Tháng Giêng, khởi động mùa lưu diễn
13:46', 7/2/ 2006 (GMT+7)

Tháng Giêng là mùa tất bật lưu diễn của các nghệ sĩ sân khấu truyền thống, cả chuyên và không chuyên. Những câu hát bội, điệu bài chòi lại vang lên phục vụ nhân dân vùng sâu vùng xa dọc suốt mùa xuân…

 

                Vui xuân nhiều người còn mê xem hát Bội.

 

* Chuyên nghiệp: tất bật diễn xuân

Xuân này, Nhà hát Tuồng Đào Tấn ra quân chủ yếu là những vở truyền thống. Không thể thiếu Cổ thành với hình tượng Quan Công, vốn thường được chọn diễn vào các dịp cúng lễ. Bên cạnh đó, còn có Xử án Bàng Quí Phi, Tiết Giao trả ngọc, Chuyện tình Âu Lạc, Đông Lộ Địch… Đặc biệt, trong chương trình biểu diễn năm nay còn có thêm Diễn Võ Đình của soạn giả Đào Tấn vừa được Nhà hát phục hồi vào cuối năm 2005.

Với nhiều người yêu hát bội Bình Định, Diễn Võ Đình là một vở đã quen tên nhưng họ lại chưa từng được xem. Đơn giản bởi vở này từng được các học trò của cụ Đào dựng, nhưng từ cách đây khá lâu và rất nhiều năm nay, chưa được một đoàn hát bội nào phục hồi lại để diễn. Một kịch mục như vậy, cộng với dàn diễn viên gạo cội nên Nhà hát đã được đặt hàng với lịch diễn cho đến hết tháng giêng. Trong ba ngày mùng 2, 3, 4 Tết, Nhà hát đã ra quân phục vụ khán giả thành phố Quy Nhơn trên sân khấu ngoài trời dựng dưới chân Tượng đài Chiến thắng. Ngày mùng 6 Tết, Nhà hát đã xuất hành, biểu diễn tại Phù Mỹ, An Nhơn, Tây Sơn đến hết tháng Giêng.

Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định cũng có một lịch diễn không kém phần tất bật. Ngay từ mùng ba Tết, Đoàn đã xuất hành lên diễn tại Vân Canh đến mùng 6 Tết. Sau đó, Đoàn lại lên đường ra các huyện cánh Bắc, diễn đêm đầu tiên tại Hoài Mỹ. "Chúng tôi sẽ còn lưu diễn suốt cả tháng giêng tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão" - NSƯT Hoài Huệ - Phó trưởng Đoàn cho hay. Chương trình kịch mục, ngoài hai vở được dựng gần đây là Biển và TôiHuyền thoại về tiếng hát, Đoàn còn chuẩn bị một chương trình ca múa nhạc dân tộc khá đặc sắc. Được biết, năm 2006 này, Đoàn có 100 chỉ tiêu về đêm diễn, trong đó có cả diễn phục vụ chính trị.

 

Cảnh trong "Huyền thoại về tiếng hát", một vở diễn nằm trong chương trình diễn xuân của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định.

 

* Không chuyên: bươn chải để tồn tại

Toàn tỉnh hiện có 12 đoàn hát bội không chuyên và 1 câu lạc bộ bài chòi cổ dân gian. Nếu trung bình mỗi đoàn chỉ khoảng 15-20 diễn viên, ta sẽ hình dung thấy, số diễn viên không chuyên đông đảo đến chừng nào, và hiện nay họ cũng bước vào mùa lưu diễn. Những nghệ sĩ chân đất, sau một thời gian "nghỉ đông" đã xốc lại hành trang, lên đường biểu diễn dọc suốt các tỉnh miền Trung và cả miền Nam. Và mùa lưu diễn còn kéo dài cho mãi đến tận tháng 8 âm lịch. Đây cũng là thời gian "kiếm cơm" chính của họ. Hát án, cúng kỳ yên, cúng thần… là khi những người dân nghèo được coi thí, khán giả vòng trong, vòng ngoài. Hết trong tỉnh, rồi các tỉnh ngoài, bươn bả ra tận huyện đảo Lý Sơn hay vào Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, mỗi đêm diễn hợp đồng khoảng triệu mốt, triệu hai; diễn viên đã vui, mà bầu hát còn vui hơn.

Bầu hát được "lĩnh tờ" (ký hợp đồng) nhiều nhất vẫn là khi các làng chài vào mùa hát án. "Đâu có dân chài, ở đó hát bội có đất sống"- ông Lê Thanh Hải, bầu của Đoàn hát truyền thống Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) cho biết.

Thuê đào, kép hát hay, diễn giỏi; rồi linh hoạt đáp ứng yêu cầu của nhân dân từng địa phương là thế mạnh của nghệ thuật không chuyên. Vở diễn không mới, những Bóng đen nghĩa hiệp, Ngọn lửa Hồng Sơn, Tam Hùng kiệt, Hoàng Ngự đệ chịu hàm oan… nhưng vẫn hút hồn không ít người xem. Người đi xem không chủ ý coi cho biết truyện, mà cái chính là xem cách diễn xuất của diễn viên. Oanh, Hạnh, Huệ… những giọng ca đang sáng giá của sân khấu hát bội không chuyên, thường xuyên được của các đoàn hát mời gọi. Cũng tùy vào cái tài chiêu mộ của ông bầu mà tiếng tăm đoàn hát có vang xa được hay không, có được các nơi chèo kéo, mời gọi hay không. Người mê hát vẫn kể rằng, trước đây hai thôn thách nhau ai mời được gánh Hoàng Chinh (An Nhơn) thì thôn này sẽ sang quét dọn đường làng sạch sẽ cho thôn kia. Còn hiện nay, số đoàn hát có đất diễn thường xuyên như Ánh Dương (Tuy Phước), Trần Quang Diệu (Quy Nhơn), Cát Tường (Phù Cát)… không phải là nhiều.

Mùa lưu diễn đã khởi động. Tự thân những tiếng ấy vang lên đã như một niềm tự hào: rằng sân khấu truyền thống vẫn có khán giả. Vũng Tàu, Bình Thuận… dù đã có đoàn của địa phương mình, vẫn mê các đoàn hát bội Bình Định vô diễn, bởi bạn hát Bình Định càng hát càng hay, càng diễn càng phô hết thần thái truyền thống.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bên kia sông Đuống (*) - lung linh một miền sáng  (07/02/2006)
Nhà thơ Xuân Diệu đón Tết  (06/02/2006)
Chuyện người lưu giữ ký ức  (05/02/2006)
Bài thơ xuân "xuất thần" của Cao Bá Quát  (05/02/2006)
Khai hội chùa Hương  (03/02/2006)
Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân vật trữ tình lớn trong thơ  (03/02/2006)
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu và chiến thắng Đồi 10  (02/02/2006)
Kỷ niệm 217 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (02/02/2006)
Ngân vang những giai điệu ca ngợi Đảng quang vinh  (01/02/2006)
Chợ hoa Quy Nhơn xuân Bính Tuất   (28/01/2006)
Món quà đầu xuân của nhân loại   (28/01/2006)
Tưng bừng dạ hội Tháp Đôi   (28/01/2006)
Thách đối - ai đối được không ?  (27/01/2006)
Gặp nhau cuối năm - ''bữa tiệc'' thịnh soạn đêm giao thừa  (27/01/2006)
Nghệ thuật truyền thống: Mạch nguồn vẫn tuôn chảy  (26/01/2006)