|
Nhà thơ Xuân Diệu |
1. Mới đây, trong một chuyến “thực tế sáng tác” về Khu Đông, qua cầu Gò Bồi, anh em văn nghệ sĩ ồ lên khen đẹp. Gò Bồi của Xuân Diệu thiếu thời. Có đẹp thực không đoạn sông đầy rác với mấy lùm cừa nước xum xuê? Tôi tin vào cảm xúc tự tạo của giới văn nghệ trong niềm yêu đối với một tên tuổi lớn mà thấy đẹp, thấy thiêng. Hẳn anh em đang cố tìm trên đoạn sông này hình ảnh cậu bé tên Bàng đã tha thẩn nơi bến đò nước lên, đã đi dọc triền sông câu cá bắn chim, đã nghịch ngợm những trò chơi con trẻ. Nhưng Nhà Lưu niệm Xuân Diệu cách đó hơn trăm mét thì không mấy người nghĩ tới chuyện ghé vào.
Tên của ông, luôn được nhắc tới trên các diễn đàn đầy tự hào về xứ sở “đất võ trời văn”. Ở Quy Nhơn, có một câu lạc bộ văn học mang tên Xuân Diệu tồn tại đến nay đã gần hai mươi năm đều đặn sinh hoạt mỗi tháng một kỳ, cứ 18 tháng 12 anh chị em xúm xít góp tiền làm giỗ ông. Ngâm thơ ông rồi hát. Rồi đọc những bài thơ cảm tác về ông, ngô nghê và thành kính. Thỉnh thoảng có mời vài nhà văn tới dự, họ nói rất nhiều về “anh Xuân Diệu” thế này, thế khác, có vẻ thân thiết lắm. Chợt nhớ tính thẳng thắn của ông, nên thấy trên bức ảnh, Xuân Diệu như đang nhíu mày hỏi: “Chúng ta có quen nhau thật à?”.
2. “Bạn là bạn, thơ là thơ”- đó là câu nói trứ danh của Xuân Diệu trong Hội đồng xét giải thưởng tác phẩm hàng năm, khi ông bảo vệ tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ của Thanh Thảo, một nhà thơ trẻ không quen biết và khẳng định tập thơ của người bạn thân thiết Huy Cận không hay bằng. Thậm chí, ông đề xuất lấy 5 bài bất kỳ của mỗi tập, đọc rồi so sánh. Cũng thông cảm cho những thành viên khác, có thể họ cũng thấy vậy, nhưng chẳng lẽ một nhà thơ nổi tiếng lại xếp sau một tác giả trẻ mới vừa khẳng định mình? Sự thẳng thắn và “con mắt xanh” của ông đã thành công lần này. Một thành viên của Hội đồng đã kể lại nội vụ, chứ không phải ông sau này quen biết nhà thơ Thanh Thảo nói cho ra điều ơn nghĩa.
Và một lần Xuân Diệu thất bại. Lần chấm thi thơ trên báo Văn Nghệ năm 1983. Bài Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu định xếp giải nhất, đành nhường cho hai bài khác, vì nó chỉ là bài thơ tình và thật buồn. Giờ thì bài giải nhì năm ấy bạn yêu thơ đều nhớ, đều thuộc và chắc rằng vẫn còn được yêu mến lâu nữa. Còn nhiều ví dụ khác, nhưng rõ ràng, dù thành công hay thất bại, Xuân Diệu vẫn tỏ ra đơn độc giữa một xu thế có tính đường mòn. Đã mấy chục năm qua rồi, liệu bây giờ có còn ai cô đơn như ông trong những lần khảo thí hoặc xét các danh hiệu, xét kết nạp hội viên?
3. Ngoài thi tài, Xuân Diệu còn giỏi bình thơ, nói chuyện thơ. Ông là một trong các nhà thơ được mời đăng đàn nhiều nhất. Không biết trước kia sao, chớ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mỗi khi được mời nói chuyện, ông đều yêu cầu cấp cho diễn giả tối thiểu là bia, còn thường thì bia hột gà. Cũng nghe nhiều lần người ta nói sau lưng ông, rằng ông yêu sách, đòi hỏi. Ông chỉ đơn giản giải thích với vài người: “Phải cho nó biết giá trị của lao động trí óc!”. Nó ở đây là đơn vị mời ông nói chuyện. Tốt, xấu thế nào cũng là miệng người đời nhưng điều đáng nói là sau này, khi ông qua đời, mọi người cứ kể chuyện “đòi hỏi” trên của ông như một điều hay. Cũng chân thành cả thôi, dù chê dù khen, trong con người ấy, tôi chỉ muốn nói điều này, ông cô độc quá dù “tiền hung hậu kiết”.
4. Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, trên bàn làm việc của Xuân Diệu luôn có hoa. Lọ hoa luôn chỉ có một bông, hồng hay cúc, đồng tiền… Mùa nào thức nấy, nhưng chỉ một bông hoa. Chắc là ông chỉ cắm hoa theo sở thích và cho riêng mình.
Tôi nhớ một câu thơ của ông thời Thơ Mới: “Dẫu hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”. Cái hay, cái tinh tế của khía cạnh tình yêu trong câu thơ này, xin để các nhà phê bình phân tích. Cũng như lại nhớ một câu cũng của ông, sau này: “Cầm tay chủ nhật hòa chung phố người”. Ông nói thế thôi, trấn an mình thế thôi, huyễn hoặc mình chút thôi. Và ông, dù tin chắc thế, thì cũng chỉ là một liệu pháp tâm lý. Để sống. Mà thơ, dù là tài thơ, cũng không thể là chỗ bấu víu duy nhất.
5. Tôi không cảm thông, sẻ chia gì cả với ông. Tôi chỉ nhận thấy. Ông - thi sĩ Xuân Diệu - người lữ hành cô độc.
|