* Tản mạn của Thúc Giáp
Một ngày cuối năm. Mặc cho cơn bão số 10 có tên gọi quốc tế là Utor đang vần vũ ngoài biển Đông chực chờ đe dọa đổ ập vào miền Trung, hàng vạn người dân Bình Định vẫn nô nức "trẩy hội" khánh thành cầu Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với chiều dài trên hai cây số rưỡi, cây cầu rồi sẽ đi vào sách Kỷ lục Việt Nam.
Tôi náo nức đi trên cầu, nghe gió đại dương hào phóng thổi tung lên trời cao những niềm vui chất ngất của bao người dân Bình Định. Cũng phải thôi. Đó là những đợi chờ đã dồn nén từ hàng trăm năm qua giờ bùng nở, thăng hoa, bật lò xo thành niềm vui lớn khiến ai cũng muốn "giang tay giữa trời mà hét".
Hình như trời cũng chiều lòng người. Bão cũng quy thuận ước muốn của con người. Sau những ngày âm u mưa gió, ngày cầu Thị Nại chính thức khai thông đưa vào sử dụng bỗng nhiên là một ngày đẹp trời. Phải chăng những trầm tích lịch sử của đầm Thị Nại đã linh thiêng phù hộ cho ngày vui lớn của một triệu rưỡi dân Bình Định được trọn vẹn, đủ đầy?
Đứng trên cầu, phóng tầm mắt ra xung quanh, tôi như ôm trọn một vòng từ Quy Nhơn ra đến bán đảo Phương Mai mà tâm của nó là chiếc cầu Thị Nại. Chỉ là khoảng cách từ bên này qua bên kia cầu thôi, mà bao đời nay bán đảo Phương Mai trở thành xa cách. Không ai có thể cảm nhận được sự xa cách ấy nó diệu vợi như thế nào bằng chính người ở bán đảo Phương Mai.
Nhà nghiên cứu Tuồng Vũ Ngọc Liễn là một người Phương Mai thứ thiệt. "Lão ngoan đồng" đã 83 tuổi này nguyên là chủ tịch xã Nhơn Lý thời kháng chiến chống Pháp. Xưa, cụ Liễn phải mất hai ngày trời mới từ Quy Nhơn qua được Nhơn Lý. Có một đêm ngồi đò đằng đẵng và mệt mỏi như thế, trong lúc gật gà mê ngủ, một khách đò đã vô tình gác chân lên đùi một bà nọ cũng chung một chuyến đò ngang. Bà này liền túm chặt chân của "thủ phạm" và hét toáng lên: "Đốt đèn lên. Đốt đèn lên. Coi chân của thằng cha nào mà ẩu dữ?". Đèn sáng. Vị khách đò cũng vừa tỉnh ngủ, hấp háy đôi mắt: "Ủa, chân của tui na?" rồi thản nhiên rút chân về. Chẳng rõ có phải là cụ Liễn tinh nghịch của thời trai trẻ hay không cũng như chẳng rõ tính xác thực của giai thoại này tới đâu nhưng qua đó, cũng cảm nhận được sự cực nhọc của cái thời đò ngang cách trở chưa xa ấy. Nay, cụ chỉ mất chưa đầy mười phút ngồi xe máy. Quả là đổi đời. Có cây cầu Thị Nại, người Bình Định sướng một, những người gốc Phương Mai như cụ Liễn sướng mười. Bởi vậy đêm trước ngày khánh thành cầu, cụ tự đứng ra tổ chức "lễ khánh thành" riêng của cụ, ngay trên cầu, giữa đầm Thị Nại, với các thân hữu, bằng bia chai và nối mạng điện thoại di động để khoe và chia vui với bạn bè văn nghệ khắp nơi trong nước.
Theo tường thuật của nhà thơ Mai Thìn, đầu buổi tiệc, trời mưa nhẹ, nhưng đến khi cụ Liễn rưng rưng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, các nghĩa quân Tây Sơn đã từng anh dũng chiến đấu, hy sinh ngay trên mặt đầm Thị Nại bằng hai chai bia Heineken bật nắp rót thẳng xuống đầm thì trời bỗng nổi gió, xóa mây đen và trăng ló dạng. Cầu Thị Nại hiện lên lộng lẫy và rực rỡ dưới dàn đèn cao áp, và thật lãng mạn với những nam thanh nữ tú đi dạo trong đêm cùng một vài ngư ông miệt mài buông câu trên đầu sóng.
Trong buổi "tiệc đứng" tự tổ chức để tự sướng ấy, cụ Liễn không giấu được niềm hân hoan: Tôi đã rất sung sướng khi nhìn thấy cầu Thăng Long, cầu Sông Gianh, cầu Bến Thủy, cầu Mỹ Thuận nối liền những làng quê, thành phố, khép lại những đò giang cách trở, mở ra sự thông thương, phát triển... Giờ đây nhìn lại thấy cây cầu Nhơn Hội dài 2.500 mét bay qua đầm Thị Nại tôi mừng quá đỗi mừng! Vì nó nằm ngay trên quê tôi. Nó là của tôi. Nó với tôi là một. Một cây cầu mà từ khi khai sơn lập địa đến nay các thành hoàng bổn xứ chưa hề dám mơ tưởng.
Chao ôi, niềm vui, sự sung sướng của ông lão trên 80 tuổi mới hồn nhiên và con trẻ làm sao. Và đó cũng là niềm vui, sự sung sướng của một triệu rưỡi người dân Bình Định khi cây cầu Thị Nại hiện hữu hiên ngang trên mặt đầm.
Nhưng không chỉ có vậy. Cầu Thị Nại khánh thành, tuyến đường Quy Nhơn - Nhơn Hội thông thương, Khu Kinh tế Nhơn Hội liền rùng rùng chuyển động với bao dự án được khởi công xây dựng. Bán đảo Phương Mai đã thật sự tỉnh giấc ngủ dài hàng trăm năm qua. Niềm vui như được nhân lên gấp bội.
Có thể hôm nay, ngày mai rồi ngày mai nữa, niềm vui sướng rồi sẽ lắng đọng nhưng có một điều không thể hồ nghi, đó là giá trị của cầu Thị Nại sẽ còn thẩm thấu đến hàng trăm năm sau.
Chắc chắn là như thế.
12-12-2006
|