Gặp tác giả tượng đài Hoàng đế Quang Trung
16:32', 14/12/ 2006 (GMT+7)

Tượng đài Quang Trung (đặt tại Công viên Quang Trung, TP. Quy Nhơn) là một trong những tượng đài đầu tiên được xây dựng ở miền Nam sau ngày giải phóng. 30 năm qua, tác phẩm này đã trở thành một biểu tượng đẹp của thành phố Quy Nhơn. PV Báo Bình Định đã gặp họa sĩ Lưu Giang Thanh - tác giả tượng đài, để ghi lại những kỷ niệm của ông trong quá trình làm bức tượng này.

 

Phác thảo mô hình tượng đài Quang Trung sau khi nâng cấp. Ảnh: V.T

 

* Thưa họa sĩ, lý do nào mà vào những ngày miền Nam vừa mới hoàn toàn giải phóng, ông đã quyết định vào Bình Định và thiết kế tượng đài Quang Trung?

- Tôi còn nhớ, đó là vào tháng 10 năm 1975, sau khi tôi vừa ở đảo Cô Tô về, các anh ở Cục Mỹ thuật (Bộ Văn hóa) bảo: tỉnh Nghĩa Bình đang làm tượng Quang Trung, Cục quyết định cử anh vào giúp tỉnh. Ngày đó, tôi mới 35 tuổi, còn sung sức lắm, nghe vậy là tôi qua Ban Thống nhất Trung ương xin giấy phép rồi đi thôi, chứ chưa biết mô tê ra sao cả. Vào đến nơi, gặp các anh lãnh đạo tỉnh, các anh đặt yêu cầu là phải làm với tinh thần thần tốc, còn như làm thế nào là việc của anh. Tôi làm, sang tháng 2 là xong. Ngoài phương án của tôi, ngày đó, còn có 3, 4 phương án khác gửi đến. Cuối cùng, tỉnh chọn phương án của tôi và gửi ra Hà Nội duyệt rồi cho thi công. Đến cuối năm 1976, tượng hoàn thành. 

* Trong cái bộn bề của một thị xã vừa mới giải phóng, lại bắt tay ngay vào việc dựng một tượng đài, hẳn ông đã gặp không ít khó khăn?

- Chỉ riêng chuyện đi lại thôi đã vất vả. Hết đi tàu rồi đi ô tô, qua vài ba chặng, nhưng tôi cứ đi ra đi vào, hết làm phác thảo, rồi tham gia đúc. Mà tôi rất phục tỉnh Nghĩa Bình ngày đó, vừa giải phóng, giữa bộn bề công việc, vậy mà dám làm và quyết tâm làm một tượng đài nghệ thuật. Tôi nhớ anh Nam Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh ngày đó, nói: “Tôi chỉ có 17.000 đồng, còn thiếu bao nhiêu thì xin Bộ Văn hóa”. Vật tư thì xi măng, thép… đều phải chở từ Bắc vào. Bởi vậy, có người nghe nói dự định làm tượng, đã ái ngại: “Làm tượng mà thế này thì khó mà bền vững được”. Ông Nam Hà nói: “Tôi chỉ cần 10 năm thôi”, vậy mà không ngờ bức tượng tồn tại đến giờ, 30 năm rồi.

Làm tượng xong, đến phần bệ tượng thì đành tận dụng bệ cũ, nhưng phải chỉnh lại. Vậy là bọn tôi lấy gạch, xây tròn, che bệ cũ. Vì tận dụng nên bệ hơi thấp, kích thước so với tượng thì đúng là hơi... lủng củng. Bệ xây xong, phải làm thêm mấy phù điêu chạm nổi. UBND tỉnh yêu cầu: phù điêu phải thể hiện được hai hình ảnh. Một bên là cảnh nhân dân khắp nơi giúp đỡ nghĩa quân Quang Trung, một bên là cảnh hành quân và trong hành quân thì phải thể hiện cho được vai trò của Bùi Thị Xuân. Các anh chỉ nói đơn giản như thế. Tôi về, vẽ phác ra trên giấy, rồi báo cáo. Các anh bảo: “Như thế được rồi”. Vậy là tôi lấy xi măng ra đắp phù điêu.

* Một trong những điều người xem hôm nay vẫn thấy tâm đắc với tác phẩm là cách thể hiện hình tượng Quang Trung của ông. Cho đến nay, đây vẫn là một trong số rất ít bức tượng đẹp về Quang Trung. Vậy ông đã dựa vào tài liệu nào để sáng tác nên bức tượng? 

