Trên từng bước chân (*)
10:13', 28/12/ 2006 (GMT+7)

Đây là cuốn sách thứ tư của Phạm Đương, sau Đêm không mưa ngày nắng (bút ký), Bùn non (thơ) và Phượng (tản văn). Xem ra nhà báo chuyên nghiệp này quyết chí với văn chương lắm lắm. Với văn chương có nhiều cách nghĩ, cách phát biểu, là một cuộc chơi, là điều hết sức cao quý, thiêng liêng, là đa mang vướng lụy, là nghiệp… Thì nói sao chả được bởi vì chưa hề có định nghĩa nào rốt ráo về văn chương. Nhưng gì thì gì, về căn bản, yếu tố cuối cùng không thể thiếu đối với văn chương, đó là sự hay. Nhưng sự hay thì cũng mỗi người nhận thức một phách. Nên rộng đường lắm.

Trong tình hình thơ Việt đang loay hoay giữa phần đông thi pháp cũ và những tìm tòi chưa thật định hình (chưa có tuyên ngôn và diễn đàn, thay đổi giọng điệu nhiều hơn tư duy thơ, và nhất là chưa thật chinh phục công chúng), Phạm Đương bất ngờ chường ra một gương mặt thơ, bụi bặm và táo tợn: quan sát, suy nghiệm rồi độp một cú, chả cần biết nó là cái thứ thi pháp gì. Nhưng dọc theo những bước chân tác giả, cứ giật mình trước những phát hiện trực diện, đơn giản và đau.

Bài đầu tiên, Buổi sáng thế này: "buổi sáng/ mở trang báo ra là gặp rác/ ập đến từ mọi phía/ cả cái phía từng được coi là sạch nhất", sau chuỗi dài cố gắng tìm khuôn mặt sạch mà không được, tác giả nhận ra mình "bây giờ anh mới thấy/ đôi khi mình cũng là một thứ rác/ vô cảm lặp lại mỗi ngày/ mãn tính". Cái "tôi" ở một bài khác là căng thẳng đến tột cùng chờ một phát súng "nã vào sự nhàm chán". Hoặc "lá thư với những dòng chữ yêu thương/ được anh đọc trong một ngày nhàn nhạt/ bây giờ có ngâm toàn thân trong muối/ cũng không thể nào mặn được" (Nhàn nhạt).

Có vẻ như một kiểu tự làm sang khi tác giả nói huỵch toẹt điều cũ mèm với thủ pháp "bóc trần cái thằng tôi"? Hãy khoan. Đây là anh viết về người mẹ đã quá cố của mình, người mẹ của chúng ta nghìn năm lui cui nhóm bếp: "bây giờ là bếp gas và điện/ mọi trật tự đã thay đổi/ chỉ bóng tối còn nguyên/ còn nguyên lũ chuột và dán/ dẫn mẹ ta đi đâu/ hỡi ngọn lửa ấm?" (Trong xó bếp). Và đây, khi nhìn bức ảnh thờ người anh được khoác thêm chiếc áo vét: "thời của công nghệ tin học/ có thể khoác đủ thứ lên người/ trừ nhân cách/ trừ khuôn mặt thật/ khuôn mặt anh là khuôn mặt thật/ mỗi lần nghĩ đến là em bật khóc" (Di ảnh).

Tôi đọc một chuỗi "tự quán" cùng các mối quan hệ với người thân của tác giả, nơi tương đối đáng tin cậy khi những người thân này đã qua đời, và thấy - không cách nào khác - gương mặt cuộc sống trần trụi, không che đậy tô vẽ, tất cả hiện lên bằng những quan sát, kết nối đầy sức thuyết phục vì những bất ngờ hiển nhiên. Thơ Phạm Đương là thơ của những bất ngờ hiển nhiên.

Cũng hiển nhiên khi trên từng bước chân nghề báo, anh ghi nhận những nỗi đau những mất mác trong chiến tranh, đúng hơn là thời hậu chiến. Một chị Thuỳ "còn kịp cứu một bàn thua/ cho những cầu thủ từng mặc áo đội tuyển/ nhiều người trong số họ/ giờ không muốn đá bóng/ chỉ thích bán độ/ và nhận huy chương" (Chị Thùy); một người lính đi qua chiến tranh "dám chết để được sống/ giờ sống như đã chết/ bốn đứa con nửa người nửa quỷ/ bốn đứa con như một niềm an ủi" (Những con đường rừng); rồi cảnh báo:

lấn về phía những nấm đất

cỏ dại không cất thành lời

phía ấy

chưa bao giờ được đền bù sòng phẳng

phía ấy

phía im lặng

phía của những cơn bão.

