Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân vật trữ tình lớn trong thơ
9:47', 3/2/ 2006 (GMT+7)

"Không phải chuyện đời xưa mà chuyện đời nay/ Có một người chất vạn gánh trên vai/ Vạn gánh đầy tràn, gánh to, gánh nhỏ/ Gánh như núi, gánh dồn như thác đổ/ Trên đôi vai, người ấy gánh và đi..." (thơ Xuân Diệu).

Aragông, nhà thơ siêu thực, khi trở thành đảng viên Cộng sản, trở thành nhà thơ hiện thực XHCN đã viết bài thơ Nhà thơ tặng Đảng của mình, một bài thơ hay, rất phổ biến ở Việt Nam qua bản dịch tuyệt vời của nhà thơ Tố Hữu: "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như trẻ thơ tôi nào biết được/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/ Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông"... "Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà/ Đảng ta ơi, cảm ơn người dạy dỗ/ Từ đó lòng tôi sướng vui đau khổ/ Và tình yêu, căm giận hóa lời ca...".

Đảng là cảm hứng thơ, là nguồn thơ, là nhân vật trữ tình lớn trong thơ vì lý tưởng của Đảng thật cao cả, sự nghiệp của Đảng rất vẻ vang, những đảng viên của Đảng là những người con ưu tú của dân tộc đã không ngừng phấn đấu hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân như Bác Hồ đã nói: "Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/ Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/ Đảng ta là đạo đức là văn minh/ là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no. Công ơn Đảng thật là to/ Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng" (Lời khai mạc lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng - Hồ Chủ tịch - Huỳnh Lý chọn lọc, giới thiệu, chú thích. NXB Giáo dục 1971 trang 253).

Tố Hữu, nhà thơ Cộng sản, nhà thơ lớn của dân tộc, là người viết nhiều về Đảng nhất. Không kể nhiều bài viết về những người Cộng sản cụ thể mà tiêu biểu là những bài thơ về Bác Hồ, Nguyễn Chí Thanh, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, Hồ Giáo..., Tố Hữu còn có một số bài thể hiện trực tiếp Đảng như một đối tượng trữ tình. 30 năm đời ta có Đảng là một bản trường ca về Đảng, một bài sử ca cũng là bài thơ trữ tình thiết tha đằm thắm về Đảng. Hơn 300 câu viết về lịch sử của Đảng mà không có đoạn nào rơi vào diễn ca, vè. Ví dụ, đoạn nói về sự thành lập Đảng cũng là một đoạn xúc động: "Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ Không quê hương sương gió tơi bời/ Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên người hôm nay". Cảm động nhất là những đoạn nói về gương hy sinh của những đảng viên và tình dân với Đảng: "Chết nằm xuống còn hôn cờ Đảng/ Chết còn trao súng đạn quên đau/ Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng". "Ơn Người như mẹ như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con/ Nghèo rau cháo từng lon gạo bữa/ Dành cho ta chút sữa cầm hơi/ Những khi tắt lửa tối trời/ Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta/ Những khi giặc khảo giặc tra/ Cắn răng thà chết không xa Đảng mình".

Với tư cách là nhà thơ, là văn nghệ sĩ của Đảng, Tố Hữu đã viết những vần thơ đầy hình tượng và cảm xúc nói lên quan điểm văn nghệ của Đảng: "Nhân dân là bể/ Văn nghệ là thuyền/ Thuyền xô sóng dậy/ Sóng đẩy thuyền lên/ Thuyền ra khơi xa/ Gió căng buồm lộng/ Buồm là lao động/ Gió là Đảng ta" (Đề từ tập thơ Việt Bắc). Tác giả khẳng định sự thống nhất giữa Đảng và thơ, giữa chính trị cách mạng và nghệ thuật cách mạng "... Rằng thơ với Đảng nặng duyên tơ/ Thuyền bơi có lái qua mưa gió/ Không lái thuyền trôi lạc bến bờ.../ Lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ.../  Càng thấu nhân tình nên vẫn thơ" (Tâm sự).

