Hiện nay, toàn tỉnh có 14 đô thị. Con số ấy chưa nhiều, tốc độ đô thị hóa cũng chưa cao, nhưng điều đáng quan tâm hơn, đô thị chưa có sức thu hút tự thân, diện mạo đô thị chưa tìm được những nét riêng.
|
Quy hoạch khu đô thị sinh thái - du lịch bắc sông Hà Thanh (TP Quy Nhơn). Ảnh: V.T
|
* Đô thị hóa đúng quy luật
Những năm qua, tốc độ đô thị hóa ở tỉnh Bình Định tăng dần, tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Đô thị hóa như vậy là diễn ra đúng quy luật. Nếu năm 1995, tỷ lệ đô thị hóa đạt 19,2%, thì đến năm 2005, con số này đã là 25,1%. Trong 10 năm (1996-2005), số lượng đô thị tăng thêm 4 thị trấn và đến nay, toàn tỉnh đã có 14 đô thị. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất - kỹ thuật của các đô thị bước đầu đã được đầu tư. Bộ mặt kiến trúc các đô thị được chỉnh trang và xây dựng.
Tuy nhiên, tốc độ tăng tỷ lệ đô thị hóa như vậy xem ra vẫn chậm hơn so với các tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm cả nước (tỷ lệ đô thị hóa bình quân toàn quốc là 26%).
* Thiếu những nét riêng về diện mạo
Trong một lần đến Quy Nhơn, KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, đã tỏ ra ngạc nhiên trước sự phát triển của các đô thị ven Quốc lộ 1A ở tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, các đô thị này đơn thuần vẫn trải dọc theo Quốc lộ và chưa có dấu ấn riêng.
Đây là một nhận xét hữu lý. Những khu sầm uất nhất của đô thị gói gọn trong lòng bàn tay, vệt loang lổ là những con lộ ra ngoại vi. Ngay như việc khai thác quỹ đất cho xây dựng đô thị hiện nay chúng ta cũng chỉ tập trung khai thác vùng có khả năng sinh lợi và quá coi trọng việc phân lô, tự xây, bám dọc Quốc lộ, tỉnh lộ. Điều này, vừa không khai thác được cảnh quan riêng của từng đô thị, mà còn làm hiệu quả của việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng thấp.
Trung tâm hành chính huyện Vĩnh Thạnh là một ví dụ. Đây là một trung tâm huyện lỵ được thiết kế và xây dựng gần đây. Tuy nhiên, các nhà thiết kế lại chưa để tâm nhiều đến địa hình, chất liệu xây dựng, nên các công trình xây dựng còn thiếu tính “kết tụ” về văn hóa.
Ngay với TP Quy Nhơn, có những khu mới, nhưng kiến trúc nhôm nham, điển hình là khu tái định cư Bắc sông Hà Thanh hiện nay. Với đô thị Bồng Sơn, việc điều chỉnh quy hoạch đã khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên vùng đất ven bờ Bắc sông Lại, tạo thành trục trung tâm hành chính - dịch vụ. Nếu triển khai quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị được nghiên cứu tốt, chắc chắn Bồng Sơn trong tương lai sẽ là một đô thị đẹp.
* Đến năm 2020, sẽ có thêm 11 đô thị
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Bình Định đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ có 19 đô thị và năm 2020 là 25 đô thị. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư TP Quy Nhơn đảm nhiệm vai trò hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tiến đến nâng cấp trở thành đô thị loại I có vai trò quốc gia. Đồng thời, phấn đấu thành lập thị xã Bình Định trước năm 2008, thị xã Bồng Sơn trước năm 2010 và thị xã Phú Phong trước năm 2015.
Để thực hiện quy hoạch trên, với TP Quy Nhơn, cần sớm triển khai các quy hoạch chi tiết chỉnh trang - cải tạo các phường nội thành, lập quy hoạch chi tiết cho các khu vực ngoại thành và thiết kế khu vực trung tâm đô thị nhằm nâng cấp bộ mặt đô thị. Với các đô thị khác, cần nhanh chóng lập quy hoạch chi tiết xây dựng, làm cơ sở cho việc đầu tư, quản lý và xây dựng đô thị theo quy hoạch. Bên cạnh đó, cần phải củng cố bộ máy quản lý đô thị.
|