- Ngay hồi đó, cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau lắm. Khi tôi mới nhận nhiệm vụ, còn ở Hà Nội, đọc sử thấy có cảnh Quang Trung cưỡi voi vào Thăng Long nên tôi hình dung là Quang Trung sẽ cưỡi voi. Nhưng vào đây, các anh ở tỉnh góp ý là trong này, không ai cưỡi voi cả. Vậy là tôi cho Quang Trung cưỡi ngựa. Khi làm xong, các anh ở Bộ Văn hóa lại nói: “Quang Trung thì phải cưỡi voi chứ?”. Tôi cũng giải thích và nói thêm: cưỡi ngựa thì thể hiện được tính thần tốc thuận hơn. Rồi gương mặt Quang Trung thế nào? Tôi quan niệm, con người của cách đây 200 năm thì không khác mấy về nhân chủng học với người hôm nay. Nhưng vấn đề là làm sao để người xem khi nhìn vào tượng, sẽ thừa nhận rằng: đó là Nguyễn Huệ của 200 năm trước. Tôi nghiên cứu tượng ở đình, chùa Việt Nam, thì thấy những người thợ khi khắc tạc khuôn mặt tượng không giống với người thường. Do vậy, tôi quyết định sẽ xây dựng hình tượng Nguyễn Huệ theo hướng này. Ngay ngựa cũng thế, một thầy giáo có góp ý với tôi là làm con ngựa Quang Trung cưỡi mà giống ngựa bình thường ngoài đời là hỏng... Do vậy, khi tạo hình dáng, tôi chỉ dùng khối để tạo vẻ khỏe khoắn. Còn nếu cứ căn cứ theo giải phẫu học, thì sẽ bị bắt bẻ ngay. Sau này, một số anh em trong nghề có hỏi, nghe tôi giải thích, họ cũng đồng tình. Đến giờ, tôi vẫn cho quan niệm đó là đúng. Trong nghệ thuật, không phải cứ mang cái tự nhiên áp đặt vào là được. Vấn đề là tôi cần một bố cục đẹp và hiệu quả. Nếu nhìn vào bức tượng mà thấy vậy là đạt rồi.

Họa sĩ Lưu Giang Thanh sinh năm 1940 tại Hà Nội. Từ 1957 đến 1960: theo học hệ trung cấp Đại học Mỹ thuật Hà Nội; sau đó, từ năm 1968 đến 1973, học tiếp hệ đại học cũng ở trường này. Sau khi ra trường, ông về công tác tại Cục Mỹ thuật. Năm 1979, ông chuyển sang công tác tại Xưởng Mỹ thuật Quốc gia. Năm 1980, ông giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 2001: nghỉ hưu.

* Lần này, vào Bình Định để tham gia nâng cấp tượng, ông có cảm xúc như thế nào với tác phẩm của mình và có định chỉnh sửa để tượng đẹp hơn?

- Tôi rất mừng vì đến nay, mình vẫn còn sống để vào tham gia nâng cấp tượng. Hôm rồi khảo sát, tôi giật mình vì tượng đã xuống cấp nhiều và lại thấy may, vì nếu chỉ để thêm khoảng một, hai năm nữa thôi, tượng sẽ bị đổ, không còn mẫu để làm lại. Mà bây giờ bảo tôi làm lại, chưa chắc tôi đã làm đẹp hơn hồi trước. Sau 30 năm trở lại, nói thật, tôi thấy mừng vì tượng vẫn “đứng” được và phần nào đã trở thành một biểu tượng của Quy Nhơn. Với riêng tôi, đây vẫn là một tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất. Tất nhiên, lần nâng cấp này phải làm sao để bức tượng đẹp và hoàn thiện hơn. Chẳng hạn, phần bệ tượng nên làm nhỏ hơn và nâng cốt lên cao hơn. Phần chạm nổi quanh bệ phải làm lại, một bên vẫn là cảnh tụ nghĩa, bên kia là cảnh hành binh, chỉ cần thêm hình ảnh Quang Trung xây dựng đất nước. Có thể nắn lại tay cầm kiếm một chút, để từ nhiều phía khác nhau, ta vẫn có thể thấy cây kiếm.        

* Xin cảm ơn họa sĩ.

  • Lê Viết Thọ (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ảo Ảnh  (14/12/2006)
Hãng phim Thái Lan quay phim các di tích Chămpa Bình Định  (14/12/2006)
Bên cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam  (13/12/2006)
Ca sĩ Quang Dũng và những hồi ức của người mẹ  (12/12/2006)
Dựng nhà rông trong vườn Nguyễn Huệ  (12/12/2006)
Những bến nước vời xa  (12/12/2006)
Gió sáng nay ngợp lòng  (12/12/2006)
Triển khai các công việc liên quan đến hệ thống tháp Chăm  (12/12/2006)
7 phút trên cầu Thị Nại  (11/12/2006)
Từ Nước Mặn đến Nhơn Hội  (10/12/2006)
Tượng đài Quang Trung sẽ được đúc lại đẹp và hoàn thiện hơn  (08/12/2006)
Sẽ loại trừ việc công nhận chạy theo thành tích  (07/12/2006)
Hơn 20 tác phẩm được sáng tác  (07/12/2006)
Triển khai nâng cấp Tượng đài Quang Trung  (06/12/2006)
Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn  (05/12/2006)