Thơ Chế Lan Viên giàu yếu tố triết luận nên cũng dễ hiểu khi ông có nhiều bài thơ viết về Đảng: Kết nạp Đảng trên quê mẹ, Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa... Ngày kết nạp Đảng, với mỗi người, là một kỷ niệm lớn trong đời. Đoạn đầu của bài thơ, tác giả như nói hộ chúng ta những cảm xúc xốn xang, trong sáng trong ngày đứng vào hàng ngũ của Đảng: "Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác/ Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt/ Đá sỏi, cây cằn sao bỗng thấy thiêng liêng/ Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn/ Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết...". Đoạn sau là cảm xúc, suy nghĩ về quê hương, về mẹ khiến ta hiểu sự giác ngộ sâu sắc của tác giả về Đảng. Đảng là những gì thiêng liêng, máu thịt của đời ta: "Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào?/ Từ buổi dạy con lòng thương, ghét ban đầu/ Từ quê mẹ nghèo, từ đời mẹ khổ/ Từ giọt lệ khóc tù đi biệt xứ/ Từ nắm cơm khô đưa cán bộ thoát làng.../ Tưởng như cả quê hương giới thiệu tôi vào Đảng/ Rẫy bắp, vườn tiêu, bờ tre, bãi sắn/ Những đồi tranh ăn độc gió Lào.../ Ôi tiếng đầu tiên gọi ta "đồng chí"/ Là tiếng quê hương ấm lành Quảng Trị.../ Tôi đứng dưới cờ đưa tay tuyên thệ.../ Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu...".

Chế Lan Viên giỏi về thơ thời luận, là tác giả của nhiều bài thơ thời luận rất thơ, trong đó có Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa. Tác giả ca ngợi Đảng, người có con mắt "Nhìn thấu vận mệnh nghìn năm sau cho Tổ quốc/ Một câu Kiều cho chí một nhành hoa"...

Vốn là một hồn thơ sôi nổi, Xuân Diệu đầy nhiệt tình cách mạng trong thơ ngay từ "thuở ban đầu dân quốc" với những tráng ca... Sau này, ông cũng là tác giả một bài thơ chính luận nổi tiếng với cái tên tưởng khó đi vào thơ: Vô sản chuyên chính. Nhưng bài thơ hay nhất mà ông viết về Đảng là bài Gánh, trong đó, ông thực sự đã xây dựng được nhân vật trữ tình đích thực. Ông hình dung Đảng như một con người gánh trên vai gánh nặng vận mệnh của non sông đất nước và số phận của nhân dân. Con người đó đã "gánh" được, "gánh" giỏi, "gánh" bền bỉ và đã đi đến đích vì có tâm, có sức, tâm vì dân và sức dựa vào dân: "Không phải chuyện đời xưa mà chuyện đời nay/ Có một người chất vạn gánh trên vai/ Vạn gánh đầy tràn, gánh to, gánh nhỏ/ Gánh như núi, gánh dồn như thác đổ/ Trên đôi vai, người ấy gánh và đi...". "Người gánh, gánh của chúng tôi: là Đảng/ Người gánh gánh với chúng ta: là Đảng/ Người gánh ta, ta gánh người: là Đảng...". Cái hay nhất của bài thơ thể hiện được sự gần gũi của Đảng đối với dân và những câu thơ nhờ đó cũng có thêm sức gợi cảm cụ thể: "Trăm dâu đổ đầu tằm/ Trăm trách nhiệm đổ vào người trách nhiệm/ Bàn ghế ở đâu xộc xệch: Người ấy phải lo/ Đường sá ở đâu, bụi bặm: Người ấy phải lo/ Trẻ con bụng còn giun dãi: Người ấy phải lo/ Một lá rau, hạt muối cũng cơ đồ/ Một tấm áo cũng to như biển cả/ Một người khóc phải giải sầu nâng đỡ/ Trên núi còn run, lỗi đó tại mình!". Những câu thơ làm ta nhớ đến câu nói của Bác Hồ: "Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân". Bởi thế, khi Xuân Diệu nói lên tình yêu Đảng "Ôi người yêu, yêu hơn cả ái tình" thì không ai thấy là cường điệu.

Một nhà thơ ở miền Nam đã viết nhiều về những đảng viên của Đảng. Đó là Thanh Hải. Ông đã viết về người đảng viên ở Thừa Thiên - Huế trong những năm kháng chiến chống Pháp trong bài Những đồng chí trung kiên và ông đã lấy nhan đề của bài này để đặt tên cho tập thơ in năm 1962 của ông, tập thơ đã được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965). Cũng trong tập thơ này, ông đã khắc họa hình tượng người cộng sản anh hùng làng Dương và đã để nhân vật tự định nghĩa hai chữ "Cộng sản" bằng chính khí phách lẫm liệt của mình: "Cộng sản không da đồng/ Cộng sản không xương sắt/ Nhưng cộng sản sẵn sàng/ Chết cho nước không mất/ Chết cho đồng bào còn/ Chết cho cháu cho con".

