Những câu ca dao, tục ngữ, những truyền thuyết... lưu truyền trong dân gian là vốn quý của văn hóa dân tộc, nhưng lại đang dần mai một theo nhịp sống hiện đại. Để góp phần giữ gìn vốn quý này; đồng thời rèn luyện kỹ năng nghiên cứu cho sinh viên (SV), khoa Văn - Trường Đại học Quy Nhơn đã thường xuyên tổ chức cho SV điền dã sưu tầm văn học dân gian (VHDG).
|
Sinh viên khoa Văn trong đợt sưu tầm VHDG đang ghi lại những câu dân ca từ một người cao tuổi. Ảnh: N.O
|
* Đắm mình trong văn hóa dân gian
Những năm qua, khoa Ngữ văn thường tổ chức cho SV điền dã tại các vùng nông thôn ở các tỉnh miền Trung, mỗi đợt khoảng hai tuần. Đợt sưu tầm năm nay dành cho SV khóa 27, diễn ra tại ba xã: Hoài Xuân, Hoài Hương và Tam Quan Nam của huyện Hoài Nhơn. Đây là những địa phương có bề dày về trầm tích văn hóa, phong phú về các làn điệu dân ca và nhiều di tích lịch sử.
Đoàn SV gồm 120 người, đã được sự đón tiếp nhiệt tình, từ chính quyền địa phương đến người dân. Đặc biệt, những cụ già, những nghệ nhân xem đây là cơ hội hiếm hoi để họ được hát lại, ôn lại những bài dân ca đối đáp xưa, kể lại những câu chuyện xưa vẫn lưu truyền trong dân gian. Bạn Hồng Việt cho biết: “Mỗi lần đi sưu tầm, trước khi về, bao giờ các cụ cũng nói: Lần sau các cháu lại tới. Như thế là đủ hiểu được các cụ cũng rất muốn được lưu giữ vốn văn hóa này. Hơn nữa, đã lâu lắm rồi, các cụ chưa được hát, nên được mời hát, các cụ hát thao thao bất tuyệt, không tài nào ghi kịp”. Nhiều cụ già tuy không biết chữ, việc đi lại đã khó khăn, nhưng khi được SV gợi lại những bài hát, câu ca dao thì đôi mắt đã kèm nhèm bỗng rực sáng. Bạn Hồng Huế - nhóm trưởng nhóm sưu tầm, tâm sự: “Tụi em rất xúc động trước tình cảm của người dân các địa phương dành cho đoàn. Tình cảm ấy cho thấy rằng người dân nơi đây rất giàu tình cảm và quý trọng những giá trị văn hóa”.
* Một “kho vàng” đang biến mất?
Hai tuần tìm hiểu là quá ngắn để SV tiếp cận với kho tàng phong phú của VHDG ở các địa phương ở Hoài Nhơn, vốn rất đa dạng về thể loại và mang tính đặc trưng vùng miền rất rõ nét. Mỗi SV một cảm nhận khác nhau, nhưng ai cũng bất ngờ trước giá trị văn hóa phong phú của kho tàng VHDG ở các địa phương này. Bạn Minh Nga (quê Hà Nội) ngạc nhiên: “Em thực sự bị cuốn hút bởi những câu hát. Cuộc sống tinh thần của người bình dân thời xưa không ngờ lại phong phú và đẹp đến thế!”. Đặc biệt, các bạn ở nhóm Hoài Hương phát hiện ra nghệ nhân Nguyễn Chí Hiếu hát sắc bùa rất hay.
Tuy nhiên, rất nhiều bài dân ca hay, những điệu hát quý, đang có nguy cơ bị biến mất, bởi trí nhớ người già thì giới hạn, mà lớp kế thừa lại không có. Số người già hiểu biết cặn kẽ và lưu giữ có hệ thống về văn hóa dân gian thì hầu như không còn, trong khi thế hệ dưới 50 tuổi lại biết quá ít về vốn quý đó. Nhiều nghệ nhân tâm huyết đã lưu giữ lại bằng văn bản và dạy cho con cháu, thanh niên trong làng, nhưng số này rất ít. Trước thực trạng đó, nhiều SV tỏ ra bức xúc. Bạn Nguyễn Thị Mai tâm sự: “Thể loại hát sắc bùa ở Hoài Hương không chỉ mang đậm tính địa phương mà còn mang những giá trị văn hóa rất đặc sắc. Mong muốn của bọn em là địa phương và ngành văn hóa nên có một chính sách động viên nhằm lưu giữ lại thể loại này”.
|