cả vật liệu và thợ đều được đưa từ Gia Lai xuống. Trong đó, một số thợ là người làng Kớp, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, vốn đã có nhiều kinh nghiệm trong việc làm nhà rông. Công việc chính của họ là lợp mái và đan vách nứa - những phần việc mà các thợ mộc khác không làm được. Anh Y Kớt, Tổ trưởng tổ lợp mái và đan vách nứa, nói: “Đây là nhà rông thứ 4 mình tham gia làm. Mình biết làm nhà rông là nhờ những người già trong làng chỉ dạy. Ngày thường mình làm rẫy, khi có ai gọi đi làm nhà rông thì gọi mấy anh em nữa trong làng cùng đi”. Rồi anh nói thêm: “Nhà rông do cha ông mình làm ra hay lắm, vì có nhà rông mới có đoàn kết, có sức mạnh”.

Còn nhiều thợ mộc khác thì cho chúng tôi biết, tuy họ cũng từng làm một số nhà rông ở Gia Lai, nhưng công trình này đặc biệt hơn, vì được làm hoàn toàn bằng gỗ. Do vậy, mọi công đoạn trong khi thi công đều phải làm bằng tay, trừ khâu khoan lỗ trên trụ để bắt bulon và cẩu các trụ lớn đặt vào hố móng. Hiện đơn vị thi công đang cố gắng hoàn thành công trình vào cuối năm 2006 để kịp đưa vào phục vụ Lễ hội kỷ niệm 218 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cũng như tiến tới phục vụ Festival Tây Sơn - Bình Định 2007.

Ngay sau khi hoàn thành, Bảo tàng Quang Trung cũng sẽ sưu tầm các hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa của người Bana để trưng bày ở đây. Ông Trần Xuân Cảnh, Phó giám đốc Bảo tàng, khẳng định: “Đây là một công trình nhiều ý nghĩa, bởi nó vừa để ghi công sự đóng góp của người Bana nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung, vào phong trào Tây Sơn; vừa góp phần giới thiệu và bảo tồn một số nét trong đời sống văn hóa của người Bana. Sau khi hoàn thành, Bảo tàng Quang Trung lại có thêm một công trình mới, đẹp và độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách”.

  • Nguyên Sương - Khánh Vinh

Một vài số liệu về nhà rông

- Diện tích sàn: 160m2

- Chiều cao: 17m

- Khối lượng gỗ để hoàn thành nhà: 53m3 gỗ thành phẩm

- Số lượng tranh để lợp mái: hơn 3.700 bó (đường kính 20cm - 25cm/bó)

- Tổng kinh phí: khoảng 900 triệu đồng.

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những bến nước vời xa  (12/12/2006)
Gió sáng nay ngợp lòng  (12/12/2006)
Triển khai các công việc liên quan đến hệ thống tháp Chăm  (12/12/2006)
7 phút trên cầu Thị Nại  (11/12/2006)
Từ Nước Mặn đến Nhơn Hội  (10/12/2006)
Tượng đài Quang Trung sẽ được đúc lại đẹp và hoàn thiện hơn  (08/12/2006)
Sẽ loại trừ việc công nhận chạy theo thành tích  (07/12/2006)
Hơn 20 tác phẩm được sáng tác  (07/12/2006)
Triển khai nâng cấp Tượng đài Quang Trung  (06/12/2006)
Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn  (05/12/2006)
Một ngày không có net  (04/12/2006)
Giữa quê hương nhớ quê hương  (01/12/2006)
Khai mạc Trại sáng tác âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định  (01/12/2006)
Những người “giữ lửa” cho Tuồng  (28/11/2006)
Mấy đề xuất nhằm phát huy giá trị tháp Chăm Bình Định  (28/11/2006)