Thanh Hải cũng có một bài nói lên tâm sự của mình về Đảng, bài "Tôi sinh năm 30", tác giả gắn ngày sinh của mình với ngày ra đời của Đảng để nói đời mình đã có Đảng, đã được Đảng dạy dỗ, hồi sinh. Ta gặp lại ý tưởng của nhà thơ cộng sản Pháp Aragông: "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng".

Huy Cận cũng có nhiều bài thơ viết về những người con của Đảng, những bài thơ tâm sự về sự thay đổi tâm hồn ông do Đảng đem lại. Ông có một bài trực tiếp nói về Đảng, bài Tặng Đảng, là lời ca ngợi và biết ơn Đảng đã đưa lại cuộc đời mới cho dân tộc, cho mỗi con người: "Đảng thân yêu, Đảng tiếp tục nghìn đời/ Sống dũng cảm của cha ông đau khổ/ Đảng thức gọi những sông Hồng thắm đỏ/ Làm lại địa dư cuộc sống con người" "Như bình minh mở quạt nắng làm ngày/ Chúng tôi tỏa tám phương trời theo Đảng".

Một bài thơ triết luận sâu sắc về Đảng đã một thời gây chú ý là bài Đảng của Việt Phương. Tiếp theo những câu thơ đầy hình tượng mang hình thức định nghĩa, khẳng định sức mạnh lớn lao, công lao vĩ đại của Đảng, là những câu thơ mới và lạ: "Đảng là những người so từ khuôn mặt đến tâm hồn đều khác/ Chỉ cùng chung con đường và cùng chung tiếng hát". Tác giả nhấn mạnh cả cái chung và cái riêng của những con người theo Đảng. "Đảng là cái ranh giới có lúc tưởng chừng mỏng manh như sợi tóc/ Giữa thẳng ngay với gian tà, giữa trung thành và phản phúc/ Đảng là tiếng gọi thầm rất vang khi sắp làm sai/ Nghìn cặp mắt nhìn khi ở riêng mình không bóng một ai". "Đảng là lửa đốt veo cái hôm qua tưởng lầm chân lí/ Sự chiếm lĩnh những chân trời xa không ngừng không nghỉ". Tác giả đã khẳng định Đảng là lương tâm, là ý thức tự giác, là khả năng tự bảo vệ của con người trong cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái ác và cái thiện, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái đúng và cái sai, giữa bảo thủ và tiến bộ trong bản thân mình và ở đây, ta lại gặp "Con mắt thần chủ nghĩa" mà Tố Hữu đã nêu cao, đã biểu dương trong bài thơ Con cá chột nưa (Tập thơ Từ ấy).

Đảng là tổ chức chính trị đại diện cho một giai cấp, một tầng lớp xã hội và đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp, tầng lớp ấy. Với định nghĩa trên, Đảng là một khái niệm, một phạm trù trừu tượng, một vấn đề lý trí khó có thể đi vào thơ với tư cách một nhân vật trữ tình, vốn là một hình tượng cụ thể mang nội dung cảm xúc chủ quan. Điều đó có thể đúng với Đảng nào khác nhưng với Đảng Cộng sản thì không phải như vậy.

. Theo Đặng Hiền (VOV)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu và chiến thắng Đồi 10  (02/02/2006)
Kỷ niệm 217 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (02/02/2006)
Ngân vang những giai điệu ca ngợi Đảng quang vinh  (01/02/2006)
Chợ hoa Quy Nhơn xuân Bính Tuất   (28/01/2006)
Món quà đầu xuân của nhân loại   (28/01/2006)
Tưng bừng dạ hội Tháp Đôi   (28/01/2006)
Thách đối - ai đối được không ?  (27/01/2006)
Gặp nhau cuối năm - ''bữa tiệc'' thịnh soạn đêm giao thừa  (27/01/2006)
Nghệ thuật truyền thống: Mạch nguồn vẫn tuôn chảy  (26/01/2006)
Tạp bút: Phía sau những cuốn sách  (26/01/2006)
Tạp bút: Báo Tết  (25/01/2006)
Triển lãm Báo Xuân Bính Tuất  (25/01/2006)
Bảo tàng Quang Trung: Rước Ngài về vui xuân  (25/01/2006)
Nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Bính Tuất  (24/01/2006)
Băng nhân trong Thơ duyên (*)  (24/01/2006)