Nâng cấp Bảo tàng Quang Trung: Xin đừng chắp vá?
15:10', 28/12/ 2006 (GMT+7)

Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) là một điểm du lịch, hành hương không thể bỏ qua một khi đến Bình Định. Do vậy, thời gian qua, vấn đề tiếp tục đầu tư để nâng tầm Bảo tàng Quang Trung luôn được quan tâm. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần đặt trong một quy hoạch thống nhất, nếu không, sẽ không những không làm đẹp thêm cho không gian Bảo tàng, mà ngược lại...

 

Hai tòa nhà mới xây dựng trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: V.T

 

* Mơ một diện mạo mới

Năm 2003, quy hoạch tổng thể Bảo tàng Quang Trung được phê duyệt với tổng diện tích quy hoạch 15,72 ha. Theo quy hoạch tổng thể này, khuôn viên Bảo tàng sẽ được mở rộng từ khoảng 6 ha như hiện nay thành 9,25 ha. Phía trước Bảo tàng là Công viên Phú Phong với diện tích 3,76 ha. Khu vực Bến Trường Trầu có diện tích 1,24 ha. Bên cạnh đó, còn có 1,47 ha được dành cho giao thông cơ giới và bãi đậu xe.

Đồng thời với việc mở rộng khuôn viên, những công trình sẽ xây dựng hy vọng tạo cho Bảo tàng Quang Trung một diện mạo mới. Cụ thể, trong khuôn viên Bảo tàng, cùng với Tượng đài Quang Trung mới xây dựng, sẽ hình thành các nhóm tượng Tây Sơn gồm: nhóm tượng Tây Sơn tụ nghĩa, nhóm tượng Tây Sơn hành binh và nhóm tượng Tây Sơn khải hoàn dựng nước. Trong phạm vi mở rộng của Bảo tàng, sẽ có nhà lá mái, phục dựng hình ảnh đời sống sinh hoạt văn hóa vật chất, tinh thần của người Bình Định và nhà rông văn hóa Tây Nguyên. Nhiều hạng mục phục vụ khách tham quan sẽ được xây dựng như nhà giải khát, bán quà lưu niệm, bãi đậu xe và nhà lưu niệm. Riêng khu vực từ nhà Bảo tàng đến Bến Trường Trầu, theo quy hoạch, sẽ có một mảng cây xanh nhằm tạo không gian yên tĩnh, là nơi nghỉ ngơi, giải trí.

Trong Bảo tàng, có ba nhóm nhà chính: khu trưng bày chính, điện thờ Tây Sơn tam kiệt và nhà diễn võ. Ba nhóm này gợi ra ba hướng tỏa vào sân tượng, cùng với đường vào từ phía cổng Bảo tàng, tạo nên bố cục sân tượng tròn và cân đối, mở ra 4 hướng, xong lại tụ vào một điểm: đó là nơi đặt tượng đài Quang Trung. Nhìn bề ngoài, kiến trúc Bảo tàng Quang Trung mang đường nét cổ, với những hàng cột được nhắc lại có nhịp điệu và những lớp mái cong khỏe khoắn nhưng vẫn lãng mạn, hài hòa. Tất nhiên, những công trình xây dựng sau này nhằm mở rộng quy mô Bảo tàng là cần thiết nhưng về nguyên tắc, phải tôn trọng và làm đẹp thêm quần thể kiến trúc đã được xây dựng chuẩn mực trước đó.

 

Cổng vào Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: V.T

 

* Công trình: chính thành phụ

Từ sau khi quy hoạch trên được phê duyệt đến nay, trừ tượng đài Quang Trung, cổng Bảo tàng đã hoàn thành; nhà rông Tây Nguyên đang xây dựng; những hạng mục còn lại vẫn nằm trên giấy. Trong khi đó, lại có những hạng mục tuy không có trong quy hoạch, nhưng nay đã được xây dựng ngay ở những vị trí đắc địa nhất. Đó là hai tòa nhà, một là nhà làm việc của Bảo tàng, hai là nhà giới thiệu khách tham quan Bảo tàng, xây dựng ngay trên phần đất mở rộng thuộc khuôn viên Bảo tàng.

