Xuân Diệu là một nhà thơ lớn của chúng ta trong thế kỷ hai mươi. Đặc biệt, ông nổi tiếng về thơ tình từ khi còn rất trẻ. Ông là một tấm gương điển hình, tiêu biểu và độc đáo của một nhà thơ suốt đời sống độc thân, không vợ, không con hiến dâng tất cả tài năng, sức lực, tâm huyết cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt đầu tiên, và là một trong những người xứng đáng nhất với giải thưởng này.
Sinh thời ông từng là Viện sĩ thông tấn Việt Hàn lâm của Cộng hòa dân chủ Đức. Là một thiên tài thi ca như vậy nhưng Xuân Diệu có những ngày Tết hàng năm thật là... đáng thương, đáng phục vô cùng!
Nếu chúng ta hiểu, Tết là một dịp cho mọi người cũng như mọi gia đình Việt Nam, dù giàu nghèo, dù sang hèn đều được nghỉ ngơi công việc thường nhật, gói bánh chưng, mua sắm thức ăn dự trữ, sắm sửa cái này cái nọ thì ta có thể nói rằng: Nhà thơ Xuân Diệu hoàn toàn không có Tết bao giờ!
Tết, đối với Xuân Diệu, chỉ khác ngày thường duy nhất có hai điểm: Thứ nhất, trong nhà có một cành đào thắm rất đẹp - đẹp vào hàng nhất nhì phiên chợ hôm ông đi mua cành đào ấy. Thứ hai, trên chiếc bàn gỗ con con, đánh véc ni, mặt vuông, hình lập phương 40 cen-ti-mét mỗi cạnh, có một bao thuốc lá thơm và một đĩa kẹo ngon nho nhỏ để tiếp khách ngày xuân. Còn thì, tuyệt không có ngũ quả, bánh chưng, giò chả hay bất cứ thức ăn thức uống nào khác ngày thường.
Thường tình của người đời là, những ngày gần Tết, rồi áp Tết ai ai cũng có một tâm trạng xốn xang, nao nao; nghĩ nhiều, bàn tán nhiều đến cái Tết. Rồi chạy đi chỗ này một tí, chạy tới chỗ kia một tí để mua thứ này xem thứ kia... Riêng đối với nhà thơ Xuân Diệu thì không bao giờ như thế cả! Hay ít ra, tôi cũng chưa thấy ông sống như thế bao giờ... Trái lại, càng những ngày trước Tết, gần Tết, rồi áp Tết, và ngay trong cả ngày 30 và mồng một Tết, Xuân Diệu ngồi riết róng bên bàn viết nhiều hơn. Ông cố tình lấy công việc để lấp đi cái khoảng trống thời gian đáng sợ của một người sống độc thân, không vợ, không con, không gia đình trong những ngày Tết ấy.
Cứ đêm 30 Tết hằng năm, ông một mình một bóng ngồi bên cái bàn lim cổ, cố sức lặng lẽ dồn hết nghị lực, trí não và tâm lực vào những trang văn; mặc kệ chung quanh ông nhà nhà vợ chồng, con cháu quây quần. Thỉnh thoảng ông lại ngừng viết hoặc ngừng đọc, ngồi lặng sau cái vầng sáng mờ mờ của chao đèn thủy tinh màu xanh, ngước mắt đăm đăm vào khoảng không vô định, rồi thở dài mấy tiếng: "Chà chà chà...". Tự mình nghe lấy tiếng của mình!
Đã nhiều lần tôi thấy ông quá mệt mỏi và quá đau đầu, phải tự mình lấy quả tạ tay bằng gang đập đập lên vai, lên cổ và suốt dọc sống lưng. Mãi cho đến khi tiếng pháo đón giao thừa nổ ran trời Hà Nội ông mới buông bút xuống, miệng lại "Chà chà chà..." nho nhỏ, chân rời bàn viết, tự mình đến bên cái tủ li bằng gỗ tạp lấy chai rượu ra, rót cho mình một li. Đó là li rượu ông đón giao thừa, uống đứng, ngay bên cửa tủ...
Những ngày Tết, Xuân Diệu thường chỉ rời bàn viết những lúc nghỉ đi ăn cơm. Vì là ngày Tết, cho nên ông phải để cho người u già về đón Tết ở quê Nam Định, khoảng dăm bảy hôm u ấy mới trở lên. Bởi vậy, Tết nào nhà thơ Xuân Diệu cũng có một tờ giấy ghi lịch đi ăn cơm tại một số gia đình những người thân. Ở Hà Nội, ông có hai người em ruột, là chị Ngô Xuân Như và anh Ngô Xuân Huy.
Thường thường, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết ông ăn tại nhà chị Như. Chị Như là em gái, cùng bố khác mẹ với nhà thơ; chị ấy con bà cả, nhà thơ Xuân Diệu con bà hai, nhưng chị Như rất thương người anh khác mẹ của mình. Cho nên, Tết nào chị cũng "tranh phần" đón ông đến ăn bữa cơm tất niên tại nhà mình. Những bữa sau, vào các ngày mồng một, mồng hai thì ông ăn Tết ở nhà người em trai của ông là Ngô Xuân Huy (cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
Cũng có khi ông ăn tại nhà ông Ngô Nhật Quang ở phố Yên Thế hoặc ăn tại nhà ông Nguyễn Thượng Đạt tại phố Nguyễn Thượng Hiền. Đây là hai người bạn chí cốt của Xuân Diệu từ trước năm 1945. Tết nào hai gia đình này cũng mời nhà thơ Xuân Diệu đến ăn Tết rất trịnh trọng, thân mật. Tất nhiên, trong những ngày Tết, năm nào gia đình nhà thơ Huy Cận cũng mời Xuân Diệu một bữa. Vì hai ông là bạn thân của nhau từ hồi còn là học sinh trường Quốc học Huế trước 1945, và sau này suốt mấy chục năm cùng ở chung một số nhà 24 Điện Biên Phủ, cho nên bữa cơm khách tại nhà Huy Cận, đối với Xuân Diệu là nhẹ nhàng, thuận tiện nhất.
Thường thường hôm ấy Xuân Diệu tập trung vào công việc viết lách được cao nhất, cho tới tận lúc phải ngồi vào mâm.
Ngoài khoảng thời gian ít ỏi đi chúc Tết, thăm thú một số bạn bè, đối với nhà thơ Xuân Diệu thì ngày Tết là những ngày ông lại càng làm việc bên bàn viết cật lực hơn bất cứ lúc nào. Ông tự cố gồng mình lên mà làm việc. Ông cố tình như thế để phần nào bớt đi nỗi cô đơn.
Nếu có ai đó nghĩ rằng Xuân Diệu là một người yếu đuối, thì người đó đã hoàn toàn nhầm. Sự thật, Xuân Diệu là một thi sĩ cỡ lớn, luôn luôn và lúc nào cũng là một người có nghị lực phi thường, sống và làm việc, lao động sáng tạo phi thường - bất chấp mệt mỏi, bất chấp đau khổ, bất chấp cô đơn.
. Theo Hoàng Cát (Người cao tuổi) |