Là ông vua sính thơ và khá hay chữ nghĩa trong các buổi triều hội, Tự Đức thường đọc cho quần thần nghe những bài thơ của mình và sung sướng nghe cả triều đình đua nhau khen ngợi, tâng bốc.
Vào một sớm xuân, trước mặt quần thần, vua Tự Đức khoe rằng đêm qua mình đã nằm ứng mộng được hai câu thơ rất hay:
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Nghe xong, các quan trong triều đều xúm lại tấm tắc khen. Cao Bá Quát đột nhiên đứng dậy nói:
- Muôn tâu hoàng thượng! Đó chính là hai câu trong một bài thơ mà thần đã được nghe từ lâu rồi ạ.
Vua Tự Đức hết sức ngạc nhiên, vì đó chính là hai câu thơ do mình vắt óc nghĩ suốt đêm qua, sao lại là của một bài thơ cũ được. Các quan cũng giật mình, vì quả thực họ chưa nghe, chưa đọc hai câu thơ ấy bao giờ. Tuy vậy, nhà vua nói với Cao Bá Quát:
- Nếu nhà ngươi đã từng đọc thì toàn bài thơ đó ra sao, ngươi đọc cho trẫm và các quan nghe thử.
Tưởng Cao Bá Quát bí. Không ngờ ông thản nhiên đọc luôn:
Bào mã tây phong huếch hoác lai
Huênh hoang nhân sự thác đề hoài
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp
Thiên thu chi kiến vũ bài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân túc
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài
Nghĩa là:
Ngựa báu theo gió tây huếch hoác lại
Huênh hoang người tự theo về
Trong vườn, tiếng oanh hót khề khà
Ngoài đồng, hoa đào nở lấm tấm
Ngày xuân chẳng nghe sương lộp độp
Trời thu chỉ thấy sương bài nhài
Khù khờ câu thơ đã nhiều người biết
Còn khệnh khạng đem hỏi các bậc tú tài.
Nghe xong bài thơ cả vua lẫn quần thần giương mắt nhìn nhau. Đấy chính là giọng thơ của Cao Bá Quát chứ chẳng có bài thơ cũ nào cả, thế mà dám chê nhà vua là "khù khờ","khệnh khạng". Tuy giận tím mặt nhưng vua Tự Đức không bắt tội được Cao Bá Quát, còn thán phục trước tài thơ như thần của ông.
|