(Phía im lặng)

Cũng chỉ là một cách nói. Cho chính mình. Bởi anh cũng ngớp thở khi "nuốt từng hơi thở/ để nuôi ta hy vọng/ hy vọng nuôi ta vô vọng/ đang mọc lên những vì sao xa lắc/ những vì sao chẳng bao giờ cho quả" (Lúc nửa khuya). Nỗi vô vọng đã đẩy đến tận cùng: "lá vàng rồi rơi/ lá xanh rồi mọc/ anh rơi trong hoảng hốt/ sẽ mọc gì?/ mọc lên một dòng ngầu đục/ không phao cứu sinh." (Trong cơn giông).

Không thể tìm thấy một chút trò bùa chú chữ nghĩa, một cách nói đèm đẹp xu phụ cảm xúc, Phạm Đương chỉ nhận diện. Một kiểu bóc tách các lớp vỏ. Đôi lúc anh cũng sững sờ chính những phát hiện. Bởi vì, phát hiện của anh sau những bóc tách đôi khi lại là lớp vỏ khác và cái lõi cuối cùng của cuộc sống giống như lõi chuối, ô hô, nghĩa là không thể bóc tách đến tận cùng. Sự bất lực tất yếu. Đành vịn vào những Giấc mơ không tính lãi: "giấc mơ đâu đã buông anh/ nghe chảy dọc trong người/ những âm thanh trượt giá."

Giọng điệu của Phạm Đương là giọng điệu gây gổ. Nhưng chỉ là bề ngoài. Cái vẻ bụi bặm hảo hớn cốt che giấu chất yếu đuối cố hữu, đa mang đa cảm. Tôi phát hiện điều này khi thấy anh đối diện với tình: "ngày cũ ngày càng cũ/ người cũ sắp lên bà/ sờ râu gặp tua tủa/ biết nghìn trùng đã qua…"(Ngày cũ). Thì ra cũng… thi sĩ thường tình…!

Phạm Đương không tuyên ngôn gì cả về thơ. Vả lại, đã mấy tuyên ngôn có sức thuyết phục. Đọc thơ anh chỉ thấy một sự quẫy cựa. Về một cái tôi trượt giá. Về một cái không tôi trượt giá. Không tham vọng cải tạo thế giới. Không ồn ào khẳng định. Anh chỉ sắp xếp lại mấy thứ tình cờ thấy trên đường, chỉ nhặt nhạnh tình cờ trên đường. Rồi rải trên đường, nghiêm trang và tuỳ tiện:

chỉ có ông mới ví những ngọn tháp là GIỌT

một ngàn năm rơi không chạm đất

những giọt linh diệu

lơ lửng lưng chừng trời

bí ẩn

địa chỉ thường trú của sự bất tử

Giọt tháp Chàm

Không bí ẩn gì cả. Cũng là thơ. Một giọng thơ thứ thiệt của Những bước chân gửi lại.

  • Lê Hoài Lương

(*) Đọc tập thơ Những bước chân gửi lại của Phạm Đương, NXB Hội Nhà Văn, 2006

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuẩn bị cho mùa diễn Tết  (26/12/2006)
Những chớp sáng ký ức Trường Sơn  (22/12/2006)
“Nhặt vàng” trong dân gian  (22/12/2006)
Tân Thần điêu đại hiệp - hấp dẫn ngay từ phút dạo đầu  (21/12/2006)
Quân với dân cùng hát  (21/12/2006)
Tác giả Tom & Jerry qua đời  (19/12/2006)
Người lữ hành cô độc  (20/12/2006)
Khi MC tập... nói  (19/12/2006)
Nhiều phát hiện mới về Tử Cấm Thành  (19/12/2006)
Chuyện người phụ nữ từng là "Đệ nhất trống trận Tây Sơn"  (18/12/2006)
An Nhơn đạt giải xuất sắc  (18/12/2006)
Một việc làm đúng mục đích và hiệu quả  (15/12/2006)
Quy Nhơn người cũ đâu rồi  (15/12/2006)
Mắm cá mương sông Côn  (15/12/2006)
Gặp tác giả tượng đài Hoàng đế Quang Trung  (14/12/2006)