Chuyện người lưu giữ ký ức
10:17', 5/2/ 2006 (GMT+7)

Tây Sơn - một mảnh đất đầy ắp những chứng tích lịch sử và huyền thoại. Những câu chuyện lịch sử của ngày hôm qua được lưu giữ trong ký ức của ngày hôm nay thật lung linh, kỳ ảo, nhưng đôi khi cũng giản dị đến không ngờ.

Du khách mỗi lần đến thăm Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn đều không khỏi ngạc nhiên khi gặp một nhân viên bảo tàng đặc biệt - người lưu giữ và giới thiệu lịch sử bằng một cách thức cũng rất đặc biệt, đó là: chị Nguyễn Thị Thuận, với bài trống trận ca ngợi khởi nghĩa Tây Sơn đầy ấn tượng.

 

                 Chị Thuận bên dàn trống trận Tây Sơn.

 

Lắng nghe nhạc trống

Cứ mỗi dịp xuân về, vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch, người dân ở khắp nơi lại đổ về Tây Sơn dự lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. 217 năm trước, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã làm nên một chiến công vang dội lịch sử: Lãnh đạo nhân dân tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Đến thăm Bảo tàng Quang Trung, khách tham quan bao giờ cũng bị bất ngờ với cách giới thiệu lịch sử của những nhân viên bảo tàng nơi đây. Những ký ức lịch sử không nằm bất động trong các hiện vật trưng bày trong tủ kính, trên bục gỗ... mà nó hiển hiện thật sinh động qua từng đường roi, khúc nhạc (trống), thế quyền được các nhân viên bảo tàng giới thiệu.

Tất cả các nhân viên bảo tàng đều được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. Họ không chỉ là hậu duệ của những chiến binh Tây Sơn năm xưa mà còn là những môn sinh của những lò võ Tây Sơn nổi danh thời nay. Thứ mà họ lưu giữ và giới thiệu không chỉ là những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của người xưa truyền lại, mà còn là những ký ức lịch sử được nhen nhóm, bồi tụ và in dấu trong tâm hồn của bao thế hệ người Tây Sơn - Bình Định.

Chúng tôi đã hàng chục lần đến Bảo tàng Quang Trung, và lần nào cũng vậy, được nghe nhạc trống, được xem biểu diễn võ và nhạc võ Tây Sơn, nhưng lần nào cũng thấy rạo rực, nghe tiếng hồn thiêng sông núi trở về. Trong cái lãng đãng của tinh khôi xuân sớm, quyện trong trầm mặc khói hương, lẫn với cái náo nức, rộn ràng trẩy hội, tiếng trống vang lên giữa những nhịp quyền khỏe khoắn làm cho ký ức của một thời kỳ lịch sử tràn về rất đỗi hào hùng và sống động.

Một không gian kỳ ảo xuất hiện: vừa quen vừa lạ, vừa hư vừa thực, vừa cổ xưa vừa hiện đại... Tất cả như ẩn hiện qua nhịp trống của một người đàn bà, đưa người xem, người nghe viễn du vào khoảng không gian của ký ức. Người ta tự hỏi: Cái cảm giác thực thực, hư hư ấy là do đâu? Do tiếng trống hay do người đánh trống?

Mối duyên thiên định

Đã hơn 20 năm qua, biết bao lớp võ sinh, võ sĩ đã rời sàn diễn này, nhưng người ta vẫn thấy Nguyễn Thị Thuận ngày ngày vung dùi trên giàn trống với những chiếc trống mang tên 12 con giáp. Gần như cả cuộc đời chị đã gắn bó cùng bài trống ca ngợi khởi nghĩa Tây Sơn như một mối duyên trời cho, không định trước.

Tiết mục trống ca ngợi khởi nghĩa Tây Sơn do chị Nguyễn Thị Thuận biểu diễn dường như đã trở thành một phần không thể thiếu được trong kho thông tin lịch sử mà bảo tàng này lưu giữ và giới thiệu.

 

              Chị Thuận đang truyền nghề lại cho con gái.

