|
Quang Dũng sẽ song ca cùng Hồng Nhung. Ảnh: st |
Cách đây tám năm, có một chàng trai Bình Định chân ướt chân ráo vào TP. Hồ Chí Minh để theo con đường ca hát. Và nay, chàng trai đó đã trở thành một ngôi sao ca nhạc, nổi danh với dòng nhạc Trịnh. Đó là ca sĩ Quang Dũng, tên thật là Thái Văn Dũng. Một ngày, chúng tôi tìm đến nhà của anh ở Quy Nhơn để nghe chuyện về Quang Dũng trong hồi ức của mẹ anh: bà Nguyễn Thị Bê...
* “Tính Dũng lạ lắm”
Bà Bê kể: “Dũng là đứa hay suy tư. Tính Dũng lạ lắm, chiều chiều, cứ tan học là xuống mé biển ngồi. Có lần tôi hỏi: “Chớ con ra chi ngoài biển, mà chiều nào cũng ra hoài?”. Nó trả lời: “Con thích vậy đó má!”. Mà nó cũng rất hay quan tâm đến người khác. Tôi nhớ một lần, năm đó Dũng đang học lớp 8, nó theo đám bạn đi chơi về. Sau đó, tôi thấy tụi nó góp tiền, rồi Dũng đi mua rất nhiều chén, bát. “Chớ con mua chén bát chi nhiều vậy?”- tôi hỏi. “Tụi con lên thăm chùa, thấy chùa nghèo quá, chén bát bể hết, nên mua một ít tính lên tặng đó má”.
Hồi đó, có bao giờ bà nghĩ rằng con trai mình sẽ thành ca sĩ? - tôi hỏi. Bà Bê tâm sự: “Nói thiệt, ngày Dũng còn nhỏ, hai vợ chồng đều muốn cho nó đi học nghề, mở tiệm vàng, chắc cái tương lai cho nó. Dũng nó hổng bằng lòng: “Má nói vậy chứ con thích tự con chọn nghề à má!”. - “Ừ! Thôi thì tùy con, con học nghề gì con học, rồi má lo cho con chứ hổng sao”- tôi nói vậy. Mà nói thật chứ cả nhà này chỉ mình nó là con trai đang đi học nên tôi cũng cố lo cho nó đến nơi đến chốn”. Quang Dũng mê hát từ hồi nhỏ, cũng hay tham gia biểu diễn ở trường, rồi ở một số điểm ca nhạc trong thành phố Quy Nhơn khi ấy.
Quang Dũng đến với nhạc Trịnh một cách thật tự nhiên. Quang Dũng từng kể, rằng từ bé, anh chẳng thuộc bài hát nào cho thiếu nhi mà đã mê và thuộc các bản nhạc Trịnh. Lớn một chút, đi chơi với các anh chị, khi đã có thể cầm đàn và hát, anh cũng chỉ chọn nhạc Trịnh. Còn nhớ hồi đi học, khi được đề nghị hát trước toàn trường, Quang Dũng chọn bài Tình xa. Thầy cô ngạc nhiên lắm, một thằng bé học lớp 6 mà chọn một bản nhạc Trịnh tha thiết như thế... có vẻ không hợp! Lớn lên một chút, Quang Dũng không chỉ còn thích nhạc Trịnh theo cảm hứng đơn thuần nữa, mà đọc kỹ ca từ, lắng nghe từng âm để rồi càng say mê hơn.
Bà Bê kể tiếp: “Tôi còn nhớ năm 1997, ngày Dũng đi thi Tiếng hát Phát thanh - Truyền hình tại hội trường Đại học sư phạm Quy Nhơn. Cả nhà kéo nhau đi. Tôi hồi giờ vốn có mê hát hò gì đâu, vậy mà nghe con thi, cũng mừng, cố đi cho được. Đến hồi người ta xướng tên Quang Dũng đoạt giải nhì, tôi mừng hết biết. Mà phần thưởng hồi đó là cái ti-vi thiệt to, nhà vẫn dùng”.
* Vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp với 200 ngàn đồng
Sau Huy chương Bạc tại Liên hoan Tiếng hát Truyền hình Bình Định ở Quy Nhơn, năm sau, Quang Dũng giật tiếp Huy chương Vàng Liên hoan Tiếng hát Truyền hình miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại Huế. Cũng trong năm đó, Dũng khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh chỉ với một lời mời của ông chủ phòng trà Đồng Dao và 200 ngàn đồng trong tay. Lúc mới vào, Dũng ở trọ nhà một người chú họ, sau đó, khi hai người em gái cũng từ Quy Nhơn vào TP. Hồ Chí Minh trọ học, Dũng thuê nhà ở riêng. Ban đầu Quang Dũng hát ở các quán bar, một số trung tâm ca nhạc, sau đó cộng tác với rạp Long Phụng. Ngay từ ngày đầu vào TP. Hồ Chí Minh, Dũng là học trò của NSƯT Măng Thị Hội và giảng viên thanh nhạc Mỹ An. Dịp may đã đến với Quang Dũng khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do cảm mến chất giọng rất đặc biệt của anh mà tạo cho anh một số cơ hội để tiếp cận nhanh hơn với đời sống âm nhạc TP. Hồ Chí Minh.
Tất nhiên, để đạt đến thành quả như ngày hôm nay, Quang Dũng đã gặp không ít thăng trầm. Những khi ấy, sự động viên của gia đình, nhất là người mẹ, trở nên rất quan trọng, tạo niềm tin cho Quang Dũng đi tiếp trên con đường anh đã chọn. Tôi hỏi bà Bê về những tin đồn quanh “màn kịch” tình yêu của Quang Dũng với Thanh Thảo. Bà Bê nói: “Tôi nghĩ là hổng có chuyện đó. Nhà Quang Dũng và Thanh Thảo ở Sài Gòn cách nhau có vài căn, hai người vừa là hàng xóm, thân nhau, lại hay hát cặp chung, nên người ta cứ đồn tùm lum vậy”. “Vậy chứ Quang Dũng đã có ý định lập gia đình riêng chưa bác?”- tôi hỏi. Bà Bê nói: “Cũng chưa thấy nó có ý định gì cả. Nó nói: “Con cứ đi hát chỗ này chỗ kia như vầy hoài, có gia đình khổ lắm. Mà ba má càng ngày càng có tuổi, con cứ lo cho ba má đi đã, còn chuyện đó tính sau, má”.
|