Những chớp sáng ký ức Trường Sơn
18:33', 28/12/ 2006 (GMT+7)

Mỗi người lính đã đi qua Trường Sơn đều có một Trường Sơn của riêng mình. Với những người đã nằm xuống thì đành một nhẽ. Nhưng với những người còn sống, tới bây giờ những đỉnh cao Trường Sơn vẫn còn in đậm trong ký ức. Thỉnh thoảng những chớp sáng ký ức lại rực lên...

1.

Cự Nẫm, cái tên đã vang lên trong bài hát vượt thời gian của Nguyễn Văn Thương "Bình Trị Thiên khói lửa", là tên của một ngôi làng nhỏ, chắc sẽ rất dễ bị lãng quên nếu nó không nằm trên trục đường giao liên, nếu nó không từng là "bệ phóng" cho biết bao nhiêu đoàn quân lên Trường Sơn.

Làng ấy, như bàn tay của người mẹ vuốt lên tóc con ngày con lên đường ra trận, như cái vẫy tay cuối cùng của đất Quảng Bình tiễn những đoàn quân lên đường 559. Cái làng ấy, cũng là nơi lính ta đã đặt ra biết bao chuyện tiếu lâm mà nhân vật chính là "bọ", với vô số những đối thoại cười ra nước mắt của "bọ" và các con lính. Ai đi qua Trường Sơn mà chẳng đã ngủ một đêm cuối cùng trên đất Bắc, đêm cuối ở hậu phương tại ngôi làng ấy. Nghe nói, bây giờ, sau chiến tranh ngót phần ba thế kỷ, mà ngôi làng vẫn nghèo như thuở ấy, dân làng vẫn khổ như xưa. Có lẽ nói "như xưa" là chưa chính xác, đúng ra, phải nói là "khổ hơn xưa", vì "ngày xưa" ấy, ngày nào làng cũng đón các đoàn quân ghé lại trước khi lên Trường Sơn, và những người lính với những ba-lô nặng trĩu lương thực, đã san sẻ bớt cho bà con trong làng những gạo, sữa, bột ngọt, lương khô... một phần vì tình cảm quân dân, một phần để cho ba-lô bớt... nặng, trước khi vào cuộc đi bộ leo núi dài ngày. Chiều ba mươi Tết năm ấy, chúng tôi đã có cuộc "liên hoan" cuối cùng với các bọ các mẹ trong làng, gọi là "ăn Tết trước", kịp để 6 giờ chiều là lên đường. Thực đơn bữa liên hoan gồm có bánh kẹo, lương khô 701, chè Ba Đình, thuốc lá Điện Biên, được coi là một "thực đơn" vào hạng sang lúc bấy giờ. Tôi nhớ cái màu trời chiều 30 Tết, nhớ những mái nhà lợp lá gồi, lợp tranh nhỏ thấp, nhớ những mẹ già cũng thấp nhỏ dưới khung trời xám, nhớ cái không khí cuối cùng của đất Bắc mà chúng tôi sẽ không còn được thấy nữa vào đúng sáu giờ tối 30 Tết. Bây giờ, sau ngót 40 năm, tôi vẫn chưa có dịp nào quay trở lại Cự Nẫm, càng khó hơn nếu quay lại đúng chiều 30 Tết. Hàng triệu người lính đã qua ngôi làng ấy, đã ngủ một đêm cuối cùng ở đó trước khi vượt Trường Sơn, mấy ai trong số họ quay trở lại nơi ấy được một lần nữa ? Và những mái nhà tranh thấp nhỏ đã từng đón hàng chục vạn người lính qua đêm, võng mắc chéo hai tầng, những ngôi nhà ấy vẫn thấp bé mãi vậy sao ?

2.

"Những tiếng súng mừng xuân nổ trước hang đá. Vòm hang âm u giữ lại rất lâu những âm thanh đột ngột trong buổi sớm đầy sương. Trạm 5. Đất Lào. Tỉnh Tà-ven-oọc (Mặt trời mọc). Những chàng trai trẻ măng lố ngố. Những cô gái trẻ măng cười thật tươi, dù mới nín khóc". (trích nhật ký)

Sáng Mùng Một Tết, không có pháo đốt, chúng tôi đã bắn mấy phát súng mừng xuân. Trước khi hành quân, chúng tôi đã có 15 phút để ăn Tết trên Trường Sơn với đủ cả khóc cười. Khóc nhớ nhà và cười vui như trong một cuộc pic-nic. Chúng tôi đâu biết những gì sẽ chờ mình phía trước. Nhưng đời là vậy, cứ còn sống là còn khóc, còn cười. Dù chiến tranh có bộ mặt đáng sợ như thế nào, chẳng bao giờ nó dập tắt hết được những tiếng khóc và những nụ cười. Kể từ bước chân mở lối đầu tiên của đoàn quân ông Võ Bẩm, khai sinh con đường 559, đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng, nơi vết bàn chân người lính ăn lõm đá, nơi cái chết đồng hành hàng ngày cùng cái sống, nơi những nấm mộ mọc lên như những cọc tiêu chỉ đường, thì tôi vẫn thấy suốt hai nghìn cây số ấy, những giọt nước mắt và những nụ cười.

