Lần đầu tiên, những người dẫn chương trình (MC) ở Bình Định được tập huấn những kiến thức cơ bản của nghề. Lớp tập huấn do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh phối hợp với Trung tâm Tư vấn phát triển Văn hóa bản địa và Đô thị Việt Nam tổ chức. Tại đây, các MC đã được hướng dẫn, từ kỹ năng nói, đến việc xây dựng kịch bản, chuẩn bị chương trình…
|
NSƯT Thanh Hùng đang giảng dạy tại lớp tập huấn. Ảnh: H.Thu
|
* MC: một nghệ thuật
Ở tỉnh Bình Định, số lượng MC tạm gọi là có nghề, hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những MC còn lại đa số là dân tay ngang, nên lỗi thường gặp là nói lắp, nói lộn, nói lẹo… Lại có người lên sân khấu là nói những điều sáo rỗng hay “sến” quá mức cần thiết.
Nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết về kỹ năng dẫn chương trình, nên lớp tập huấn đã thu hút được gần 40 học viên đến từ các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đạo diễn Bùi Quốc Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển Văn hóa bản địa và Đô thị Việt Nam, cho biết: “Dẫn chương trình là một hoạt động văn hóa mang tính khoa học và riêng biệt. Do đó, trong thời gian tập huấn 10 ngày, chúng tôi cố gắng chuyển tải đến các học viên 5 chuyên đề, giúp các bạn rèn luyện kỹ năng dẫn thuyết chương trình, kỹ năng biên soạn và biên tập chương trình, kỹ năng phỏng vấn…”.
Ở phần rèn luyện kỹ năng nói do NSƯT Thanh Hùng (Đài Truyền hình Việt Nam) hướng dẫn, các MC đã được luyện lưỡi và luyện môi, luyện hàm, luyện thở, luyện âm bằng các bài thực hành luyện phát âm, ngữ điệu, đọc kịch bản sân khấu, đọc thơ, hát. Các MC được hướng dẫn cách lấy hơi trước khi dẫn chương trình, bằng cách tưởng tượng trên tay đang cầm một quả táo, đưa quả táo lên mũi ngửi, rồi cắn một miếng thật to, để... thả hơi ra. Mục đích là giúp người dẫn chương trình tự tin và trang bị cho mình một lượng hơi cần thiết để khi dẫn câu nói không bị gãy. Các học viên còn được đạo diễn Quốc Bảo chỉ dẫn rất kỹ từ cách bước ra vào, tiến lùi, đến cả tư thế đứng trên sân khấu, ánh mắt nhìn và cách chào đối với khán giả. Đặc biệt, lần đầu tiên các MC được chỉ dẫn cách lập đề cương, xây dựng kịch bản cho từng chương trình cụ thể, như chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa, giới thiệu nhân vật và sự kiện… nhằm rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn từ và giúp họ chuẩn bị chu đáo hơn trước khi dẫn chương trình.
* Tự tin và chuyên nghiệp hơn
Đa số học viên của lớp do thiếu cọ xát nên khi xuất hiện trước đông người bị lúng túng, mất bình tĩnh. Có MC, tuy chỉ thực hành dẫn chương trình trong lớp học, nhưng cũng run đến mức không còn… nhớ nổi tên mình hoặc giới thiệu nhầm nội dung. Tuy nhiên, qua nhiều lần thực hành, các học viên không còn e dè, mà đã có thể đứng giới thiệu trước đông người một cách duyên dáng, tự tin. Anh Võ Văn Tín (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hoài Ân), cho biết: “Cán bộ văn hóa ở cơ sở như chúng tôi không được đào tạo chuyên môn về MC, nhưng do yêu cầu công việc, nên phải nhận lãnh vai trò MC trong các chương trình của địa phương. Bởi vậy, khi bước ra sân khấu, nhiều khi tôi thiếu tự tin và thường xuyên gặp những trục trặc. Nhưng sau lớp học này, tôi cảm thấy tự tin hơn và có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản hơn cho công việc”. Còn Bích Ngọc, một MC đã được nhiều người biết đến ở Quy Nhơn, thì nói: “Qua lớp học, tôi đã nhận thức rõ hơn tính chuyên nghiệp của nghề. Từ đó, tôi xác định mình còn phải học hỏi nhiều hơn, để ngày càng hoàn thiện trong nghề dẫn chương trình”.
Tự tin và chuyên nghiệp hơn - đó cũng là điều mà mọi người cảm nhận được trong chương trình báo cáo kết quả của lớp tập huấn. Nhiều chương trình sinh động đã được xây dựng như: giao lưu tác giả - tác phẩm, dành cho người hâm mộ, chương trình ca nhạc… NSƯT Thanh Hùng nhận xét: “Lớp tập huấn ở Bình Định đạt hiệu quả và chất lượng cao không chỉ thể hiện ở chương trình báo cáo tại lễ bế giảng mà còn ở tinh thần học tập của các học viên. Tôi tin rằng các học viên sẽ là lực lượng MC có đóng góp tích cực vào các hoạt động văn nghệ, giao lưu ở Bình Định”.
|