Gia cố chống xuống cấp, trùng tu tháp Chăm ở Bình Định:
Một việc làm đúng mục đích và hiệu quả
17:38', 15/12/ 2006 (GMT+7)

Hệ thống tháp Chăm ở Bình Định được đánh giá là còn nguyên vẹn nhất so với toàn bộ tháp Chăm hiện còn. Một trong những yếu tố đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn di sản quí giá này là công tác gia cố chống xuống cấp và trùng tu trong suốt mấy chục năm qua ở Bình Định.

 

Các lãnh đạo tỉnh kiểm tra công trình trùng tu tháp Dương Long. Ảnh: H.T

 

* Không thể khoanh tay ngồi chờ...

Hơn một thế kỷ nay, nhiều thế hệ nghiên cứu trong và ngoài nước đã bỏ rất nhiều công sức để khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng tháp Chăm. Ở mỗi góc độ tiếp cận, mỗi tác giả lại đưa ra một giả thuyết khác nhau về kỹ thuật xây dựng tháp. Không thể khoanh tay ngồi chờ các nhà khoa học tìm ra lời giải đáp thỏa đáng về kỹ thuật, trong khi sự xuống cấp của di tích lại đang diễn ra từng ngày, từng giờ; do vậy, từ rất sớm, Bình Định đã triển khai việc gia cố, chống xuống cấp các tháp Chăm. Có thể nói, Bình Định là một địa phương đi đầu trong công tác này.

Năm 1985, Bình Định phối hợp với Xí nghiệp Tu bổ Di tích Trung ương và các chuyên gia Ba Lan tu bổ, gia cố tháp Dương Long. Sang năm 1987, tiếp tục tu bổ gia cố tháp Đôi. Những năm tiếp theo, Bình Định lại tiến hành chống xuống cấp các tháp Thủ Thiện, Bình Lâm, Phú Lốc. Việc trùng tu Tháp Đôi được tiến hành từ năm 1991 đến năm 1995; trùng tu tháp Bánh Ít từ năm 1997 đến năm 2004. Từ năm 2005, cả hai tháp Cánh Tiên và Dương Long được tiến hành trùng tu tôn tạo cùng lúc.

* Những giải pháp trùng tu

Những năm qua, việc thiết kế trùng tu tháp Chăm Bình Định do hai cơ quan chức năng ở Trung ương là Trung tâm Thiết kế Tu bổ Di tích Trung ương (Bộ Văn hóa - Thông tin) và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) lập. Sau khi đã khảo sát kỹ về hiện trạng và đề xuất các giải pháp tu bổ, phục hồi hợp lý, các dự án này đã được sự góp ý của Hội đồng Khoa học do GS-TS Lưu Trần Tiêu (nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin) làm Chủ tịch và đã được Cục Di Sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin) phê duyệt.

Tuy nhiên, kỹ thuật trùng tu giữa các tháp có sự khác nhau. Cụ thể, từ năm 1991 đến 2004, khi Bình Định phối hợp với Trung tâm Thiết kế Tu bổ di tích Trung ương trùng tu tháp Đôi và tháp Bánh Ít, chất kết dính được sử dụng là xi măng với kỹ thuật phối màu và mạch xây mỏng gần giống như kỹ thuật xây tháp xưa. Riêng lớp gạch áo trước khi xây được mài đều và phẳng, nên lớp hồ kết dính rất mỏng, thoáng nhìn trông giống như kỹ thuật mài chập. Còn từ năm 2004 đến nay, Bình Định phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng khảo sát đo đạc, thiết kế, trùng tu tháp Cánh Tiên và Dương Long thì toàn bộ gạch trùng tu được mài phẳng bốn mặt, chất kết dính lần này là nhựa cây bời lời.

Mặt tây tháp chính tháp Bánh Ít, sau khi trùng tu. Ảnh: Nguyễn Thanh Quang

* Thành tựu là đáng ghi nhận

Quanh việc trùng tu tháp cổ Chăm nói chung và tháp Chăm Bình Định nói riêng tồn tại những ý kiến trái chiều nhau. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, trong điều kiện các di tích xuống cấp khá nhanh và còn tồn tại những ý kiến khác nhau về vật liệu và phương pháp xây dựng của người Chăm xưa, thì cách làm của Bình Định là hợp lý. Hãy giả sử, nếu không có phần gạch mộc và xi măng mà các chuyên gia Ba Lan đưa vào khi gia cố tháp Nam và tháp Bắc của cụm Dương Long, thì liệu các tháp này có còn đứng vững đến hôm nay để chúng ta trùng tu, tôn tạo? Một trong những người rất am hiểu về gia cố, trùng tu tháp Chăm hiện nay là GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính (nguyên Giám Đốc Trung tâm Tu bổ Di tích Trung ương), cũng đánh giá cao về kỹ thuật và phương pháp trùng tu tháp Chăm của Bình Định. Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm, cũng như lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa cũng đồng tình với nhận định như vậy.

Tháng 10 năm 2004, đoàn Thanh tra của Bộ Văn hóa - Thông tin về thanh tra dự án đầu tư tu bổ và chống xuống cấp di tích tháp Chăm tại Bình Định cũng đã kết luận: “Đoàn Thanh tra ghi nhận nguồn vốn đầu tư của Bộ Văn hóa - Thông tin từ chương trình có mục tiêu đã sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Nhờ có nguồn vốn này mà cụm di tích tháp Bánh Ít được phục hồi gần với nguyên trạng, đảm bảo dáng nét của loại tháp Chàm; tháp Phú Lốc được gia cố chống sập đạt yêu cầu”. Do đó, có thể khẳng định, những thành tựu trong công tác chống xuống cấp và trùng tu tháp Chăm Bình Định những năm qua là đáng ghi nhận.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn người cũ đâu rồi  (15/12/2006)
Mắm cá mương sông Côn  (15/12/2006)
Gặp tác giả tượng đài Hoàng đế Quang Trung  (14/12/2006)
Ảo Ảnh  (14/12/2006)
Hãng phim Thái Lan quay phim các di tích Chămpa Bình Định  (14/12/2006)
Bên cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam  (13/12/2006)
Ca sĩ Quang Dũng và những hồi ức của người mẹ  (12/12/2006)
Dựng nhà rông trong vườn Nguyễn Huệ  (12/12/2006)
Những bến nước vời xa  (12/12/2006)
Gió sáng nay ngợp lòng  (12/12/2006)
Triển khai các công việc liên quan đến hệ thống tháp Chăm  (12/12/2006)
7 phút trên cầu Thị Nại  (11/12/2006)
Từ Nước Mặn đến Nhơn Hội  (10/12/2006)
Tượng đài Quang Trung sẽ được đúc lại đẹp và hoàn thiện hơn  (08/12/2006)
Sẽ loại trừ việc công nhận chạy theo thành tích  (07/12/2006)