 

Người dân vùng Tây Sơn hạ ngày nay còn nhớ rất rõ bài trống ca ngợi khởi nghĩa Tây Sơn. Trước kia, bài này được gọi là bài 12 trống. Bài trống này trước đây chỉ biểu diễn thu hẹp trong các ban nhạc lễ. Thời đó, chiến công lịch sử của các vị anh hùng Tây Sơn còn bị bao phủ bởi màn sương mù của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Sự thù địch, đàn áp của nhà Nguyễn đối với phong trào Tây Sơn đã khiến không một người dân nào dám công khai bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình với ba vị anh hùng. Tất cả các công lao, chứng tích của nhà Tây Sơn đều bị phế bỏ. Ngay cả người dân Tây Sơn cũng không dám công khai thờ cúng nhà Tây Sơn, tế lễ chỉ là mật niệm.

Ngay sau ngày thống nhất đất nước, sự nghiệp và công lao của nhà Tây Sơn được chính thức tôn vinh, công nhận. Người dân Tây Sơn có điều kiện công khai niềm tự hào ngưỡng vọng của mình. Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt được khôi phục, trùng tu, nhân dân trong vùng quanh năm hương khói. Bài trống 12 chiếc từ đó cũng được phổ biến và phát triển thành bài trống ca ngợi khởi nghĩa Tây Sơn.

Dù xuất xứ của bài trống chưa được truy nguyên tận gốc, nhưng có điều kỳ lạ là mỗi khi bài trống vang lên là người nghe lại một lần được sống lại với không khí lịch sử xa xưa.

Giống như các bạn trong đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung, Thuận cũng là con của một gia đình nông dân, gốc ở Phú Phong. Ngôi nhà của chị cũng ở làng Kiên Mỹ - cách nền đất cũ của gia đình anh em Tây Sơn xưa không xa.

Mấy chục năm qua, ai cũng biết đến gia đình của Thuận có nghề chơi nhạc lễ. Cha, chú, các anh em họ và cả chị gái duy nhất của Thuận đều có chân trong đội nhạc bát âm, chuyên phục vụ các dịp lễ hội, ma chay trong vùng. Lên 5 tuổi, Thuận bắt đầu được cha cho cầm dùi trống. Cha Thuận chỉ sinh được 2 cô con gái nên ông đành làm cái việc mà xưa nay trong làng bát âm chưa có ai làm: Đó là truyền nghề cho con gái và cho phép 2 chị em có mặt trong đội nhạc cúng mỗi khi có đám tế lễ.

Năm Thuận lên 10 tuổi, để trả nghĩa cho gia đình Thuận, một người chơi nhạc lễ đã truyền cho 2 chị em Thuận một bài trống nổi danh thời bấy giờ. Đó là bài "mười hai trống". Thế là từ đó, hai chị em Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Thuận, ngoài những lúc giúp cha mẹ làm việc nhà, đồng áng lại cùng nhau luyện trống.

Những ngày đầu chị em Thuận tập với hai trống, rồi bốn trống, vài tháng sau mới chơi được sáu trống, tám trống rồi cuối cùng thì họ chơi được cả bài nhạc với 12 trống.

Năm 1979, Thuận lần đầu tiên xuất hiện tại Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh với bài biểu diễn 12 trống ca ngợi khởi nghĩa Tây Sơn. Bài trống đầy ấn tượng của Thuận đã được người nghe nhiệt liệt tán thưởng. Và từ đó, như một cơ duyên, đã đưa Thuận trở thành người đánh trống tại Bảo tàng Quang Trung.

Múa... dùi trên trống

Nhiều năm đã trôi qua, kể từ khi hai chị em Tâm - Thuận tập gõ những nhịp đầu tiên trong bài 12 trống. Số phận dường như đã chọn người em là Nguyễn Thị Thuận trở thành người đánh trống Tây Sơn, còn người chị giờ đây đã ngoại ngũ tuần vẫn tảo tần cùng đồng ruộng và thỉnh thoảng góp tiếng trống trong lễ cúng ở làng.

