|
Nhà thơ Hoàng Cầm trong kháng chiến chống Pháp. |
Một đêm tháng 4-1948, khi nghe giặc đánh phá quê hương, Hoàng Cầm đã viết bài thơ Bên kia sông Đuống. Từ đó có một dòng sông đau thương mà thơ mộng, trữ tình đến góp vào dòng trường giang thi ca.
Dòng sông ấy, lung linh gương mặt Kinh Bắc ấm no, trù phú với "lúa nếp thơm nồng", cùng những "hội hè đình đám" kết tinh một bề dày văn hóa. Đó là gương mặt quê hương hiện về trong nỗi nhớ, niềm thương, tưởng tiếc khôn nguôi trong trái tim người thơ đa cảm. Đặc biệt là ấn tượng về một miền quê lung linh thắp sáng.
Quả thật, theo dòng hoài niệm của nhà thơ về với quê hương Kinh Bắc, người đọc thấy tất cả đều như tỏa sáng, phát sáng, thắp sáng. Thắp sáng từ cảnh đến người. Trước hết là dòng sông mang cả hình bóng quê hương. 3 câu thơ đầu sử dụng hầu hết thanh bằng tạo nhịp nhẹ buồn và đọng lại trong màu cát trắng phẳng lì rất đỗi bình yên, không chia cắt. Con sông được khởi phát ngập tràn ánh sáng và sắc trắng tinh khôi. Sông Đuống đẹp không chỉ ở dáng nằm "nghiêng nghiêng" hết sức trữ tình mà còn ở vẻ "lấp lánh" vừa thực vừa hư như tấm gương soi bóng quê hương. Đó là sắc màu được pha bằng khoảng trời ký ức nên thật trong trẻo, lấp lánh ánh trời, lấp lánh sự tích, kỷ niệm... Vẻ lấp lánh hé lộ cái hồn của Kinh Bắc: tươi sáng, lung linh, đậm chất huê tình.
Bên dòng sông, bãi bờ cũng thắp sáng. Ai từng yêu, từng nhớ cái màu xanh đọng sương, đọng nắng trong thơ Hàn Mặc Tử "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc", hẳn dễ cảm một sắc "ngô khoai biêng biếc" của Hoàng Cầm. Biêng biếc là "xanh ở mức độ cao với vẻ tươi sáng, thuần khiết, nhìn thích mắt" (Từ điển từ láy Tiếng Việt). Những từ láy âm xanh xanh, biêng biếc vừa có giá trị tạo hình vừa mang ý nghĩa biểu cảm.
Nếu biêng biếc là màu xanh non, có thể nhìn bằng mắt thì màu dân tộc trong câu thơ "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" lại chỉ có thể cảm bằng hồn. Sắc màu ở đây đã ngả sang bờ ảo diệu, đan nhòe thực - mộng bởi tài hoa Hoàng Cầm. Dường như mọi vẻ sáng trong cảnh vật quê hương đã dồn về, tụ hội về trên bức tranh dân gian để từ đó, bừng lên (rõ rệt và mạnh mẽ - Từ điển Tiếng Việt) sắc màu, tâm hồn dân tộc.
Cùng với những cảnh là con người Kinh Bắc. Đọng lại sâu đậm nhất trong lòng nhà thơ không ai khác hơn là những người mẹ, người chị, người em của quê hương. Trong nụ cười em "như mùa thu tỏa nắng", người đọc cảm biết về một thuở Kinh Bắc hồn hậu yên bình. So sánh với mùa thu tỏa nắng chỉ có thể là nụ cười trong trẻo, dịu dàng, vừa như sưởi ấm hồn ta, lại vừa như làm dịu mát hồn ta. Thời chiến đen tối đau thương, thì đã có bình yên tấm lòng của mẹ. Tình mẹ anh hùng là cảm hứng cho nhà thơ viết nên một tứ thơ lạ "Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng". Gương mặt mẹ - quê hương rạng ngời trong chiến tranh. Từ bóng tối "đêm buông xuống…", "đêm đi sâu…" con sông Đuống đang âm thầm chuyển mình vươn ra ánh sáng. "Vì nắng sắp lên rồi…".
Gương mặt quê hương thắp sáng trong quá khứ đã soi vào thực tại đen tối, từ đó nhà thơ nhận diện được tương lai trong một giấc mơ tuyệt đẹp, chan hòa ánh sáng, khúc xạ bảy sắc cầu vồng và lan tỏa cho lòng người trẻ mãi "Bao giờ về bên kia sông Đuống - Anh lại tìm em - Em mặc yếm thắm - Em thắt lụa hồng - Em đi trẩy hội non sông - Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh".
Trên tấm thảm ngôn từ Bên kia sông Đuống lộng lẫy, đa sắc, Hoàng Cầm đã đính vào những viên ngọc lấp lánh: những từ láy, từ ghép giàu sắc thái biểu cảm diễn tả ánh sáng lấp lánh, biêng biếc, sáng bừng… Cùng với tình yêu sâu nặng đối với quê hương tạo thành chất keo dính bền chặt để bài thơ gắn bó sâu sắc trong tâm hồn người đọc.
Đã hơn nửa thế kỷ, dòng sông ấy vẫn trôi đi… một dòng sáng lung linh…
(*) Bên kia sông Đuống giảng dạy trong chương trình văn học lớp 12.
|