Hai tòa nhà, kiến trúc tầm thường, không có gì đặc sắc, lại “lạc nhịp” trong quần thể kiến trúc chung của Bảo tàng, đập ngay vào mắt khách tham quan khi bước chân vào cổng bảo tàng. Một KTS (xin được giấu tên) phân tích: “Với một Bảo tàng, công trình chính là nơi trưng bày các hiện vật, nơi khách đến tham quan; còn nhà làm việc của cán bộ - công nhân viên Bảo tàng chỉ là những công trình phụ. Và những kiến trúc khác phải được xem là kiến trúc phụ, phải cùng quy chiếu vào phong cách kiến trúc của công trình chính mới tạo được tổng thể đẹp. Với Bảo tàng Quang Trung thì ngược lại, nhà làm việc đáng lẽ là công trình phụ, phải ẩn đi, thì lại xây ở vị trí trung tâm, kiến trúc không phù hợp với nhóm kiến trúc chính”.

Điều đáng nói nữa là chỉ sau khi hai tòa nhà này mọc lên rồi, người ta mới tính đường “điều chỉnh quy hoạch” tức là điều chỉnh cho hợp với cái “sự đã rồi”. Và khu vực sân phía trước hai tòa nhà này, theo phương án điều chỉnh, sẽ được dùng làm bãi đậu xe, sẽ càng làm cho hai tòa nhà mới xây dựng này thêm phần lạc lõng. Ngay như việc xây dựng các bồn hoa trong khu vực bãi đậu xe này cũng chưa phù hợp, bởi xe ô tô muốn vào đậu rất khó do khoảng cách giữa các bồn hoa đang xây dựng quá hẹp.

Còn nhớ, trong một lần đến Bảo tàng Quang Trung để thẩm định tượng đài Quang Trung, nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) và họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) từng đề nghị cần chỉnh sửa lại các chi tiết kiến trúc trong Bảo tàng, từ lan can, màu vôi, đến các chi tiết mái... của các công trình. Đồng thời, quy hoạch hệ thống cây xanh, nhằm tạo vẻ đẹp hài hòa chung, từ đó mới có thể tạo được dấu ấn riêng trong cảnh quan của Bảo tàng. Ý tưởng ấy chưa thành hiện thực, thì với cách làm như hiện nay, Bảo tàng Quang Trung lại càng trở nên lộn xộn với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Hiện nay, nhà rông Tây Nguyên tại Bảo tàng đang chuẩn bị hoàn thành. Sắp tới, sẽ dựng nhà lá mái Bình Định. Tuy nhiên, nếu những công trình mới này không được đặt trong tổng thể chung với ý tưởng quy hoạch thống nhất thì sẽ dẫn đến tình trạng chắp vá, lộn xộn trong quần thể kiến trúc Bảo tàng.

  • Khải Nhân
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trên từng bước chân (*)  (28/12/2006)
Chuẩn bị cho mùa diễn Tết  (26/12/2006)
Những chớp sáng ký ức Trường Sơn  (22/12/2006)
“Nhặt vàng” trong dân gian  (22/12/2006)
Tân Thần điêu đại hiệp - hấp dẫn ngay từ phút dạo đầu  (21/12/2006)
Quân với dân cùng hát  (21/12/2006)
Tác giả Tom & Jerry qua đời  (19/12/2006)
Người lữ hành cô độc  (20/12/2006)
Khi MC tập... nói  (19/12/2006)
Nhiều phát hiện mới về Tử Cấm Thành  (19/12/2006)
Chuyện người phụ nữ từng là "Đệ nhất trống trận Tây Sơn"  (18/12/2006)
An Nhơn đạt giải xuất sắc  (18/12/2006)
Một việc làm đúng mục đích và hiệu quả  (15/12/2006)
Quy Nhơn người cũ đâu rồi  (15/12/2006)
Mắm cá mương sông Côn  (15/12/2006)