|
Chị Tâm kéo nhị trong dàn nhạc đám ma. |
Bây giờ, người dân thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) biết đến chị như là một trong những tay đàn nhị có tiếng ở đây, nhưng mà là đàn cho… dàn nhạc đám ma. Chuyện cũ, người nhớ thì bảo: "Nghe nói hồi trước bả đánh trống trận hay lắm. Bả còn biết hát tuồng nữa, hát cũng hay lắm…", chỉ có vậy. Ít người biết rằng, trước khi chị Nguyễn Thị Thuận - em gái chị - trở thành người đánh trống trận Tây Sơn giỏi nhất Bình Định hiện nay, ngôi vị ấy thuộc về chị. Và cuộc đời của một người phụ nữ trót yêu tiếng đàn, tiếng trống như chị… biết nói sao nhỉ, có lẽ là duyên chưa ngộ…
Khai trống
Tôi gặp chị lần đầu tiên tại đám tang một người thân ở thị trấn Phú Phong. Ý nghĩ đầu tiên là ngạc nhiên bởi tôi chưa từng thấy một người phụ nữ nào lại tham gia dàn nhạc đám ma như chị. Mà chị lại kéo đàn nhị, loại đàn làm người ta đến não lòng vì bởi cái âm thanh ò… e… thảm thiết.
Sau này có dịp gặp lại chị, tôi được biết thêm nhiều điều thú vị về chị mà thoạt nhiên, nếu cứ nhìn vào bề ngoài thì chẳng ai đoán ra đấy từng là một tay trống trận Tây Sơn cự phách đất Bình Định, không có đối thủ. Và thẳm sâu trong tâm hồn người phụ nữ tưởng chừng khô héo ấy là cả một niềm đam mê cuồng nhiệt với trống, đàn, hát bội.
Chị tên là Nguyễn Thị Tâm, hiện ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong. Chị Tâm chính là chị ruột của chị Nguyễn Thị Thuận - người được ca ngợi là đánh trống trận Tây Sơn giỏi nhất Bình Định hiện nay. 13 tuổi, chị Tâm được cha mình - một thầy thuốc Nam đồng thời cũng là một người kéo nhị đám ma - dạy cho học trống và kéo đàn. Chị mê trống, mê đàn đến mức bỏ học để tập tành. Chuyện học trống được chị kể lại như sau: "Một hôm, một ông thầy tên Ngẫu ở Thuận Nhất (Bình Thuận - Tây Sơn), sau khi đã chạy hết thầy ở các nơi khác để chữa bệnh cho vợ mà bà vẫn không thuyên giảm, đến tìm cha tôi. Điều đặc biệt, thầy Ngẫu biết bài trống "Đả thập nhị cổ" (Đánh 12 trống) của quân đội Tây Sơn. Trong những ngày ở chăm sóc vợ tại nhà tôi, thấy tôi còn nhỏ mà sáng dạ, lại mê trống, rồi lại cảm kích cái ơn cha tôi đã cứu chữa vợ mình qua cơn nguy kịch, thầy Ngẫu quyết định nhận tôi làm đệ tử và hết lòng truyền bí quyết đánh trống trận Tây Sơn cho tôi. Trước đó, thầy cũng có chừng mươi học trò học trống nhưng chẳng có ai làm ông vừa ý cả".
Nhờ thông minh và đam mê, chỉ học hơn 2 tháng chị Tâm đã đánh được bài "Đả thập nhị cổ", học đến chừng 6 tháng thì đánh thuần thục. Thế là chị được gọi lên đình Kiên Mỹ đánh phục vụ trong dịp lễ hội Đống Đa mùng 5 tháng giêng âm lịch hàng năm và biểu diễn cho quan chức chính quyền cũ coi. Đó là thời điểm khoảng từ năm 1965 - 1970.
Hồi đó, chính quyền hay tổ chức thi đánh trống trận. Vì đây là môn rất khó nên chỉ có 2 đội đăng ký so tài cùng nhau, đó là đội Tân Phong ở Quy Nhơn và đội của chị Tâm. Kết cục, đội của chị Tâm luôn giành phần thắng, thi cả 3 lần thì đều giành giải nhất cả ba. Đội Tân Phong thua chị chỉ ở ngón "dứt trống" (dứt bài trống sao cho 12 trống cùng kêu và cùng nhịp).