Có lúc, người ta chỉ viết về những nụ cười mà quên hoặc cố né tránh những giọt nước mắt. Có lúc, người ta lại chỉ viết về những giọt nước mắt mà không biết sự có mặt của những nụ cười. Tôi cũng đã từng ngạc nhiên : sao ở Trường Sơn mà vẫn còn những kẻ ác, những tên cơ hội, những thằng hèn ? Đó là cái ngạc nhiên của người chưa trưởng thành. Ở đâu mà chẳng có những người hiền kẻ ác, can đảm và hèn nhát, trung thực và cơ hội ? Trường Sơn cũng là một mảng của cuộc đời này, dù là một mảng đặc biệt.

3.

"Tôi không thể quên một vụ "hạ cờ tây" (thịt cầy tơ) dọc đường. Chúng tôi xé một nửa chiếc chăn mỏng đổi cho đồng bào Khơ-me lấy một chú vện. Một tiểu đội trưởng được miễn mang ba-lô để ôm chú vện. Đến trạm đã bảy giờ tối. Trong chốc lát triển khai xong kế hoạch. Tôi được phân công gác máy bay. Một cậu nữa gác trạm (gác "đằng mình"). Bộ phận chủ công thịt cầy dưới lòng suối cạn. Phải che kín ngọn lửa, đề phòng máy bay địch và các đồng chí trong trạm phát hiện. Hơn nửa giờ sau, mọi việc đã hoàn tất.

Có cả dồi, nướng, luộc. Có cả thứ rau rừng thơm mùi húng quế. Có cả bi-đông rượu "đồng bào" hơi nhạt nhưng cũng gây được không khí. Chúng tôi hể hả  liên hoan". (Trích nhật ký). Từ hơn hai chục năm nay, tôi tuyệt đối không ăn thịt chó, nhưng phải thú thật, bữa "hạ cờ tây" trên Trường Sơn năm ấy là bữa liên hoan ngoại hạng, ngon nhất mà tôi được ăn từ trước đến nay. Ngon và vui. Anh đã bao giờ thấy một đàn công rực rỡ bảy màu đột ngột bay lên trước mắt mình? Anh đã thấy một cánh rừng đầy những dò hoa phong lan nở thơm ngát ? Anh đã thấy... Nếu không gặp những cái đẹp nho nhỏ, những niềm vui nho nhỏ như thế, làm sao chúng tôi đi qua được Trường Sơn.

4.

"Buổi sáng ấy tôi bước vào tuổi 25

ở đường dây 559 - trạm 73

ngày sinh nhật bắt đầu bằng cơn sốt

cổ đắng khô ngồi thở trên đỉnh dốc

bạn mở bi-đông nhường hớp nước cuối cùng

hớp nước cuối cùng giữa cơn sốt đầu tiên

ngày sinh nhật tuổi 25 mình được uống"

(Trích "Những người đi tới biển")

Rất ít khi tôi nhớ ngày sinh nhật của mình, càng không bao giờ tổ chức lễ sinh nhật. Nhưng ngày sinh lần thứ 25 giữa Trường Sơn, với cơn sốt rét đầu tiên, với hớp nước cuối cùng bạn tôi nhường cho trong cơn khát hoa mắt... là những gì tôi cứ phải nhớ mãi. Với tôi, có được một "lễ sinh nhật" như thế là đủ cho cả một đời, sau này khỏi tốn công tổ chức lễ sinh nhật nữa.

5.

Mỗi người lính đã đi qua Trường Sơn đều có một Trường Sơn của riêng mình. Với những người đã nằm xuống thì đành một nhẽ. Nhưng với những người còn sống tới bây giờ, thì thỉnh thoảng, Trường Sơn lại sừng sững hiện lên trước họ như một thách thức. Lại phải leo dốc. Lại chinh phục những đỉnh cao của riêng mình. Lại khóc và lại cười. Đôi khi, lại nghe thoang thoảng hương hoa phong lan. Và có lúc nào, trong giấc mơ, được trở lại con đường mòn ấy, thấy hiện trước mắt, không phải một con gấu ngựa, mà rực rỡ cả một đàn công bay lên với đủ bảy màu...

  • Thanh Thảo
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Nhặt vàng” trong dân gian  (22/12/2006)
Tân Thần điêu đại hiệp - hấp dẫn ngay từ phút dạo đầu  (21/12/2006)
Quân với dân cùng hát  (21/12/2006)
Tác giả Tom & Jerry qua đời  (19/12/2006)
Người lữ hành cô độc  (20/12/2006)
Khi MC tập... nói  (19/12/2006)
Nhiều phát hiện mới về Tử Cấm Thành  (19/12/2006)
Chuyện người phụ nữ từng là "Đệ nhất trống trận Tây Sơn"  (18/12/2006)
An Nhơn đạt giải xuất sắc  (18/12/2006)
Một việc làm đúng mục đích và hiệu quả  (15/12/2006)
Quy Nhơn người cũ đâu rồi  (15/12/2006)
Mắm cá mương sông Côn  (15/12/2006)
Gặp tác giả tượng đài Hoàng đế Quang Trung  (14/12/2006)
Ảo Ảnh  (14/12/2006)
Hãng phim Thái Lan quay phim các di tích Chămpa Bình Định  (14/12/2006)