 

              Chị Thuận giản dị bên đám đất vườn nhà.

 

Người cha - người thầy đầu tiên của hai chị em đã mất, nhưng cái việc ông quyết định chọn 2 con gái để truyền nghề, cho đến giờ đây vẫn là niềm tự hào của người vợ góa đã 86 tuổi. Bà hãnh diện bởi nhiều người nói với bà: "Nhìn cô Thuận đánh trống Tây Sơn là biết ngay mảnh đất này đã từng sản sinh ra nhiều nữ tướng".

Bên giàn trống, trông Thuận sắc sảo, điêu luyện bao nhiêu thì bên đám đất vườn nhà, cùng 2 cô con gái, trông Thuận nhỏ bé và giản dị bấy nhiêu. Những người đàn bà nông dân Tây Sơn như chị, gần 220 năm trước cũng vừa lấm lem bùn đất vừa oai phong lẫm liệt vung gươm giết giặc. Mảnh đất mà chị và các con đang vun bón hôm nay, năm xưa cũng đã từng sinh ra những hạt lúa, củ khoai nuôi nấng các chiến binh Tây Sơn, góp phần cùng họ làm nên những chiến công lịch sử.

Gần 220 năm đã trôi qua kể từ khi những người nông dân áo vải anh hùng của đất Tây Sơn khắc nên những dấu son cho trang sử thiêng dân tộc, dòng Kôn giang vẫn thổn thức cùng âm vang của một thời lịch sử, những hạt phù sa thấm đẫm máu và nước mắt của gần 220 năm trước cứ lặng lẽ đắp bồi cho những cánh đồng Tây Sơn thêm màu mỡ.

Thuận nghĩ: Chị và các con mình cũng giống như những hạt lúa, củ khoai được sinh ra, lớn lên, đơm hoa, kết trái trên đồng đất Tây Sơn, mang tâm hồn và cốt cách của người nông dân Tây Sơn: hiền lành giản dị và nghĩa khí. Cái cốt cách ấy sẽ mãi mãi là niềm tự hào được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Đã hơn 20 năm làm người đánh trống ca ngợi khởi nghĩa Tây Sơn, Thuận ước mong truyền tiếng trống cho con gái út của mình. Cô bé sẽ nối nghiệp của mẹ để trở thành một người lưu giữ ký ức lịch sử bằng tiếng trống Tây Sơn. Cô biết, chính người đánh trống Tây Sơn cũng là một phần ký ức không thể thiếu được của lịch sử quê hương.

Dù đã biểu diễn hàng ngàn lần, nhưng Thuận vẫn là người hồi hộp nhất, chị cảm thấy như mình chính là người được mang giữ sứ mạng lưu giữ lịch sử Tây Sơn. (Mời quý vị nhấn vào đây để xem video Nguyễn Thị Thuận đánh 12 trống).

  • Ngọc Diên - Phương Lan
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài thơ xuân "xuất thần" của Cao Bá Quát  (05/02/2006)
Khai hội chùa Hương  (03/02/2006)
Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân vật trữ tình lớn trong thơ  (03/02/2006)
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu và chiến thắng Đồi 10  (02/02/2006)
Kỷ niệm 217 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (02/02/2006)
Ngân vang những giai điệu ca ngợi Đảng quang vinh  (01/02/2006)
Chợ hoa Quy Nhơn xuân Bính Tuất   (28/01/2006)
Món quà đầu xuân của nhân loại   (28/01/2006)
Tưng bừng dạ hội Tháp Đôi   (28/01/2006)
Thách đối - ai đối được không ?  (27/01/2006)
Gặp nhau cuối năm - ''bữa tiệc'' thịnh soạn đêm giao thừa  (27/01/2006)
Nghệ thuật truyền thống: Mạch nguồn vẫn tuôn chảy  (26/01/2006)
Tạp bút: Phía sau những cuốn sách  (26/01/2006)
Tạp bút: Báo Tết  (25/01/2006)
Triển lãm Báo Xuân Bính Tuất  (25/01/2006)