Sau đó, chị Tâm đã dạy lại cho em gái mình là chị Nguyễn Thị Thuận - lúc ấy mới 12-13 tuổi cách đánh trống trận. Đến khi chị Thuận đánh thuần thục, 2 chị em được gọi lên đình Kiên Mỹ cùng đánh phục vụ. Chị Tâm kể, có hôm đánh trống xong, hai chị em ra hè chơi cút bắt.
Dứt trống
Năm 19 tuổi, chị Tâm lấy chồng. Được cha chồng - một thành viên của đội nhạc Đoàn tuồng Tây Sơn - dìu dắt, ngón đàn của chị Tâm dần trưởng thành. Ông dẫn chị đi, khi thì phụ ông đánh đàn phục vụ sân khấu, lúc lại đi đội nhạc đám ma. Mê tuồng, chị cũng tập hát, tham gia cả vào đội tuồng của địa phương và được nhiều người yêu mến bởi hát hay, đánh trống giỏi mà kéo đàn cũng chẳng phải tay vừa.
Những năm sau giải phóng, cuộc sống gia đình khó khăn, con đông, đồng lương lại eo hẹp cùng một số lý do khác, chị đành xin nghỉ làm ở nhà chạy chợ, dù đứt ruột đứt gan mới quyết định được như vậy. Hồi mới gác roi trống ở nhà chạy chợ nuôi con, mỗi lần chợt nghe tiếng trống trận từ Bảo tàng Quang Trung vọng sang, lòng chị lại nôn nao, chạy miết ra bờ sông nhìn về bên kia ngậm ngùi khóc một mình. Chị kể: "Hồi đó, cán bộ dưới tỉnh lên nhà tôi mấy lần, biểu tôi đi làm lại, chê lương ở đây thấp thì xuống Quy Nhơn làm. Tôi cũng muốn đi lắm chớ, nhưng vì nhiều lý do, đành thôi. Có lần mấy cán bộ ở tỉnh lên, gặp tôi đang bán củ lang củ mì ngoài chợ, mấy ổng xúm lại trút hết hàng của tôi vào túi, rồi đưa tôi một cục tiền, biểu mua thuốc bổ mà uống, ăn uống bồi dưỡng vô chứ sao nhìn ốm dữ vậy".
Chuyện đánh trống của chị chỉ dừng lại ở đấy, cách đây hơn 20 năm, nhưng âm vang của tiếng trống trận thì vọng đến tận bây giờ, thường trực trong tâm hồn người đàn bà 54 tuổi đa sầu đa cảm. Để đến khi gặp ai hỏi chuyện, nó lại được xổ tung ra chẳng chút ngại ngần. Chị say sưa nói về những điểm khác nhau giữa tiếng trống, cách đánh trống mà chị đã được học với tiếng trống bây giờ, nhận xét về tiếng trống của em gái mình, ưu tư vì cũng đã dạy học trò nhưng không ai học được trống trận. Cũng tiếc, giá như hồi đó mình có cơ hội xuống Quy Nhơn làm, rồi học thêm, biết đâu bây giờ cuộc đời đã khác. Bây giờ, dứt roi trống đã ngần ấy năm nhưng tình của chị đối với dàn trống trận vẫn còn vẹn nguyên. Những lúc buồn quá, chị chỉ biết đạp xe một lèo về nhà chị Thuận, mượn dàn trống của cô em vung roi một mình cho đỡ nhớ.
Lan man, nghĩ ngợi, vồn vã, nhiệt tình, ngoái đầu về phía ngày xưa một chút, rồi thôi, chị trở về với thực tại của mình. Gần chục năm nay, chị là nhạc công đám ma, khi kéo nhị, khi đánh trống, ngày không có đám thì bận bịu với sạp rau ngoài chợ, từ sáng sớm đến trưa trờ trưa trật mới về.
|